Top

Công trình đào đường ở TPHCM: Chậm hoàn thành vì nhà thầu tự “bơi”

Cập nhật 14/11/2008 10:00

Ngay cả tổ công tác liên ngành di dời công trình ngầm được thành lập theo chỉ đạo của UBND TPHCM cũng không thể giải quyết rốt ráo.

Hầu như chúng tôi đào đường ở đâu cũng bị “dính” công trình ngầm. Nếu thông qua Ban Quản lý dự án (PMU), nhanh thì nửa tháng, chậm thì gần 2 tháng mới xử lý xong một chỗ. Một nhà thầu của dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nói về vấn đề ngán ngẩm nhất trong đào đường hiện nay: Vướng công trình ngầm!

Dựng lô cốt để... chờ


Dạo quanh một số tuyến đường đang triển khai dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chúng tôi thấy một số rào chắn nằm im lìm chờ xử lý giao cắt công trình ngầm trên đường Hoàng Văn Thụ, Trần Quang Diệu, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Viết Chánh... Có lẽ do thấy để nằm im cũng phí nên nhà thầu tập kết vật liệu chật kín trong rào chắn (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh).

Công trình ngầm thường gặp là cáp quang, ống cấp nước và điện lực. Theo một số nhà thầu như Tổng Công ty Xây dựng số 1, Công ty Liên doanh Xây dựng VIC, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, TMEC-CHEC.3 (Trung Quốc), dù có sự hỗ trợ của PMU khi gặp những công trình ngầm phức tạp nhưng thời gian giải quyết ít nhất phải kéo dài 2 tuần, có khi 2 tháng. Ngay cả khi tổ công tác liên ngành di dời công trình ngầm (thành lập vào tháng 4-2008 theo chỉ đạo của UBND TPHCM, có nhiệm vụ giải quyết nhanh các vướng mắc trong việc di dời các công trình ngầm – PV) ra tay thì thời gian vẫn không được rút ngắn. Thời gian chủ yếu dành cho các cuộc họp vì “có ông này thì vắng ông kia!”.

Theo Tổng Công ty Xây dựng số 1, trong lần vướng gần chục đường điện ở rào chắn trên đường Nguyễn Kiệm, gói thầu 12B1, hầu như không cuộc họp nào có mặt đủ các đơn vị liên quan, hoặc một số đơn vị cử nhân viên đi họp rồi về “báo cáo lại, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên”. Việc báo cáo lòng vòng và việc nhà thầu phải xin gần 10 con dấu đỏ chót làm cho rào chắn này “nằm nghỉ” gần 2 tháng mới có thể thi công lại. Mới đây, nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội cũng sốt ruột vì kiểu làm việc nhỏ giọt mỗi ngày một ít của đơn vị cấp nước khi rào chắn trên đường Phạm Viết Chánh bị vướng ống cấp nước D150. Còn rào chắn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh bị vướng đường ống cấp nước gần 10 ngày nay, mặc dù đã báo lên PMU nhưng vẫn chưa thấy ai xuống xem xét, giải quyết.

Khó điều hành “ông” điện, nước


Việc giải quyết công trình ngầm phức tạp thông qua PMU khá lâu nên các nhà thầu chỉ làm công văn thông báo sự việc cho PMU rồi tự đi xử lý theo cách riêng. Ông Phan Châu Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nói: “Chúng tôi yêu cầu các nhà thầu có vướng mắc gì khi thi công, đặc biệt là công trình ngầm thì báo cáo lên nhưng chờ mãi mà không nhà thầu nào báo cáo cả”.

Một nhà thầu phụ của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội cho biết: “Công trình của hai đơn vị đó (điện, nước) nếu họ không di dời thì chẳng ai có thể di dời. Vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào họ nên chúng tôi không thể đẩy nhanh tiến độ”. Một thực tế là ngay cả tổ công tác liên ngành di dời công trình ngầm cũng không thể điều khiển trơn tru hai đơn vị điện, nước, mặc dù có rất nhiều cá nhân của các đơn vị này là thành viên của tổ. Chuyện phối hợp giữa các bên rất khó, có vẻ như hoạt động chưa thật khớp với nhau. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT kiêm tổ trưởng tổ công tác liên ngành di dời công trình ngầm, cũng cho biết là ông rất e ngại khi TP quyết định thành lập tổ này, vì không biết các bên có phối hợp tốt để giải quyết rốt ráo công việc hay không.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động