Top

Hà Nội: Hậu quả của việc xây nhà không xây trường

Cập nhật 29/07/2009 14:10

Một góc khu đô thị Linh Đàm

Hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội đang triển khai xây dựng khoảng gần 100 khu đô thị, bao gồm các khu tái định cư và khu đô thị. Tuy nhiên nhiều khu đô thị mới và khu tái định cư trên địa bàn chưa có hoặc thiếu trường học ở cả 3 cấp. Trong khi đó ở các quận nội thành, lượng học sinh lại quá tải tại các trường công và thiếu trầm trọng các trường học.

Thiếu trường do thiếu quỹ đất

Sau khi mở rộng, quy hoạch của Hà Nội rộng gấp 3 lần trước đây và dân số tăng gấp 2 lần. Toàn thành phố hiện có gần 2.400 cơ sở giáo dục và 280 trung tâm học tập cộng đồng, với gần 1,4 triệu học sinh và 94.500 cán bộ, giáo viên. Tổng chi ngân sách của thành phố cho giáo dục và đào tạo bình quân hằng năm đạt 20%. Còn số cơ sở giáo dục ngoài công lập của Hà Nội là 338, đào tạo hơn 120.000 học sinh. Tỉ lệ học sinh học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày càng tăng, một số trường trong nội thành có số học sinh ở mỗi lớp đông hơn quy định.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, sự gia tăng dân số cơ học, di dân tự do của các tỉnh lân cận về các khu công nghiệp, khu đô thị mới của thủ đô, tạo nên sức ép về trường lớp "nếu không có dự báo kịp thời sẽ phá vỡ quy hoạch mạng lưới trường lớp".

Theo luật giáo dục năm 2005 quy định mỗi phường phải ít nhất có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở (THCS). TP Hà Nội đã thực hiện đúng nhưng vấn đề đặt ra là khi dân số tại các quận nội thành trên địa bàn Hà Nội ngày càng tăng, các khu đô thị, khu chung cư cao cấp mọc lên khiến số lượng học sinh cũng gia tăng đột biến.

Hiện nay, nhiều phường trong khu vực nội thành Hà Nội vẫn chưa có hoặc thiếu trường tiểu học, THCS công lập như Giảng Võ, Điện Biên, Láng Hạ, so với số dân sinh sống trên địa bàn 6 phường chưa có trường mầm non công lập (Trung Liệt, Láng Thượng, Phương Mai, Ngã Tư Sở, Lê Đại Hành, Thanh Nhàn) dẫn tới tình trạng quá tải học sinh tại các trường công lập, đặc biệt là sức ép tuyển sinh các năm đầu cấp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quỹ đất trong nội thành chật hẹp nên khó có thể tìm được quỹ đất để xây dựng trường học. Và sự phối hợp chưa chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành chức năng và UBND quận trong việc phát hiện và trình UBND TP.

Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 18 - HĐND TP Hà Nội khóa XIII vừa qua, bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND cho rằng: UBND chưa quan tâm đến vấn đề dân số, chúng ta cứ đổ đầu mỗi phường 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và THCS công nhưng không tính đến mỗi phường có mật độ dân số nhiều ít khác nhau mà phường nào cũng như phường nào.

Bà phê bình UBND không quan tâm đến yếu tố dự báo khi làm quy hoạch. Năm 2003, được UBND dự báo là tỉ lệ sinh tăng đột biến và cho đến nay được 6 năm, tỉ lệ tuyển sinh lớp 1 sẽ quá tải ở hầu hết các địa bàn chứ không phải chỉ ở một phường nào.

Hầu hết các trường học tốt lại nằm ở một số phường như Giảng Võ, Láng Hạ... trong năm nay những khu vực này đã mọc lên nhiều chung cư cao tầng nên dân số cũng thay đổi, như vậy những trường học này lại quá tải. Đây là hệ quả của tình trạng ai phụ trách giáo dục thì cứ quyết giáo dục, ai phụ trách xây dựng thì quyết xây dựng mà không có sự phối hợp nhịp nhàng.

Thiếu trường do chủ đầu tư...


Một vấn đề nữa được đặt ra hiện nay đó là hiện tại ở các khu tái định cư, các khu đô thị đều không có trường hoặc thiếu trường học ở cả 3 cấp, mầm non, tiểu học, THCS. Có những nơi 10 năm rồi chưa xây dựng được trường học như khu Linh Đàm, thiếu trường THCS; khu Nam Thăng Long chưa đủ trường, khu tái định cư Nam Trung Yên phải sau một thời gian giám sát quyết liệt mới có trường.

Đời sống sinh hoạt của dân cư tại các khu này trở nên khó khăn, bởi cứ mỗi năm tuyển sinh họ đều phải chạy sang các quận khác hay phải "xí phần" trước hẳn một năm tại những trường học để đầu cấp con mình có chỗ để học. Hay như nhiều nơi cho đến tháng 3 vừa rồi, các trường tiểu học dường như đều kín chỗ, không còn suất để nhận học sinh, khiến các phụ huynh điêu đứng.

Một số vị đã phải chuyển hộ khẩu của con mình sang nhà họ hàng để được đi học ở trường tốt, hay không bị trái tuyến. Hiện nay trên thế giới khi xây dựng khu đô thị hay khu chung cư đều tập trung xây dựng các hạ tầng xã hội trước. Nhưng ở Việt Nam ngược lại, vấn đề này không được quan tâm mà dự án nào cũng đầu tư xây dựng các căn biệt thự, các nhà đẹp trước rồi còn thừa mới quan tâm đến các khu hạ tầng xã hội.

Cũng trong phiên chất vấn HĐND khóa XIII vừa qua, bà Ngô Thị Thanh Hằng đã cho rằng, hiện nay trong các quy hoạch khu chung cư, khu đô thị và tái định cư đều có các công trình xã hội như trường học, khu vui chơi.

Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên là do phần nhiều cơ chế chính sách đầu tư xây dựng thay đổi. Trách nhiệm của quản lý nhà nước về khu đô thị chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành chức năng UBND quận, huyện và các chủ đầu tư, và ngay TP cũng thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát chặt chẽ.

Bà nhấn mạnh rằng, tình trạng thiếu trường chủ yếu là do thiếu sót của chủ đầu tư. Một số khu đô thị trong quá trình xây dựng chưa hoàn thành, do đặc thù của khu đô thị có nhiều công trình với chức năng sử dụng đất khác nhau nên tiến độ triển khai thường kéo dài, vừa khai thác vừa sử dụng nên chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng các trường học mà chỉ tập trung vào những công trình thu hồi vốn nhanh như nhà ở kinh doanh, khu dịch vụ thương mại...

Hiện nay TP đang rà soát cho nên chính bà cũng không nắm rõ cụ thể bao nhiêu khu đô thị đã được hoàn thiện trường học. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã thừa nhận rằng, hiện chưa có chế tài đủ mạnh đối với các chủ đầu tư không thực hiện hoặc chậm thực hiện xây dựng trường trong khu đô thị mới và khu tái định cư.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân