Top

Giá bất động sản vẫn cao

Cập nhật 14/11/2008 11:00

Giá bất động sản (BĐS) hiện giảm mạnh 30% - 70% so với cuối năm 2007 nhưng nhu cầu mua vẫn không tăng cao... dẫn đến khả năng thị trường bất động sản có thể tiếp tục giảm giá trong thời gian tới.

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính đầu tư cho rằng nguồn vốn ngân hàng chiếm từ 70% - 80% vốn đầu tư BĐS theo 2 hình thức: cho chủ đầu tư vay triển khai dự án và cho khách hàng vay mua BĐS. Trước tình hình thị trường BĐS bị đóng băng, các nhà đầu tư BĐS hiện nay đang chịu áp lực lãi vay và trả nợ vay rất lớn.

Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ BĐS cả nước hiện nay hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó tại TP.HCM là 61.000 tỉ đồng. Các khoản cho vay tập trung chủ yếu cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, đô thị mới, cao ốc cho thuê, trung tâm thương mại, xây dựng sửa chữa nhà... Hiện nay có khoảng 151 dự án có quan hệ tín dụng với ngân hàng và ngân hàng đã cam kết cho vay 14.300 tỉ đồng. Trong đó 56 dự án đã giải ngân và 95 dự án đang giải ngân. Các ngân hàng hiện nay cũng đã trích lập dự phòng 22.000 tỉ đồng. "Chính vì vậy không có gì phải hoang mang về nợ BĐS hiện nay" - ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển phân tích, giá BĐS cuối năm 2007 tăng 100% - 300% so với năm 2006 nhưng giá BĐS hiện nay chưa giảm nhiều như vậy. So với năm 2006, giá đất nền và căn hộ chung cư hiện còn cao. Tình hình lạm phát đã được kiểm soát nhưng không có nghĩa đã được đẩy lùi. Nếu nguồn vốn ngân hàng chuyển vào khu vực sản xuất kinh doanh để tạo hàng hóa lưu thông thì có thể kích thích tăng trưởng và hạn chế được lạm phát. Nhưng trường hợp nguồn vốn chuyển vào thị trường BĐS với giá còn cao như hiện nay thì lạm phát sẽ có thể xảy ra với mức độ cao hơn cuối năm 2007. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ vừa qua cho thấy nguồn vốn BĐS chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng thì rất nguy hiểm.

"Giá BĐS phải theo cơ chế thị trường, việc giảm giá mạnh như các hàng hóa khác là hoàn toàn hợp lý, cho dù sẽ làm thiệt hại cho nhà đầu tư. Giá BĐS giảm giúp những người có nhu cầu nhà ở thực sự mua được nhà, doanh nghiệp thuê được văn phòng với giá hợp lý để kinh doanh. So với Nhật, Việt Nam có diện tích đất sinh hoạt trên đầu người lớn hơn, thu nhập trên đầu người thấp hơn 50 lần nhưng giá nhà đất đô thị ở 2 nước lại tương đương nhau. Để đảm bảo nguồn vốn phát triển BĐS bền vững, cần phát triển các nguồn vốn dài hạn, bao gồm nguồn tích lũy của người dân, nguồn từ các quỹ đầu tư BĐS, nguồn từ các quỹ có thời gian sử dụng dài hạn như quỹ bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí tự nguyện..." - ông Hiển nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên