Top

Giải cứu BĐS bằng chính sách

Cập nhật 10/01/2014 11:39

Năm 2013 kết thúc được đánh giá là một năm khó khăn nhất của thị trường BĐS kể từ năm 2008 trở lại đây. Thị trường phải đối mặt với các vấn đề về hàng tồn kho, nợ xấu, mất thanh khoản. Và bước sang năm 2014, mọi dự báo vẫn nhận định là một năm nhiều khó khăn với thị trường do những khó khăn về cơ bản vẫn chưa được giải quyết.


Vẫn cần một cơ chế thoáng

“Chúng tôi cần cơ chế hơn là cần tiền”, đó chính là một trong những bức xúc được các DN BĐS phía nam bày tỏ trong buổi làm việc mới đây với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG).

Có thể thấy, những khó khăn mà các DN BĐS gặp phải trong thời gian qua quá nhiều. Chỉ riêng tại TPHCM, hiện có tới 55,8% các dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, đang ngừng triển khai là tỉ lệ khá lớn. Và nếu tính theo diện tích, có đến 8.600ha/11.700ha đã và đang ngừng triển khai, chiếm hơn 70% tổng diện tích, là thực trạng cho thấy thị trường và DN BĐS còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều khiến cho các DN cảm thấy bức xúc nhất, hàng đầu cần giải quyết chính là cơ chế điều hành.

Ai cũng biết làm một dự án BĐS thì phải mất gần 4 năm, thậm chí là hơn 10 năm mới xong trong khi đó các chính sách thuế, giá đất... thì lại điều chỉnh theo kiểu một năm điều chỉnh một lần, khiến DN không kịp trở tay và thậm chí là đã có những DN “chết tức tưởi” trong thời gian qua.

Vấn đề tính tiền sử dụng đất theo Nghị định 69 là một ví dụ. Có DN cho biết, họ bỏ ra 100 tỉ đồng để mua đất và bồi thường cho người dân theo giá thị trường, nhưng khi tính tiền sử dụng đất thì họ chỉ được hoàn trả một phần nhỏ theo giá của Nhà nước, còn lại phải đóng thêm gần 90 tỉ cho tiền sử dụng đất. Bức xúc này được các DN BĐS kiến nghị nhiều năm qua, đã có không ít lãnh đạo lắng nghe, nhưng cho đến nay dường như vẫn chưa được “thấu hiểu”.

Trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TPHCM cũng đã có kiến nghị đối với các DN đã thỏa thuận bồi thường nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất, hoặc còn nợ tiền sử dụng đất, nên có hướng dẫn cụ thể việc khấu trừ các chi phí hợp lý của DN, để tránh tình trạng phải nộp tiền sử dụng đất hai lần. Về lâu dài, để có thể vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ cơ chế xin cho, UBND TPHCM đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10 - 15% bằng giá đất.

Chính sách tín dụng đang dần “mở cửa”

Dưới góc độ của một chuyên gia về kinh tế vĩ mô, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch UBGSTCQG - cũng thừa nhận, hiện nay cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành để một chính sách còn rườm rà. Chính sách đưa ra vẫn còn rất rối rắm, phức tạp, dẫn đến khó thực hiện. Chẳng hạn như việc gói 30.000 tỉ giải ngân chậm là do thủ tục và các quy định hiện hành khiến khó xác định đúng đối tượng cho vay.

Về chính sách tài chính tín dụng cho thị trường BĐS thời gian tới, TS Ngoạn cho rằng, lãi suất là một công cụ chính sách vĩ mô mà NHNN sử dụng để điều tiết chung, nhưng hướng tới nhiều mục tiêu, chứ không chỉ riêng một mục tiêu cho DN và lãi suất luôn phụ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Vì thế, diễn biến của lãi suất trong thời gian tới phụ thuộc vào tín hiệu của lạm phát. “Nếu như chúng ta xác định mục tiêu lạm phát khoảng 7% trong năm 2014 thì tôi cho rằng, mức lãi suất hiện nay được xem là phù hợp. Tới đây, nếu kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thì lãi suất cũng sẽ từng bước được điều chỉnh giảm” - TS Ngoạn nói.

Về nguồn vốn tín dụng dành cho lĩnh vực BĐS, TS Vũ Viết Ngoạn cho rằng, các chính sách đang theo hướng thuận lợi cho DN. Bản thân NHNN đã có công văn cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, cũng như đánh giá tình hình tài chính của từng DN trong lĩnh vực BĐS để tạo điều kiện cho DN tiếp tục vay triển khai dự án với nhiều cơ chế ưu đãi, thuận lợi. Đây là một động thái “vô tiền khoáng hậu” ưu tiên cho DN BĐS so với thời gian trước đây. Thực tế hiện nay vẫn có dự án tốt nhưng không vay được. UBGSTCQG cũng đã có đề nghị NHNN nên đánh giá từng dự án cụ thể và cho phép dãn tiến độ, cơ cấu lại nợ và cho vay nếu dự án có triển vọng tốt. Đây là một bước tiến quan trọng giúp các DN có thể phục hồi.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường năm 2014, UBGSTCQG cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách thu tiền sử dụng đất theo đề xuất, giảm lãi cho các DN tham gia các dự án nhà ở vừa và nhỏ; ưu tiên tập trung giải ngân từ gói 30.000 tỉ đồng cho những người vay mua nhà, cho các dự án NƠXH đang xây dựng dở dang.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động