Top

Gói 30.000 tỉ đồng nhỏ giọt vì thiếu nhà (!)

Cập nhật 07/03/2014 08:44

Để giải ngân 70% gói này (tương đương khoảng 20.000 tỉ đồng), cần phải có 40.000 căn hộ, trong khi hiện nay mới cung cấp được 2.000 căn

Ngày 6-3, Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên họp, vấn đề về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho nhà ở xã hội đã được tranh luận gay gắt.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp Ảnh: TTXVN

Ủy viên Thường trực UBPL, ông Ngô Văn Minh, nêu: “Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được sử dụng đến đâu rồi, có hiệu quả không? Hiện mới giải ngân 8,6% số vốn 30.000 tỉ đồng thì nên trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải thích: “Gói 30.000 tỉ đồng chưa tiêu nên vẫn còn đấy...”.

Ông Dũng phân trần thêm: Hiện tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng vẫn chậm vì nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu rất nhiều. Mỗi hộ dân nếu vay khoảng 500 triệu đồng để mua nhà xã hội thì để giải ngân 70% gói này (tương đương khoảng 20.000 tỉ đồng), cần phải có khoảng 40.000 căn hộ, trong khi hiện nay mới cung cấp được 2.000 căn. Nếu cứ cố ép đẩy nhanh giải ngân sẽ sai đối tượng và mục đích của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Theo ông Ngô Văn Minh, sở dĩ chính sách chưa đi vào cuộc sống là do từ điều kiện được vay đến lãi suất và thời hạn cho vay chưa phù hợp. Gói tín dụng cần có thời hạn cho vay dài hơn, lãi suất thấp hơn và nên quy định cho tín chấp hoặc thế chấp ngay căn hộ người dân đăng ký mua, đồng thời không nên khống chế mức vay tối đa.

Về chất vấn này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ có giải pháp nới lỏng các điều kiện cho vay để người dân tiếp cận được nguồn vốn 30.000 tỉ đồng. Cụ thể, Bộ Xây dựng cùng với 4 bộ - ngành liên quan sẽ ban hành thông tư quy định về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với những căn hộ được đăng ký mua để nhiều người dân dễ dàng vay tiền.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 17-2-2014, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỉ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 đoanh nghiệp số tiền là 536,5 tỉ đồng. Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, đã có 5 ngân hàng cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền 821,3 tỉ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỉ đồng.

Hiện mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 5%/năm.

Nới điều kiện mua nhà đối với Việt kiều

Cũng tại phiên họp, Bộ Xây dựng cho biết dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài... đã được mở rộng so với luật hiện hành. Theo đó, quy định tại điều 155 của dự luật cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước, không phân biệt loại nhà và số lượng nhà được sở hữu.

Dự luật quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi chính phủ) khi được phép vào Việt Nam làm việc, hoạt động thì được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chung cư và nhà ở riêng lẻ, kể cả nhà ở trong khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động