Top

Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam: Ổn định ở mức cao

Cập nhật 02/11/2009 08:20

Mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm luôn đắt hàng - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi cao ốc văn phòng, căn hộ, nhà cho thuê… đang trong tình trạng ế hàng thì thị phần mặt bằng cho ngành bán lẻ vẫn thiếu. Đó là lý do vì sao “cơn sóng thần” khiến giá hầu hết các bất động sản (BĐS) đều sụt giảm trầm trọng nhưng giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn ổn định ở mức cao.

Giá chào thuê trung bình mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại tổng hợp trong các khu vực trung tâm đang ở mức 105,3 USD/m2/tháng cho những vị trí đẹp. Mức giá này đã duy trì hơn một năm qua, và là mức giá ổn định nhất trong cơn bão suy thoái giá thuê ở hầu hết các thị phần trên thị trường BĐS trong thời gian vừa qua.

Trên thực tế, có nhiều yếu tố dẫn đến giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Đầu tiên là thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn đang nằm trong tốp những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Theo kết quả nghiên cứu lựa chọn xếp hạng 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm nay do Tập đoàn tư vấn A.T.Kearney công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trên thế giới.

Chỉ số phát triển bán lẻ chung năm 2009 (GRDI) của Việt Nam đạt 55 điểm, rơi xuống vị trí thứ 6, tụt 5 bậc so với năm 2008. Tuy nhiên, khoảng cách giữa thị trường bán lẻ của nước ta với top 5 chỉ cách “một bước chân”. Cụ thể, GRDI của Ấn Độ chiếm “ngôi hậu” năm nay chỉ đạt 68 điểm, về nhì là Nga cũng chỉ đạt 60 điểm, còn ba quốc gia đứng liền kề trên chúng ta là Ả-rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Trung Quốc đều chỉ đạt 56 điểm, tức là chỉ hơn thị trường bán lẻ của nước ta vỏn vẹn 1 điểm. Vì vậy, có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hết sức hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia trên thế giới.

Lý do thứ hai là nguồn cung mặt bằng bán lẻ luôn không theo kịp với nhu cầu. Tại TP.HCM, dự kiến trong quý 4 năm nay, nguồn cung sẽ được bổ sung bao gồm khu vực bán lẻ của Kumho Asiana Plaza (Q.1), The Flemington (Q.11), The Ruby Land (Q.Tân Phú), The Everich (Q.11)… cung cấp khoảng 56.338m2 diện tích sàn bán lẻ cho thị trường. Đã có một số thương hiệu nổi tiếng dự kiến sẽ là khách hàng đầu tiên của Kumho là Debenhams và Hard Rock Café. Cả 2 thương hiệu này đều lần đầu tiên góp mặt vào thị trường kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam.

Thị trường hấp dẫn, nguồn cung không theo kịp nhu cầu…Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn ổn định ở mức cao ngay cả khi khủng hoảng kinh tế. Đây cũng chính là lý do vì sao thị phần này đang thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn BĐS lớn trong và ngoài nước trong thời gian gần đây.
 

Pacific Star vào Việt Nam

Pacific Star, một trong những tập đoàn BĐS hàng đầu ở khu vực châu Á, đã chính thức vào thị trường Việt Nam với dự án đầu tiên về quản lý BĐS là khu thương mại Sunrise City (Q.7, TP.HCM) quy mô 70.000m2 sàn, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2012.

Ông Eric Cornale, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Pacific Star cho rằng: "Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có một cơ cấu dân số trẻ, thu nhập ngày càng cao... vì vậy cơ hội kinh doanh BĐS phục vụ bán lẻ là rất lớn. Về ngắn hạn, phân khúc thị trường nhà ở và mặt bằng phục vụ bán lẻ là hấp dẫn nhất, xét về trung và dài hạn thì tất cả các phân khúc đều được đánh giá tốt. Vấn đề còn lại là tìm được các dự án tốt, có vị trí đắc địa. Khi vào Việt Nam, Pacific Star tự tin rằng sẽ thành công".


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên