Top

Đất đai và thủ tục hành chính “hãm” PCI Hà Nội

Cập nhật 12/08/2009 09:20

Doanh nghiệp có khó tiếp cận đất đai ở Hà Nội (ảnh minh hoạ).

Tiếp cận đất đai là một vấn đề nan giải, thủ tục hành chính vẫn còn khá phức tạp, phiền hà… đang trở thành rào cản lớn cho việc cải thiện môi trường đầu tư của Hà Nội.

Nhiều bất cập nhiều từ đất và vốn

Năm 2006, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội xếp vị trí 38/64. Mặc dù năm 2007 đã cải thiện được 13 bậc nhưng đến năm 2008 lại giảm 4 bậc, tụt xuống vị trí 31/64 và chỉ xếp ở nhóm trung bình.

Theo phân tích của UBND TP Hà Nội, nhìn chung đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh về những cải thiện trong môi trường đầu tư và kinh doanh của thành phố chưa tốt. Trong đó, việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất là một trong những vấn đề nan giải của doanh nghiệp Hà Nội (gần 65% doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc thiếu mặt bằng đã hạn chế khả năng mở rộng kinh doanh của họ).

Không ít doanh nghiệp đã đề nghị: “Thành phố nên có những chính sách bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nhà nước thừa đất không sử dụng thì phải trả lại để nhà nước cho doanh nghiệp khác thuê”. Hiện vấn đề đất đai ở Hà Nội được nhận định là: hiếm - thiếu - giá cao - bất cập trong giải phóng mặt bằng và thủ tục.

Bên cạnh đó, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp triển khai còn chậm và bất cập, chưa bảo đảm hạ tầng kỹ thuật dịch vụ liên quan trực tiếp phục vụ doanh nghiệp cũng như các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người lao động…

Không chỉ tiếp cận đất đai khó khăn, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những trở ngại lớn từ việc vay vốn. Ông Đậu Anh Tuấn - phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra: có hơn 90% doanh nghiệp cho rằng họ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, trong khi thủ tục vay vốn rất phiền hà và việc phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn.

So sánh giữa Hà Nội và TP Đà Nẵng (địa phương có chỉ số PCI đứng đầu) cho thấy những chi phí không chính thức của hai địa phương này là chênh nhau khá lớn. Nếu như ở Đà Nẵng, chỉ có 42,6% doanh nghiệp cho rằng công việc sẽ được giải quyết sau khi đã chi phí không chính thức thì tại Hà Nội, tỷ lệ này là 62%.

Việc cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của địa phương với mục đích trục lợi được nhận định tại Đà Nẵng cũng thấp hơn gần gấp đôi so với Hà Nội (37,1% so với 61,33%)…
 

Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội xếp ở nhóm trung bình.


Chính quyền Hà Nội chưa năng động và sáng tạo

Thông thường, khi có điểm chưa rõ ràng trong một quy định nào đó của Trung ương, nhiều doanh nghiệp cho rằng thành phố sẽ hoãn việc ra quyết định để xin ý kiến. Tuy nhiên không ít trường hợp cho rằng các cán bộ Thành phố sẽ giải thích theo hướng bất lợi, gây trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Đây là một trong những minh chứng cho thấy vì sao chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền Hà Nội bị sụt giảm và xếp ở mức thấp.

Các doanh nghiệp cũng cho biết họ rất khó tiếp cận được các tài liệu như quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách… nếu không có “mối quan hệ”. Chi phí thời gian mà doanh nghiệp sử dụng để thực hiện các quy định hành chính vẫn còn khá dài so với các địa phương khác…

Nhằm cải thiện tình hình, UBND TP Hà Nội đã công bố Đề án nâng cao PCI giai đoạn 2009 - 2010. Đích thân bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng chỉ đạo: “Rà soát mọi thủ tục, quy định, khắc phục tất cả những gì là trì trệ, quan liêu, tiêu cực để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư”…

Đề án của thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: Các sở, ngành khẩn trương tập trung rà soát, đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch để mở đường cho việc giải quyết mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Minh bạch hoá việc tiếp cận nguồn lực đất đai, kiên quyết thực hiện chủ trương thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.

Bên cạnh đó, tạo chuyển biến mạnh trong thủ tục hành chính, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp…

Theo ông Jim Winkler, Giám đốc dự án VNCI (cơ quan phối hợp với VCCI triển khai đề án năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cho biết: Kinh nghiệm từ 35 quốc gia cho thấy, nâng cao năng lực cạnh tranh phải dựa vào sự nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc của từng cán bộ, cá nhân, các cấp, các ngành…


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí