Top

Đâu chỉ là chuyện đầu tư...!

Cập nhật 02/12/2007 10:00

Từ nhiều năm qua, Báo giới liên tục phản ánh về những công trình văn hóa ở ngoại thành, quận ven của TPHCM đang rơi vào tình trạng hoang phí, sử dụng sai mục đích, hoặc mới xây dựng đã xuống cấp... Điều ấy, ai cũng thấy rõ! Thế nhưng…

Cái cũ chưa giải quyết dứt điểm...

Công trình văn hóa mới xây dựng xong với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng đã nhanh chóng xuống cấp, phải kể tới là TTVH - TDTT huyện Bình Chánh.

Ở công trình này, có một khu hồ bơi khá hiện đại với vốn đầu tư xây dựng cả chục tỷ đồng, nhưng từ năm 2004 đến 2007 không thể hoạt động được vì tình trạng lún, nứt, rỉ nước… Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần phản ánh về công trình này, mọi việc đã được khắc phục.

Ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc TTVH - TDTT huyện Bình Chánh, cho biết: “Từ những bài viết phản ánh chính xác của Báo SGGP về công trình này, các ban ngành của huyện đã tổ chức hàng chục cuộc họp… và đến giờ, mọi việc đã được khắc phục.

 Khu hồ bơi được sửa chữa lại hoàn chỉnh hơn, đơn vị thi công mới bàn giao được 20 ngày và chúng tôi đang chuẩn bị khánh thành, đưa vào hoạt động, khép lại 4 năm miệt mài đấu tranh vì lẽ phải! Qua đây, chúng tôi cảm ơn Báo SGGP suốt thời gian qua đã có những bài viết nói lên sự thật về công trình này để kịp thời khắc phục…”.

Nhưng không phải công trình văn hóa nào cũng nhanh chóng được khắc phục như thế! Có những công trình, sau khi bị dư luận lên tiếng mạnh mẽ, mọi việc cứ trôi vào quên lãng!?

Chẳng hạn như Nhà hát An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Mặc dù việc nâng cấp, xây mới nhà hát này từng được UBND huyện Củ Chi đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2007, nhưng đến nay đã gần hết năm mà hiện trạng của nhà hát này vẫn như… một phế tích! Chính cảnh hoang tàn, cây cỏ mọc um tùm ở đây đã vô tình trở thành “bãi đáp” của nhiều tệ nạn xã hội…

Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân trước nhà hát bức xúc: “Chúng tôi thấy của công không ai xót thì phải! Nhà hát này nằm ở vị trí ngã tư của đường tỉnh lộ 7 và tỉnh lộ 15, có diện tích 7.000m2, nếu không làm văn hóa nữa mà giao cho nhân dân làm thì mấy năm qua “vàng đẻ ra vàng” nhiều lắm rồi”.

Trường hợp của TTVH quận 12 lại khác, chẳng phải mới xây dựng đã xuống cấp hay bỏ hoang phế. Nếu những ai mới lần đầu đến khu vực này, chắc chắn không thể nhận ra đây là… TTVH quận 12! Bởi toàn bộ khu vực mặt tiền của đơn vị này đã được phân chia, xây cất thành hàng chục kiốt để cho thuê kinh doanh ăn uống, sửa chữa xe máy… và nhiều mặt hàng khác nhau. Phải chăng đây là một “sáng kiến” riêng của quận 12 trong việc làm văn hóa, phục vụ cộng đồng?

...lại phát sinh cái mới!

Trong khi một số công trình văn hóa ở nhiều quận, huyện ngoại thành còn tồn tại những điều không hay chưa khắc phục được thì bắt đầu phát sinh “cái mới” cũng rất lãng phí ! Đó là việc xây dựng nhà văn hóa (NVH) ở một số phường - xã. Đành rằng, việc có chủ trương xây dựng các NVH phường - xã này nhằm mục đích nâng cao đời sống văn hóa cho người dân là điều hoàn toàn thiết thực.

Nhưng hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Chính vì điều này mà thời gian gần đây, sau khi có một số NVH phường xã được xây dựng xong, nhiều địa phương không khỏi lúng túng trong cách điều hành hoạt động! Trong đó, có thể kể đến: NVH xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi; NVH Phú Hữu, quận 9…

Ông Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, cho biết: “Nghe xây dựng NVH cho một số phường-xã, chúng tôi cũng rất mừng, nhưng rồi nghĩ lại, thấy lo nhiều hơn.

 NVH xã Thái Mỹ được xây dựng, đưa vào hoạt động từ ngày 2 - 9 - 2007 đến nay, nhưng chưa phát huy như mong đợi. Bởi hầu hết thành viên trong ban chủ nhiệm NVH là cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng lại thiếu chuyên môn nghiệp vụ văn hóa thì làm sao có thể hoạt động hiệu quả. Nếu làm không khéo, chúng ta bỏ tiền tỷ xây dựng rồi lại lãng phí nữa!”.

Bao giờ mới khắc phục?

Thực tế trên cho thấy, các ngành, các cấp luôn sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa các quận ven, ngoại thành, góp phần giảm khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa người dân nội và ngoại thành. Thế nhưng, vấn đề đầu tư là một chuyện, còn phát huy được hiệu quả công trình hay sử dụng công trình đúng mục đích hay không lạiở là chuyện khác!



Mặt tiền của TTVH quận 12 là... một dãy ki-ốt.

Ông Lê Hoàng Minh, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh, người trực tiếp quản lý CLB Văn hóa - TDTT liên xã Vĩnh Lộc, nhìn nhận: “Từ năm 2004 đến nay, công trình này chỉ mới phát huy được TDTT, chứ về hoạt động văn hóa thì gần như tê liệt, bởi chúng tôi hoàn toàn không có đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hóa.

Chúng tôi đang lên kế hoạch từ đầu năm 2008 sẽ giao cho Đoàn TNCSHCM các xã đưa ra mô hình sinh hoạt văn hóa ít nhất mỗi quý một lần…”.

Thế nhưng, theo ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc TTVH - TDTT huyện Bình Chánh: “Các CLB văn hóa - TDTT liên xã đa phần là do các xã tự quản lý, cho nên chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn là thỉnh thoảng nếu có địa phương nào cần, chúng tôi cử cán bộ chuyên trách đến hỗ trợ.

 Tôi nghĩ, để các địa điểm này phát huy được hiệu quả tốt nhất nên giao về ngành văn hóa huyện quản lý hoặc phải có cơ chế, có nhân sự dành cho các CLB này (và các NVH nữa) thì may ra mới hoạt động được. Cứ ở tình trạng này thì lãng phí vẫn là lãng phí!”.

Rõ ràng vấn đề đẩy mạnh phát triển văn hóa cơ sở ở quận, huyện ngoại thành đâu chỉ đầu tư cơ sở vật chất là đủ. Chuyện đầu tư cơ sở vật chất mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là nguồn nhân sự, phải có cán bộ văn hóa tâm huyết với nghề và đặc biệt với các CLB văn hóa - TDTT liên xã, NVH phải có cơ chế thế nào thì mới có thể phát huy được hiệu quả của công trình. Nếu không, các công trình văn hóa hoang phí, sử dụng sai mục đích sẽ còn tiếp diễn dài dài… là điều hiển nhiên!

Có thể nói, những công trình văn hóa hoang phí ở ngoại thành không còn là chuyện lạ nữa. Riêng huyện Bình Chánh đã có đến mấy công trình như thế. Nào là CLB Văn hóa - TDTT liên xã Bình Lợi được xây dựng cả 500 triệu đồng chỉ để… cỏ mọc, rồi CLB Văn hóa - TDTT liên xã Tân Nhựt với kinh phí xây dựng 200 triệu đồng cũng không hoạt động được gì… Hoặc CLB Văn hóa - TDTT liên xã Vĩnh Lộc được sửa chữa, xây dựng tới cả 100 triệu đồng, nhưng chưa phát huy được gì nhiều!


Theo Sài Gòn Giải Phóng