Top

Giao dịch bất động sản qua sàn: Chờ hiện thực hóa quy định?

Cập nhật 25/06/2009 11:25

Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2007, quy định mọi giao dịch BĐS phải qua sàn giao dịch. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, giao dịch BĐS ngầm vẫn phổ biến. Người dân muốn mua bán BĐS vẫn phải nhờ cậy mối quan hệ, hoặc chấp nhận qua trung gian...

Vì sao người dân vẫn chưa mua được BĐS qua sàn?

Chị H. định mua một căn hộ chung cư. Sau khi tham khảo nhiều dự án, chị quyết định chọn khu đô thị V, vì giá cả hợp với khả năng tài chính của mình. Đầu tiên chị vào mạng các sàn giao dịch BĐS có địa chỉ www.sanbatdongsan.net.vn và vào địa chỉ giao dịch của chủ đầu tư dự án mà chị đã chọn. Tuy nhiên, trên sàn giao dịch này không có bất cứ thông tin nào về dự án, ngoài địa chỉ liên hệ. Mất công tìm đến tận nơi, chị được nhân viên văn phòng cho biết "hiện chưa có thông tin gì", điều đó có nghĩa là sản phẩm chưa được bán, phải đợi thêm một thời gian nữa. Nhưng chị H. đã bất ngờ khi vào các mạng rao vặt thấy số lượng nhà tại dự án chị định mua được rao bán rất nhiều. Gọi đến một số điện thoại rao bán nhà, chị được biết đó là văn phòng môi giới nhà đất. Nhà chung cư chị định mua đang được bán, nếu muốn mua phải trả thêm chênh lệch từ 700.000 đồng/m2 đến 1 triệu đồng/m2. Chị cũng có thể chọn căn hộ theo ý muốn, tất nhiên phải giao dịch sớm vì "số lượng nhà có hạn mà người mua thì nhiều". Nếu đồng ý, trước hết chị đến văn phòng trả tiền chênh lệch, sau đó nhân viên văn phòng sẽ dẫn đến trung tâm giao dịch của chủ đầu tư để làm hợp đồng mua bán, hợp đồng vào tên của chị (tức là mua bán chính chủ).

Chị H. thắc mắc, theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS, từ 1-1-2007, các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS qua sàn giao dịch. Có thể thời gian đầu người dân chưa quen với cách giao dịch này, nhưng đã hơn 2 năm rồi vì sao người dân như chị vẫn không thể mua được nhà qua sàn?

Được biết, theo các quy định mới tại Nghị định 23/2009/CP của Chính phủ, giao dịch kinh doanh BĐS không qua sàn sẽ bị phạt nặng. Doanh nghiệp (DN) sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng nếu bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS thuộc diện phải qua sàn giao dịch BĐS mà không thông qua sàn giao dịch theo quy định. Hành vi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS tại sàn giao dịch không đúng trình tự, thủ tục quy định cũng có mức phạt tương tự. Trường hợp DN kinh doanh các BĐS không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh hoặc vi phạm quy định về huy động vốn trong đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn bị phạt nặng hơn, từ 60 đến 70 triệu đồng. Đặc biệt, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, nếu tái phạm, DN có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 1 đến 3 năm hoặc không thời hạn.

Thị trường BĐS: cần minh bạch hóa

Về lý thuyết, sàn giao dịch BĐS ra đời giúp cho DN có nơi để bán sản phẩm và khách hàng tiếp cận được dịch vụ BĐS dễ dàng hơn. Với người dân, sàn giao dịch BĐS là mô hình mới, thời gian đầu có thể nhiều người còn chưa quen. Song rõ ràng lợi ích rất lớn, người mua có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc mua bán qua sàn; có nhiều điều kiện lựa chọn món hàng phù hợp và tiếp cận với các dịch vụ của bên bán hàng. Vì thế, mục đích xa hơn của việc xây dựng sàn giao dịch BĐS là nhằm minh bạch, công khai hóa thị trường lớn này.

Tuy nhiên, để các sàn giao dịch BĐS phát triển, các DN phải sớm có mô hình, nâng cao trình độ kinh doanh, đặc biệt là phải minh bạch, công khai sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường. Song có thực tế là đến nay không hẳn DN nào cũng làm được điều này. Bởi khi cầu còn lớn hơn cung rất nhiều, thị trường BĐS vẫn là nơi để giới đầu cơ "làm ăn". Người dân muốn mua BĐS phải nhờ nhiều mối quen biết. Người có quen biết tốt có thể mua được nhiều sản phẩm, rồi bán kiếm chênh lệch. Mặc dù Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ 1-1-2007, song tình trạng giao dịch nhà đất ngầm vẫn phổ biến. Vì vậy, để các sàn giao dịch BĐS thực sự hoạt động hiệu quả, thị trường BĐS minh bạch, công khai, bên cạnh việc trông chờ vào ý thức của DN và người dân, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hiện thực hóa các quy định của pháp luật đã được ban hành.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới