Top

Gói 30.000 tỉ đồng: Có bị sử dụng sai mục đích?

Cập nhật 04/07/2013 09:11

Trong khi rất ít người dân vay được tiền để tạo lập nhà ở thì nhiều dự án nhà ở xã hội được vay vốn từ nguồn 30.000 tỉ đồng rầm rộ khởi công.

Từ ngày 1-6 đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp (DN) được thụ hưởng từ gói 30.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất 6%/năm theo Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ. Số lượng người dân vay được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như “xương gà chiên bơ”

“Chúng tôi thấy gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho bất động sản giống như xương gà chiên bơ, thấy thơm lắm mà ăn không được. DN tại TP.HCM gần như bị bít cửa tiếp cận nguồn vốn này” - ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, bày tỏ trong buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cộng đồng DN, chiều 25-6. Ông Minh còn thắc mắc tại sao nguồn vốn trên không được phân bổ về các địa phương để từ đó có thể kiểm tra, giám sát chặt việc giải ngân có đúng đối tượng, đúng mục đích không.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), phản ánh thêm: Trong khi rất ít người dân vay được tiền để tạo lập nhà ở thì nhiều dự án nhà ở xã hội lại được vay từ nguồn 30.000 tỉ đồng rồi rầm rộ khởi công.

Ngày 26-6, HOREA đã gửi công văn lên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải báo cáo về tình hình trên. Trong đó nêu rõ kể từ ngày 25-5, Bộ Xây dựng đã cho khởi công xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội với số lượng hàng ngàn căn, tổng mức đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.

Nhiều người dân rất trông chờ vào việc vay từ nguồn vốn 30.000 tỉ đồng để mua được nhà ở. Ảnh: M.THẢO

Các dự án vừa khởi công gồm: Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm của Tổng Công ty HUD với số vốn 710 tỉ đồng; dự án nhà ở xã hội khu đô thị Đồng Dâu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Đại Huệ với số vốn 245 tỉ đồng; dự án khu nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Sunny Garden City (huyện Quốc Oai, Hà Nội) với số vốn 350 tỉ đồng (đây là dự án đầu tiên được Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội chấp thuận cho chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội). Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, các dự án trên đều được vay từ nguồn vốn 30.000 tỉ đồng.

Cũng theo ông Nam, thời gian tới sẽ còn nhiều dự án nhà ở xã hội được khởi công tiếp. Như vậy, HOREA phân tích trong báo cáo rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên, trong lúc mục tiêu của Nghị quyết 02 là giải quyết hàng tồn kho, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được nhà hoặc đang xây dở dang.

“Tôi bức xúc lắm! Xây nhà ở xã hội là rất đáng hoan nghênh nhưng phải sử dụng nguồn vốn khác. Theo Nghị quyết 02 thì 30.000 tỉ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2” - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Cho vay sai sẽ xử lý nghiêm

Cũng trong báo cáo, HOREA còn phản ánh đã có một ngân hàng công bố tỉ trọng phân bổ cho vay từ nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỉ đồng là 60% cho DN và 40% cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tỉ lệ này là 70% cho người tiêu dùng và 30% cho DN. Tính ra, số tiền để cho người dân vay phải là 21.000 tỉ đồng, các DN chỉ được vay trong 9.000 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao số tiền cho người dân vay rất nhiều nhưng hơn một tháng nay rất ít người vay được? Còn nguồn vốn dành cho DN hạn chế thì dự án lại khởi công “ầm ầm”?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn, cho biết khâu xác nhận đối tượng thuộc diện được vay vốn là vướng mắc khiến trước đây ngân hàng chưa thể giải ngân cho người vay cá nhân. “Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn hướng dẫn về việc xác nhận đối tượng cho vay. Chúng tôi đã lên kế hoạch và chuẩn bị giải ngân cho năm khách hàng mua căn hộ Khang Gia -Tân Hương ở TP.HCM vay vốn” - ông nói.

Trước đó, ngày 13-6, tại hội nghị về bất động sản do báo Đầu Tư tổ chức, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng thuộc NHNN, khẳng định không có việc sử dụng “méo mó” nguồn vốn 30.000 tỉ đồng. Năm ngân hàng thương mại nhà nước cho vay như thế nào là tùy họ nhưng tỉ lệ cuối cùng vẫn phải đảm bảo 70% cho dân vay và 30% cho DN vay. Ngân hàng nào cho vay sai đối tượng, sai mục đích sẽ bị xử lý nghiêm.

Đua nhau chuyển sang nhà ở xã hội

Theo thống kê của Bộ Xây dựng và Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, số lượng DN làm nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội quá nhiều. Đã có 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tổng quy mô là 31.000 căn. Có công ty như Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 có tám dự án nhà ở thương mại đều xin chuyển sang làm nhà ở xã hội. Công ty này thua lỗ lớn và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết. Trong phương án giải trình của công ty có nêu rõ sau khi được duyệt cho chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì mới có lợi nhuận.

“Hiện tại nhà ở xã hội có nhiều đâu”

Việc tung 30.000 tỉ đồng không phải là để cứu thị trường bất động sản, không phải giảm hàng tồn kho bất động sản. Gói này kết hợp luôn mục tiêu giải quyết khó khăn về nhà ở cho người nghèo. Hiện nguồn cung nhà ở vừa thừa vừa thiếu. Thừa nguồn cung nhà đắt tiền, còn thiếu nhà ở phù hợp cho người dân, nhất là dân nghèo. Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội thì phải xây chứ làm sao người dân mua được nhà to. Hiện tại nhà ở xã hội có nhiều đâu. Mặt khác, xây nhà thì công nhân có việc làm, ngành vật liệu xây dựng hoạt động…

Ông NGUYỄN TRẦN NAM, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP