"Sở Xây dựng sẽ cố gắng giảm bớt thời gian thủ tục hành chính thêm 10%, giảm chi phí xây dựng cho DN".
Giảm thời gian thủ tục hành chính sẽ giúp DN BĐS giảm chi phí xây dựng
|
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây Dựng TP.HCM, cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của PV.
*
Xin ông cho biết tình hình phát triển các dự án nhà ở xã hội hiện nay tại TP.HCM như thế nào?
+ Trước khi có Luật Nhà ở thì chính sách về phát triển nhà ở giá thấp đã có, tuy nhiên chưa rõ ràng nên việc phát triển phân khúc này của thị trường BĐS chưa thuận lợi.
Sau khi Luật Nhà ở đã đề cập đến nhà ở xã hội (NƠXH) trong đó có cả nhà ở giá thấp phục vụ cho nhiều đối tượng, thực sự rất được xã hội quan tâm, và có nhiều loại hình để đầu tư xây dựng.
Đến nay, trên địa bàn TP.HCM dự án nhà ở xã hội có 3 mảng chính là nhà ở phục vụ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhà ở lưu trú cho công nhân, nhà ở ký túc xá sinh viên.
Loại hình nhà ở xã hội do ngân sách đầu tư là chung cư Tô Hiến Thành và chung cư Đông Hưng 2 đã hoàn thành, và 04 dự án đang thi công và sắp hoàn thành: dự án 26 Nguyễn Thượng Hiền, 19/19 Lạc Long Quân, 241 Nguyễn Văn Luông, quận 6, dự án 481 đường Ba Đình.
Đối với dự án do chủ đầu tư không sử dụng vốn ngân sách có 4 dự án đã khởi công xây dựng: chung cư phường Thảo Điền, quận 2; Dự án chung cư Thạnh Lộc, quận 12; Tại huyện Bình Chánh có 02 dự án là:khu chung cư CC1 (HQC) và chung cư Lô A khu dân cư Lô số 4 xã Bình Hưng.
*
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng phân khúc nhà ở giá thấp tại TP.HCM?
+ Các công trình nhà ở xã hội cũng đảm bảo chất lượng về kết cấu bền vững, an toàn, đảm bảo cơ bản về hệ thống hạ tầng kỹ thuật về cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy,…v.v. Còn về phần trang thiết bị, nội thất tùy thuộc vào từng dự án, thiết kế xây dựng do chủ đầu tư thực hiện liên quan đến giá thành, đầu ra của sản phẩm căn hộ phù hợp với khả năng của người mua, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính tiện ích tối thiểu cho người sử dụng.
Sở Xây dựng TP.HCM là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thẩm tra, thẩm định hồ sơ xin phép xây dựng,thẩm định thiết kế theo quy định của Luật Xây dựng, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát cụ thể để đảm bảo chất lượng công trình. Về mặt quản lý chất lượng xây dựng thì Luật Xây dựng, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đã quy định đầy đủ nên chủ đầu tư phải tuân thủ thực hiện.
*
Hiện TP.HCM đã phê duyệt cho một số dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội và chia nhỏ diện tích. Tuy nhiên, nhiều DN BĐS vẫn có nhu cầu không được cho phép. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
+ Hiện nay, xu hướng thị trường là phân khúc căn hộ diện tích nhỏ, phù hợp với khả năng của đa số người dân, nên nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng sang đầu tư xây dựng loại hình căn hộ nhỏ. TP.HCM có 8/11 dự án được UBND TP.HCM chấp thuận chuyển đổi nhà ở thương mại (NƠTM) sang NƠXH, và 9/24 dự án NƠTM được UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển đổi căn hộ từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ.
Tuy nhiên có một số DN BĐS có nhu cầu chia nhỏ diện tích căn hộ của dự án nhưng không được đáp ứng là có nhiều nguyên nhân, có thể là:
Thứ nhất, có dự án đã thi công và xây dựng đến phần thân, khi xin chuyển đổi sang căn hộ diện tích nhỏ thì việc điều chỉnh thiết kế và xây dựng, ngoài vấn đề phải đảm bảo quy mô tăng dân số cho phép, bên cạnh đó còn phải xem xét để đảm bảo một số tiêu chuẩn khác như chỗ đậu xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, thang máy, PCCC… Nếu đã xây dựng tầng hầm rồi thì việc mở rộng tầng hầm, tăng diện tích để xe để đảm bảo quy cách xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng là rất khó nên chủ đầu tư không chuyển đổi nữa….
Bên cạnh đó, khi chia nhỏ diện tích căn hộ thì dân số của dự án sẽ tăng, nếu dự án đó nằm ở ngoại vi trung tâm thành phố thì có thể được, còn đối với những dự án nằm trong phần trung tâm của thành phố phải cân nhắc, xem xét, vì đối với những trục đường chưa mở rộng theo lộ giới, nếu không có kế hoạch cải tạo mở rộng đường xá thì việc kẹt xe là tất yếu.
Một số dự án không đảm bảo các điều kiện về dân số, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi chia nhỏ căn hộ nên không được chấp thuận.
Do vậy, việc cho phép chuyển đổi căn hộ có diện tích lớn sang diện tích nhỏ cần phải xét một cách toàn diện, căn cứ kế hoạch phát triển đô thị của thành phố nói chung và từng khu vực cụ thể, nếu đã có kế hoạch mở rộng lộ giới tương thích, đồng bộ với việc triển khai thực hiện dự án thì mới xem, xét cho phép.
*
Ông cho biết về định hướng phát triển thị trường BĐS TP.HCM đến năm 2020 như thế nào?
+ Theo ý kiến cá nhân tôi thị trường BĐS TP.HCM sẽ phát triển mạnh phân khúc nhà ở giá thấp vì đây là nhu cầu rất lớn của đa số người dân có thu nhập trung bình, thấp.
Một phân khúc nữa là sẽ phát triển loại hình nhà ở cho thuê - mua. Đây có thể không phải là loại hình mới, tuy nhiên với quan niệm của đa số người dân là phải cố gắng để mua, sở hữu căn nhà và không phải ai cũng có khả năng mua được nhà.
TP.HCM là đô thị lớn, cùng với việc phát triển đô thị hiện đại, đông dân nhất cả nước thì nhu cầu về chỗ ở cũng rất đa dạng. Do vậy, quan niệm về nơi ở cũng dần thay đổi từ việc phải sở hữu một căn nhà sẽ được thay bằng việc có một chỗ ở ổn định, phù hợp.
Đối với việc mua nhà ở trả góp, hay kể cả mua NƠXH thì người mua phải đóng trước số tiền tối thiểu 20% giá trị căn nhà. Những người mới đi làm, việc tích lũy và có được số tiền này không phải là dễ. Do vậy, phương thức nhà ở cho thuê hoặc thuê-mua cũng sẽ phát triển để đáp ứng nhu cầu này của thị trường.
Còn về giá BĐS đến năm 2020 theo cá nhân tôi là có tăng nhưng tăng chậm.
*
Các vấn đề về thủ tục hành chính sẽ được Sở Xây dựng TP.HCM tạo điều kiện như thế nào để DN BĐS triển khai nhanh dự án nhà ở giá thấp, thưa ông?
+ Nghị quyết 43/2014/NQ-CP của Chính phủ (về cải cách thủ tục hành chính trong viec thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh). Trong đó, mục tiêu cắt giảm ít nhất 40% thời gian hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Riêng Sở Xây dựng cũng đang nghiên cứu để rút ngắn thêm thời gian thực hiện có liên quan đến Sở Xây dựng như: công tác chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng…
Sở cố gắng giảm thêm 10% nữa. Như vậy, tổng thời gian để thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ cố gắng giảm tới 50%, đây là điều rất đáng mừng cho người dân, DN BĐS, và đối với cơ quan công quyền cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công tác cải cách hành chính.
*
Xin cảm ơn ông !
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: