Top

Ế ẩm mặt bằng cho thuê

Cập nhật 06/03/2014 08:49

Dạo quanh nhiều con phố, người đi đường dễ dàng bắt gặp những cửa hiệu im lìm với bảng thông báo sang nhượng, những mặt bằng treo bảng cho thuê. Tình trạng này xuất hiện không chỉ ở một vài con đường.

Đất “vàng” bỏ trống

Hiện nay, tình trạng trả mặt bằng diễn ra ở nhiều nơi, kể cả các quận trung tâm thành phố như quận 1, quận 3, quận 5, những nơi được xem là mảnh đất “vàng” để kinh doanh. Đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) là con đường buôn bán quần áo nhộn nhịp hàng đầu ở TPHCM với nhiều shop thời trang hai bên đường. Nơi đây cũng được xem như phố kinh doanh quần áo. Tuy ở vị trí đắc địa như vậy nhưng nhiều mặt bằng vẫn đang để trống chờ người thuê hoặc treo bảng sang nhượng. Anh Nguyễn Ngọc Thanh, chủ một mặt bằng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), cho biết: “Do nhiều người bán nên các cửa hàng cạnh tranh với nhau rất gay gắt. Họ bán không được phải hạ giá. Và sau những đợt sale off hoành tráng, bán sát giá vốn, thậm chí lỗ nên sang nhượng mặt bằng”.

Tình hình này cũng xuất hiện ở nhiều khu chuyên doanh khác của thành phố. Đường Ngô Gia Tự chuyên mua bán đồ trang trí nội thất nhưng nhiều mặt bằng vẫn đang trong tình trạng đóng kín với bảng rao cho thuê treo trước cửa. Nhiều mặt bằng trên đường Nguyễn Tri Phương cũng đang “đắp chiếu” dù đây là con phố sầm uất với những hàng quán, cửa tiệm ăn uống.

Nhiều người kinh doanh ở khu vực trung tâm thành phố cho biết buôn bán khó khăn đang là tình trạng chung, lượng khách hàng ít đi làm doanh thu giảm sút, trong khi giá thuê mặt bằng lại khá cao. Một mặt bằng khoảng 50m², một trệt một lầu trên mặt tiền đường Cao Thắng (quận 3) có giá khoảng 2.300 USD/tháng. Nếu gần trung tâm thành phố hơn, ở quận 1 thì giá còn cao hơn nữa. Giá thuê một mặt bằng có diện tích khoảng 70m² trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) khoảng 2.800 USD/tháng. Với giá thuê đắt đỏ như vậy nhưng do điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay nên nhiều người thuê không cầm cự nổi khi thu không đủ bù chi. Người kinh doanh buộc phải đi tìm những mặt bằng khác, có giá mềm hơn. Thậm chí chuyển địa chỉ kinh doanh về những quận khác, xa trung tâm TP hơn.

Mặt bằng vùng ven cũng... ế

Ở một số quận ngoại thành, tình trạng trả mặt bằng, sang nhượng, để trống thậm chí còn phổ biến hơn.

Anh Trần Xuân Chánh, chủ một mặt bằng cho thuê trên đường Hậu Giang (quận 6) cho biết: “Tầng trệt nhà tôi rộng 60m² và giá thuê mỗi tháng 10 triệu đồng. Người thuê trước vừa mới trả mặt bằng cách đây nửa tháng. Họ kinh doanh giày dép, lượng khách hàng đã ít lại còn phải cạnh tranh với nhiều cửa hàng khác nên buôn bán ế ẩm, đành phải đóng cửa”.

Đường số 1 (quận Bình Tân) được người dân địa phương biết đến là nơi tập trung nhiều hàng quán ăn uống, cửa hàng buôn bán, gần một số trường học nên được lợi thế khách hàng. Tuy nhiên, nhiều mặt bằng trên đường số 1 cũng đang trong tình trạng bỏ trống chờ người thuê.

Cho thuê mặt bằng rộng 160m² ở mặt tiền đường số 1 (quận Bình Tân) với giá 35 triệu/tháng, chị Nguyễn Thị Cúc cho biết: “Mặt bằng của tôi đã để trống hơn 3 tháng nay. Người trước họ thuê bán cà phê và cơm trưa nhưng bán được một năm thì đóng cửa do ế ẩm. Theo hợp đồng, người thuê phải đặt cọc trước 3 tháng, mỗi tháng 35 triệu đồng. Nhưng do buôn bán không được, người thuê không đủ tiền trả mặt bằng nên tôi phải trừ dần vào tiền cọc. Trừ hết tiền cọc, họ còn nợ lại tôi 2 tháng sau đó”.

Cho thuê mặt bằng nhưng chờ mòn mỏi mà không có người thuê, nhiều chủ mặt bằng đành chuyển qua cho thuê nhà trọ. Chị Phạm Kim Cúc, ở đường số 5 (quận Bình Tân), cho biết: “Tôi treo bảng cho thuê hơn 2 tháng qua mà không có ai thuê. Có người đến hỏi nhưng không thấy quay lại. Tôi đành cho thuê nhà trọ”. Theo chị Cúc, cho thuê nhà trọ tuy mức độ hư hại nhà sẽ cao hơn cho thuê kinh doanh nhưng đổi lại có tiền thu nhập, còn hơn bỏ trống.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP