Hà Nội đang có ý định xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên khu đất 295 Lê Duẩn trong Công viên Thống Nhất mà trước kia định xây dựng khách sạn Hà Nội SAS Hotel. Tuy nhiên, cũng giống như dự án xây khách sạn, dự án xây bãi đỗ xe ngầm cũng gặp một số ý kiến chưa đồng tình.
Khu đất ở địa chỉ 295 Lê Duẩn
|
Từ dự án xây khách sạn “đổ bể”
Khu đất tại địa chỉ 295 đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có diện tích 10.331,2 m2, đây là khu đất “vàng” của thành phố nhưng lại có lịch sử khá “trầm luân”. Năm 1991, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Công ty liên doanh SAS Hà Nội Royal LTD để lập dự án Hà Nội SAS Hotel theo giấy phép đầu tư số 167/GP ngày 5/3/1991 của Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư. Năm 1995, chủ đầu tư đã thi công cọc móng, tường vây của phần hầm đỗ xe sâu 14m với phạm vi 5.652 m2. Sau đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 nên dự án tạm ngừng triển khai.
Bẵng đi hơn chục năm, dự án không triển khai gì. Đến năm 2009, khi dự án triển khai lại, thì dư luận xã hội không đồng tình với việc lấy một phần công viên để làm khách sạn. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2346/VPCP-KTN ngày 13/4/2009, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dừng xây dựng khách sạn SAS Hà Nội Royal Hotel tại 295 đường Lê Duẩn và giao UBND thành phố Hà Nội lựa chọn một địa điểm khác giới thiệu cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự án vì thế đã ngừng một thời gian nhưng Hà Nội lúng túng trong giải quyết quyền lợi của nhà đầu tư là Công ty SIH Investment Limited của Singapore (góp 85% vốn vào dự án), khi Công ty này đòi Hà Nội bồi thường tới 80 triệu USD.
Mãi đến ngày 16/10/2013, UBND thành phố Hà Nội mới chính thức có Công văn số 7775/UBND-QHXDGT, chỉ đạo về phương án giải quyết việc dừng dự án khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel.
Theo đó, UBND TP chỉ đạo chấm dứt dự án SAS Hanoi Royal Hotel tại 295 Lê Duẩn và thu hồi đất tại đây để làm bãi đỗ xe ngầm, cây xanh và dịch vụ. Thành phố ghi nhận vốn bên nước ngoài đã đầu tư vào dự án tại 295 Lê Duẩn là 13.330.318 USD, được đối trừ vào tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định tại địa điểm mới trên đường Phạm Hùng.
Đến bãi đỗ xe ngầm
Ngày 6/6/2014, Công ty TNHH một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) đã đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh tại lô đất 295 Lê Duẩn.
Theo lập luận của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, hiện nay diện tích đất dành cho giao thông tĩnh, bao gồm điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu đỗ, gửi xe của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn Thành phố. Trong khi ô đất 295 Lê Duẩn đang bỏ không rất lãng phí. Hiện trong phạm vi ô đất đã được đầu tư xây dựng và cơ bản hoàn thành các hạng mục: cọc khoan nhồi, hệ thống tường vây với tổng diện tích 5.652 m2 để làm hầm đỗ xe (sâu 14 m). Xung quanh ô đất đã có hệ thống hàng rào tạm, khu vực tầng hầm đỗ xe đã bị phế thải xây dựng lấp và không có cây xanh, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Theo Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo Công viên Thống Nhất do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, thì ô đất này phù hợp với việc đầu tư làm điểm đỗ xe công cộng ngầm kết hợp trồng cây xanh.
Tiếp đến, ngày 28/11/2014, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có văn bản số 424/CV-DDX, đề xuất phương án bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh tại 295 Lê Duẩn với các nội dung chủ yếu: Hoàn thiện xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên cơ sở các hạng mục công trình ngầm đã thi công dở dang của dự án Khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel với diện tích 5.652 m2 sàn hầm x 3 tầng hầm = 16.956 m2, dự kiến đỗ được 390 xe ô tô. Toàn bộ phần diện tích mặt đất (10.331 m2) để trồng cây xanh, thảm cỏ (khoảng 7.585 m2 = 73%), làm sân và đường dạo (2.230 m2 = 21,6%) và các công trình kiến trúc, công trình phụ trợ khác (516 m2 = 5%). Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và vốn huy động, vốn vay.
Đề án trên của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được một số ban ngành của Hà Nội đồng tình. Trong văn bản 2394/QHKT-P2,P7, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Việc lập dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh trong Công viên Thống Nhất tại ô đất có ký hiệu CX1-P là phù hợp với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo Công viên Thống Nhất”.
UBND quận Hai Bà Trưng cũng bày tỏ đồng tình với dự án khi cho rằng “việc bổ sung bãi đỗ xe ngầm ở khu vực này sẽ đáp ứng được nhu cầu gửi xe của nhân dân”. Và “nhất trí với phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh trong Công viên Thống Nhất tại 295 Lê Duẩn”.
Tuy nhiên, dự án bãi đỗ xe ngầm lại một lần nữa vấp phải sự không đồng tình của dư luận. Nhiều người dân lo ngại rằng, xây dựng bãi đỗ xe sẽ làm hẹp đi diện tích công viên, trong khi hiện nay chúng ta đang rất thiếu điểm vui chơi công cộng. Ông Nguyễn Việt Chiến, Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội cho rằng: bãi đỗ xe là cần thiết, nhưng công viên còn cần thiết hơn. Hàng chục vạn người dân thành phố đang thiếu điểm vui chơi công cộng, trong khi ta lại lấy đất làm bãi đỗ xe chỉ phục vụ cho chưa đầy 400 cái xe.
Theo ông Chiến, cứ nói là bãi đỗ xe ngầm thì không mất đất công viên, nhưng theo đề án trên thì vẫn lấy tới 2.746 m2 để làm sân và các công trình phụ trợ, như vậy là mất đi một diện tích kha khá, trong khi chúng ta đang chắt chiu từng khoảng không gian xanh…
Nhìn ở khía cạnh thực tế lưu thông của tuyến đường qua Công viên Thống Nhất, đường Lê Duẩn vốn đã ùn tắc vào giờ cao điểm, nay nếu có thêm bãi đỗ xe tới gần 400 chiếc thì việc xe ra vào bãi đỗ chắc chắn không thể không ảnh hưởng tới giao thông ở tuyến đường huyết mạch này.
Ông Nguyễn Thanh Hải, chủ một doanh nghiệp xây dựng tính toán, xây bãi đỗ xe ngầm, nếu tính về kinh tế thì đây là một dự án kém hiệu quả. 390 cái ô tô, phí gửi mỗi xe là 2 triệu/tháng, như vậy mỗi tháng thu chưa đến 800 triệu. Hơn 10.000 m2 đất, đầu tư hàng trăm tỷ, chỉ đem về chưa đầy 800 triệu mỗi tháng, tính ra mỗi mét vuông đất khu vực “vàng” của Hà Nội chỉ đem lại có 80 ngàn đồng/tháng. Đấy là chưa kể phải trả lương một đội ngũ nhân viên cũng hàng chục người nữa. Lợi ích kém thế, Hà Nội nên tính toán lại.
Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất mới là đưa ra để lấy ý kiến các ban ngành và nhân dân, chứ thành phố chưa quyết. Trước dư luận về dự án này, có lẽ thành phố Hà Nội sẽ phải xem xét lại tính khả thi của dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: