Top

Đất Hà Đông "tăng nóng, sốt ảo"

Cập nhật 02/06/2009 11:40

Cơn "sốt" đất tại các khu đô thị mới (ĐTM) khu vực Hà Đông kéo dài suốt 1 tháng nay. Có rất nhiều ý kiến cho rằng cơn "sốt" đất ở khu vực này hiện hoàn toàn là "sốt" ảo. Một số văn phòng nhà đất nhận định, hầu hết khách đến giao dịch đều là dân đầu cơ.

Họ có tiền, mua đi bán lại ăn chênh lệch nên đẩy giá lên cao.

Đất "nóng" lên từng ngày

Theo dự tính, nếu thực hiện đúng tiến độ cũng phải đến cuối năm 2010, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài mới chính thức thông xe. Nhưng cho đến cuối tháng 5.2009, cơn "sốt" đất ở khu vực này vẫn đang tiếp tục "nóng" lên từng ngày.

Chị Nguyễn Thu Thuỷ - nhân viên Ngân hàng VIB - cho biết: "Chỉ vì đắn đo trong quyết định mua lô đất trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài trong vòng 1 tháng trời đã "tuột mất" 500 triệu đồng. Chẳng hiểu vì lý do gì mà giá đất tại khu vực này cứ ngày càng đội lên". Tuy nhiên, chị Thuỷ cũng cho biết sẽ không tiếp tục bỏ tiền để đầu tư tại khu vực này nữa vì giá đất tại đây hiện đã quá cao và cao một cách vô lý.

Tương tự, anh Nguyễn Lê Trung làm việc tại Tổng Cty Thuốc lá định mua một mảnh đất liền kề tại khu ĐTM Văn Khê diện tích 70m2. Anh Trung cứ chần chừ mãi đợi đất hạ giá nhưng không ngờ đến nay lại tăng đến chóng mặt. Sau 3 tuần quay lại với ý định mua lại mảnh đất ấy chủ nhà thông báo vừa bán tăng so với giá ban đầu 350 triệu đồng.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, giá đất tại các khu vực này như sau: Tại khu ĐTM Văn Khê, đất liền kề giá từ 26 triệu-30 triệu đồng/m2, khu ĐTM Dương Nội giá từ 22 triệu-30 triệu đồng/m2 tùy vị trí, đất liền kề tại ĐTM Xa La giá từ 22 triệu đồng-25 triệu đồng/m2, ĐTM Văn Quán giá từ 32 triệu-45 triệu đồng/m2. Đất tại khu ĐTM Văn Phú giá từ 20 triệu-24 triệu đồng/m2. Giá đất trên tăng khoảng 15% đến 20% so với tháng 3.2009.

Nguyên nhân của việc tăng giá nhà đất bắt đầu từ việc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài được chính thức khởi công xây dựng. Chạy suốt từ đầu đường vành đai 3 Khuất Duy Tiến đến TP.Hà Đông, tuyến đường này có mục tiêu giảm tải cho trục đường Nguyễn Trãi, trở thành trục giao thông huyết mạch, tạo đà phát triển một loạt đô thị mới dọc hai bên đường như Phùng Khoang, Trung Văn, Dương Nội, Văn Khê, Xa La, tạo sức bật mới để phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía tây của thủ đô.

Ngoài ra, thời gian gần đây một số người đầu tư trúng chứng khoán đã chuyển tiền sang nhà đất để giữ tiền một cách an toàn cũng là nguyên nhân đẩy giá bất động sản lên cao.

Sẽ giảm giá ở những khu vực tăng "nóng" và sốt ảo

Một số chuyên gia về BĐS cảnh báo, đầu tư nhà đất liền kề ở các khu ĐTM ở Hà Đông cần phải chia ra hai loại như sau. Loại thứ nhất là đất liền kề ở những khu ĐTM đã có thể xây nhà và ở ngay được như Văn Quán, Xa La, rất khó giảm bởi nơi này vừa thu hút người đầu tư lại vừa thu hút người có nhu cầu ở thực. Đất loại này khách hàng đều sẵn sàng mua ngay kể cả giá cao hơn nữa bởi phần lớn họ là người chuyển đổi BĐS.

Loại thứ hai, khả năng giảm giá là rất cao, đó là đất liền kề ở một số khu ĐTM thời gian qua tăng "nóng" và sốt ảo đó là khu Lê Trọng Tấn kéo dài; ĐTM Văn Phú, Dương Nội, Văn Khê... Những nơi này hầu như mới dừng ở việc giải phóng mặt bằng và san nền mà giá đã tăng nóng tới 30%-40%. Nếu có mua, khách hàng cũng phải chờ khu đô thị mới hình thành. Hầu hết người mua là dân đầu cơ, giữ tiền với mục đích bảo đảm an toàn và chờ để sinh lời. Nếu có những thay đổi đột biến về tình hình kinh tế và đầu tư, giá đất ở những nơi này chắc chắn sẽ giảm nhiều so với những khu đã hoàn thiện và lúc đó người cần đất sẽ có cơ hội mua vào.

Ông Richard Leech - Giám đốc điều hành Cty tư vấn và quản lý CBRE - cho rằng, sẽ không có những sự sụt giảm mạnh về giá bán trong thời gian tới, do trong tháng 6.2009, Hà Nội sẽ công bố những dự án phải dừng. Ngoài ra, trong tháng 5 vừa qua chính thức ra mắt mạng giao dịch qua sàn kết nối 200 sàn BĐS, chủ dự án không thể tự mình đẩy giá lên quá cao, bản thân người mua cũng thận trọng hơn và có những cách thức tiếp cận thông tin dự án nên các giao dịch sẽ chậm lại.

Cũng theo ông Richard Leech, cuối tháng 4 vừa qua, thấy giá đất rục rịch lên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã vội vã mua BĐS. Đây là "chiêu" kích cầu giả tạo của các chủ dự án để "xả hàng".

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động