Top

GS. Đặng Hùng Võ: 'Với BĐS, "không nên dùng từ… giải cứu''

Cập nhật 04/07/2013 10:21

Thời gian vừa qua, để "phá băng" trên thị trường BĐS, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, thị trường chưa có phản ứng tích cực. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi là cung cầu chưa gặp nhau, bởi giá sản phẩm dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao. Trong khi đó, người có nhu cầu về nhà ở rất lớn, song chưa mua được nhà vì không đủ khả năng tài chính.

 Việc giải cứu thị trường BĐS vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất. Với những người không tán đồng thì cho rằng, chưa nên giải cứu BĐS, bởi đây là thời điểm tốt nhất làm trong sạch thị trường, loại bỏ được doanh nghiệp yếu kém, làm ăn chụp giật. Nếu vẫn ưu ái các doanh nghiệp BĐS, thì không loại trừ khả năng trong tương lai, chúng ta lại đối mặt với những vấn đề đang gặp phải.  Một chuyên gia kinh tế nhận định, lâu nay, thị trường phát triển "nóng" do đầu cơ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho giới đầu cơ thì bây giờ là lúc hãy để thị trường "rơi tự do", về đúng giá trị của nó. Việc doanh nghiệp lớn lên hay chết đi là chuyện bình thường, đặc biệt trong bối cảnh đang cần phải cơ cấu lại. Và dường như những lúc khó khăn chúng ta đang quay lại tư duy trông cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT (Ảnh: Bảo Lâm)

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, trong tình trạng của thị trường BĐS nước ta hiện nay, không nên dùng từ "giải cứu" mà chỉ nên dùng từ "tháo gỡ khó khăn cho thị trường". Ở một số nước như: Mỹ, Thái Lan, Singapore trước đây cũng đã từng giải cứu thị trường BĐS nhưng các quốc gia này chỉ ra tay khi thị trường BĐS tác động xấu gây nên khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế trên tầm quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Họ đặt ra vấn đề giải cứu vì hệ lụy phát sinh chứ không phải vì bản thân thị trường BĐS.

Ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có thị trường BĐS chịu khó khăn về vốn khi Nhà nước kiềm chế lạm phát chứ chưa nhìn thấy khả năng thị trường BĐS làm khủng hoảng tài chính quốc gia. Nghị quyết 02 ra đời có thể coi là gói giải pháp giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại cung - cầu trên thị trường, giúp cho người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn đọng trong thị trường BĐS. Đó không phải là để "giải cứu" thị trường BĐS mà là sự can thiệp hợp lý của Nhà nước vào thị trường.

Bàn về giải pháp giải cứu BĐS, trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Các chính sách gần đây của Nhà nước không phải là hướng tới việc giải cứu riêng ngành BĐS, càng không phải là giải cứu đại gia mà là hỗ trợ khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ người dân. Cái chính ở đây không phải là đổ một khối tiền ra giải cứu, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường phục hồi và phát triển thuận lợi. Với thị trường BĐS, bàn tay quản lý của Nhà nước lại cần phải sâu hơn các ngành nghề khác, vì BĐS là hàng hóa đặc biệt. Thị trường này có tính liên thông rất cao với các thị trường khác; đất đai trong BĐS lại là nguồn lực tài nguyên của quốc gia, là giá trị tài sản rất lớn của quốc gia cũng như người dân".

Đang xúc tiến xem xét

Ông Nguyễn Mạnh Hà, cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện Hà Nội và TP. HCM đã có hơn 60 dự án xin điều chỉnh diện tích từ nhà thương mại sang nhà xã hội, với khoảng 35.000 căn hộ và một số dự án đã được duyệt. Hiện 2 địa phương này đang thành lập tổ công tác để xem xét dự án nào điều chỉnh từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ để xem xét cho làm một cách riêng, quy trình riêng, nhằm đảm bảo thời gian sớm nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin