Top

Doanh nghiệp ngoài ngành ồ ạt mở sàn bất động sản

Cập nhật 05/03/2009 08:35

Nếu như đầu năm ngoái, sàn bất động sản vẫn còn là một khái niệm xa lạ tại Hà Nội thì hiện nở rộ, đến mức các tập đoàn, tổng công ty ngoài ngành cũng đua nhau tham gia. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao.

Hiện nay, những doanh nghiệp không trường vốn, sàn mới chỉ dừng lại ở dạng văn phòng nhỏ. Các sàn lớn đều thuộc doanh nghiệp ngoài ngành như sàn bất động sản Viglacera (thuộc công ty thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera), sàn ACBR (Ngân hàng ACB), VPReit (VP Bank)... Những sàn đại gia này rải rác khai trương vào cuối năm 2008 và bùng nổ vào đầu năm nay. Để cạnh tranh, các sàn lần lượt củng cố mô hình và tung ra chiêu thức hoạt động riêng.

Có tiềm lực về tài chính, sàn Viglacera tập trung vào việc "sắm" trang thiết bị hiện đại như máy tính nối mạng tra cứu thông tin trực tuyến, niêm yết thông tin bằng các hình ảnh, phần mềm quản trị nhiều tính năng như quản lý thông tin theo khu vực, sản phẩm… Không chịu kém, sàn ACBR tự tin đưa ra chiến thuật quảng cáo sản phẩm bằng video với đầy đủ hình ảnh và âm thanh sống động. Các góc quay ghi lại chi tiết sản phẩm từ đường đi đến tiền, hậu cảnh phòng ốc, ngõ ngách của nhà cần rao bán giúp khách hàng "mắt thấy tai nghe" các sản phẩm cần mua. Ngoài ra, những giao dịch hàng nghìn "cây" ở vị trí đắc địa cũng được công bố để thu hút khách hàng.

Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Ngân hàng Á Châu (ACBR), cho rằng, việc mở sàn tại thời điểm này thích hợp để đón đầu thị trường. Khi địa ốc bình phục, sàn sẽ là khu chợ đông đúc giúp khách hàng tìm được hàng hóa ưng ý. "Theo khảo sát, có tới 40% người gốc Hà Nội thường đến sàn TP HCM để tìm thông tin về thị trường phía bắc. Việc mở sàn ở phía bắc sẽ giúp khách hàng có đầy đủ thông tin và có nhiều lựa chọn hơn”, ông Hải nói.

Nhiều người mong đợi việc thành lập sàn bất động sản sẽ khiến thị trường sôi động và đi dần tới chuyên nghiệp hơn song thực tế không như vậy. Sàn là chợ để trao đổi, giao dịch, buôn bán nhiều hàng hóa của các chủ đầu tư bất động sản, nhưng đa phần các “đại gia” này mới chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm của công ty mẹ.

Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land, các giao dịch mang tính chất mẹ - con này giúp các sàn có thể làm chủ trong việc phân phối cũng như định giá phục vụ khách hàng. Ngoài ra, một số sàn giao dịch khác có thế mạnh về tài chính như ACBR, VPReit... có lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng. “Điều này sẽ là một trong những động lực thúc đẩy giao dịch bất động sản phát triển vì khách hàng có thể được hỗ trợ, tư vấn về cho vay thế chấp”, ông Hà nói.

Giới doanh nghiệp địa ốc lại cho rằng, đây là con dao hai lưỡi khiến vai trò của sàn bất động sản chưa thể phát huy. Đây cũng là điểm yếu lớn nhất của các sàn đại gia này. Việc chỉ bán hàng hóa của mình dẫn đến sàn chưa phát huy được vai trò trung gian và không đảm bảo tính khách quan trong giao dịch. “Các sàn phụ thuộc dù muốn hay không, vẫn buộc phải sán sản phẩm của 'mẹ'. Điều này dẫn đến hàng hóa không được đa dạng và khách hàng không có nhiều lựa chọn như họ mong đợi", ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng Giám đốc Cen Group, chia sẻ.

Sàn mở tràn lan song các giao dịch ngoài luồng, mua bán trao tay vẫn nhiều dẫn đến việc giao dịch qua sàn mang tính chất hình thức. Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường, nhận xét, thực tế, chỉ cần hợp đồng công chứng ủy quyền là có thể mua bán thành công và "cò" có thể hưởng chênh lệch. Kẽ hở ở chỗ giao dịch dân sự không cần qua sàn dẫn đến người dân có thể lách luật. Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm triệt để.

Nhìn chung, các nhà chuyên môn nhận định hiệu quả hoạt động các sàn bất động vẫn chưa cao, đặc biệt các sàn được coi là đại gia chưa tạo được nét đột phá và dấu ấn riêng. Các sàn phát triển tràn lan và không ai kiểm soát được chất lượng của hàng hóa giao dịch. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, đề xuất chỉ nên thành lập sàn ở một số thành phố lớn và đặc biệt phải có sự kiểm soát của Nhà nước. Đây sẽ được coi như một trung tâm kinh doanh với đầy đủ nhà môi giới, công chứng, ngân hàng, văn phòng luật sư...

Ông Đào Đình Thi, Giám đốc sàn Viglacera cho rằng, doanh nghiệp địa ốc nên cân nhắc kỹ trước khi lập sàn. Chỉ những đơn vị có tiềm lực về tài chính, có khả năng cạnh tranh đủ sức vượt qua cơn nóng lạnh mới có thể đứng vững. "Bài học về thị trường chứng khoán còn đó. Theo tôi, không nhất thiết phải lập sàn. Các doanh nghiệp địa ốc có thể liên kết với các sàn lớn để giảm thiểu chi phí cũng là một chiêu thức hay tại thời điểm này", ông Thi nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội, cho rằng, trên thế giới, doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực chính của mình rất phổ biến và không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này lại không bình thường nhất là trong điều kiện Chính phủ yêu cầu hạn chế các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư ngoài ngành.

Ông Phong nhận định, đầu tư ngoài ngành mang tính rủi ro cao, đặc biệt khi tung vốn vào một số lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng và bất động sản. Khi các doanh nghiệp ngoài luồng mở sàn bất động sản sẽ dẫn tới hiện tượng "chân trái, chân phải". "Lĩnh vực sản xuất chính bị phân tán, ngành tay trái thì không thể tập trung chuyên môn dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất uy tín", ông Phong cảnh báo.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress