Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến đưa vào vận hành năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có gói thầu nào thi công xong. Thời gian hoàn thành công trình tiếp tục lùi đến cuối năm 2018. Thành phố đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch này.
Suốt ba năm qua, chỉ có nhà ga trung tâm, nhà điều hành, sửa chữa... ở khu đề-pô (Nhổn) được xây dựng trên khu vực rộng 15 ha.z
|
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong năm tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2020. Ðây là tuyến đường sắt thí điểm với tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng, gồm vốn ODA và vốn đối ứng trong nước. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến có lộ trình từ Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám và kết thúc tại Ga Hà Nội. Tổng chiều dài toàn tuyến là 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao (đoạn từ Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km ngầm (từ Thủ Lệ đến Ga Hà Nội). Trên tuyến có tất cả 12 ga (tám ga trên cao và bốn ga ngầm).
Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường sắt sẽ được vận hành năm 2015, với bốn toa đi vào hoạt động, tốc độ tối đa 80 km/giờ, khả năng vận chuyển cao nhất khoảng 9.000 hành khách/giờ. Tuy đã triển khai được hơn ba năm, nhưng tiến độ rất chậm, gần như "giậm chân tại chỗ" cho nên đã phải lùi thời hạn hoàn thành tới năm 2017. Và mới đây, tại cuộc họp của UBND thành phố với các đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn dự án - Tập đoàn Systra (Pháp) xác định phải tới cuối năm 2018 mới có thể thi công xong. Việc lùi tiến độ dự án đã tạo ra sự ngờ vực trong dư luận rằng, liệu đây đã phải là thời hạn cuối cùng chưa? Vướng mắc do đâu và làm thế nào để tháo gỡ?
Hiện nay, trong tổng số chín gói thầu thuộc dự án, mới có ba gói thầu đang triển khai thi công là: gói số 2- các ga trên cao; gói số 4- hạ tầng kỹ thuật đề-pô (ga chính) và gói số 5- các công trình kiến trúc đề-pô. Gói thầu số 4 được khởi công tháng 9-2010, trên diện tích hơn 15 ha tại đường 70 (đoạn từ Nhổn rẽ vào Trường đại học Công nghiệp Hà Nội), gồm tổ hợp 17 tòa nhà phục vụ cho việc vận hành tuyến đường sắt, tập kết toa xe, vệ sinh, bảo dưỡng, khu vực nhà kho... Ðến nay, gói thầu chưa thể hoàn thành do thiếu mặt bằng thi công. Hiện vẫn còn 1,3 ha đất thuộc các xã Tây Tựu, Minh Khai (huyện Từ Liêm) cần phải giải phóng mặt bằng. Theo UBND huyện Từ Liêm, hơn 70% số phương án đền bù giải phóng mặt bằng diện tích nói trên đã được công khai; số còn lại huyện đang tiếp tục xây dựng các phương án chính sách đền bù. Vướng mắc cơ bản hiện nay là các chủ sử dụng đất đã tự ý chuyển nhượng, cho tặng, mua bán dẫn đến phát sinh số hộ gấp nhiều lần so với hồ sơ đất đai. Vì vậy, việc xác định nguồn gốc đất để áp dụng chính sách đền bù gặp nhiều khó khăn. Nhà thầu là Công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex 2) cho biết, nếu được bàn giao mặt bằng thì chỉ trong vòng ba tháng, các hạng mục còn lại sẽ được thi công xong. Gói thầu số 2- các ga trên cao được đốc thúc triển khai cuối năm 2013, dự kiến hoàn thành trong 57 tháng. Công ty Posco E&C (Hàn Quốc) - nhà thầu thi công gói thầu này đã tiến hành rào các ga S1, S2, S3 và thi công xong hai cọc thử tại ga S2. Tuy nhiên, công việc đang tạm dừng do hợp đồng với đơn vị tư vấn Systra đã hết hạn và chưa được ký gia hạn. Việc xây dựng các công trình kiến trúc đề-pô (gói thầu số 5) cũng triển khai rất chậm. Ký kết hợp đồng từ năm 2012, đến nay nhà thầu Hancorp (Tổng công ty xây dựng Hà Nội) mới đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục...
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh cho biết: Khó khăn về giải phóng mặt bằng không phải là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ dự án. Nước ta chưa có đường sắt đô thị và đây là dự án triển khai thí điểm với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến cho nên có nhiều vấn đề mà trong quá trình triển khai, các đơn vị phải thực hiện với quy trình phức tạp và có nhiều lúng túng. Thí dụ như: Thủ tục đầu tư xây dựng đường sắt đô thị yêu cầu phải bổ sung phê duyệt các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho đường sắt đô thị. Việt Nam lại chưa có hệ thống tiêu chuẩn này. Vì vậy phải áp dụng khung tiêu chuẩn của nước ngoài, nhưng có sự thẩm định, điều chỉnh phù hợp với điều kiện trong nước. Do chưa có kinh nghiệm, cho nên những kết quả khảo sát, thiết kế đã làm trước đó chưa đạt yêu cầu chất lượng. Ðơn vị tư vấn đề nghị phải thực hiện khảo sát thêm, thực chất gần như là làm lại, cho nên đã mất thêm một đến hai năm. Một số đơn giá đặc biệt, việc thẩm định cũng mất thời gian nhiều hơn, do quy định của Việt Nam có những khác biệt so với thông lệ quốc tế... Những điều này, trước đây chưa lường hết được dẫn đến thời gian chuẩn bị triển khai bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ðể đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư đang khẩn trương tiến hành thương thảo, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến hết tháng 11-2018 với đơn vị tư vấn Systra (hợp đồng cũ đã hết hạn từ tháng 11-2013 và các công việc của dự án liên quan đến tư vấn đang phải tạm dừng). Hiện đơn vị đang thực hiện thẩm tra các chi phí để xác định giá trị hợp đồng mới và thanh toán chi phí bồi hoàn cho đơn vị tư vấn. Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Từ Liêm được đốc thúc mạnh mẽ. Các gói thầu còn lại cũng đang "khởi động" ráo riết. Gói thầu số 1 - tuyến đoạn trên cao đã thực hiện đấu thầu xong, dự kiến triển khai ngay trong quý I năm nay.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án. Ðồng chí yêu cầu UBND huyện Từ Liêm phải chủ động, phối hợp Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, hoàn thành giải phóng mặt bằng khu đề-pô và phần đi trên cao trước ngày 30-4. Những trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, phải báo cáo ngay UBND thành phố. Trước ngày 15-3, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phải thống nhất các nội dung thương thảo với Công ty Systra để ký hợp đồng gia hạn, tiếp tục triển khai dịch vụ tư vấn, không làm gián đoạn tiến độ dự án. Các sở, ban, ngành thực hiện công việc được giao theo đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền, đúng thời hạn. Trong thời gian tới, nếu không có chuyển biến, thành phố sẽ giao Sở Nội vụ tổ chức thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm các đơn vị...
Với sự chỉ đạo sát sao của thành phố cùng nỗ lực của các đơn vị liên quan, tin rằng dự án sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm nay, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, đáp ứng mong đợi của nhân dân Thủ đô.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: