Người dân Đà Nẵng vẫn muốn sở hữu đất nền hơn là căn hộ chung cư do giá trị tương đương. Đó chính là thách thức lớn cho nhà đầu tư trong phân khúc chung cư giá rẻ tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam này.
Mô hình Khu chung cư An Trung 2 do Liên doanh Công ty 579 –Đức Mạnh khởi công xây dựng tại Đà Nẵng ngày 6/7/2013
|
Xét toàn cục, thì nhu cầu nhà ở xã hội tại Đà Nẵng vẫn chưa đạt đến độ cấp thiết. Một phần của sự quan ngại này xuất phát từ giá trị các căn hộ vẫn còn cao, có thể tương đương với những khu đất quy mô 75 m2 - 100 m2 khu vực ngoại thành.
Đơn cử, Khu vực Hòa Hải, hoặc các khu dân cư thuộc huyện Hòa Vang (cách nội thành chừng 10-15 km) mức giá ra bán cũng chỉ dao động từ 300 triệu đồng/lô đến 500 triệu đồng/lô.
Một số người chấp nhận xa hơn mua đất tại khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc (giáp giới với quận Ngũ Hành Sơn), cách nội thành chừng 15 km giá cũng chỉ hơn 130 triệu đồng/lô, với điều kiện hạ tầng khá hoàn chỉnh.
Áp lực khác xuất phát từ thực tế phát triển ào ạt của các dự án xã hội tại Đà Nẵng. Từ sau có chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, bên cạnh những khu chung cư được đầu tư từ ngân sách, TP Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư cho nhiều dự án, với số lượng căn hộ tính đến tháng 6/2013 là 14.513 căn hộ.
Cụ thể, khu chung cư do Công ty cổ phần Vicoland đầu tư hơn 600 căn hộ; chung cư do Liên doanh Đức Mạnh-579 đầu tư gồm 725 căn hộ, đã đưa vào sử dụng 251 căn hộ; Chung cư Nest Home 1 do Công ty TNHH kinh doanh đầu tư xây dựng Phú Mỹ - đầu tư gồm 421 căn hộ hiện đã đóng nóc phần mái 1 block….
Gánh nặng về sức mua của phân khúc này không chỉ dừng lại ở việc giá cả, việc tiếp cận dự án cũng như các điều khoản tín dụng ưu đãi là nỗi lo cho người có nhu cầu thật sự.
Trong cuộc giao ban gần đây, UBND TP Đà Nẵng cũng đã nhìn nhận ra rằng, đối với nhu cầu nhà xã hội, mặc dù khá nhiều hồ sơ xin vay vốn để mua, thuê nhà ở xã hội theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ được gửi tới các ngân hàng ở Đà Nẵng, song tới nay chỉ có vài hồ sơ cá nhân được duyệt.
Đại diện một số chi nhánh tín dụng được Chính phủ giao giải ngân gói này đều thừa nhận hồ sơ vay vốn và thủ tục còn nhiều vướng mắc. Nhiều hồ sơ gửi tới nhưng chưa giải ngân được do vướng ở quy định thủ tục, tiêu chí đánh giá.
Phía nhà đầu tư trong lĩnh vực này thì kiến nghị Thành phố cần hướng dẫn cách cấp sổ đỏ cho từng căn hộ để chủ đầu tư yên tâm có tài sản thế chấp.
Một số nhà đàu tư khác thì kiến nghị nên áp dụng công văn mới nhất của Bộ Xây dựng, đối tượng vay gói này không nhất thiết phải là người thu nhập thấp, mà chỉ cần thỏa mãn các tiêu chí như chưa có nhà ở, có nhà ở dưới 5 m2/người, đang cư trú tại địa phương.
Bên cạnh khó khăn tiếp cận dự án, sức mua của phân khúc này đang là áp lực lớn trên vai những nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Đơn cử, với dự án Vicoland đầu tư, UBND Thành phố đã chi ngân sách mua 100 căn hộ, nhưng đến nayđơn vị này chỉ mới bàn giao cho Thành phố có 44 căn hộ. Chỉ riêng với số các căn hộ được bàn giao này, dù TP đã trực tiếp bán cho cán bộ, viên chức với mức giá khá thấp (300 triệu đồng/căn) nhưng vẫn rất khó bán.
Giải thích vấn đề này, giới kinh doanh nhìn nhận, vấn đề lớn nhất đối với chung cư chính là tâm lý, thói quen sinh hoạt của người dân Đà Nẵng, nhiều người có thể rất nghèo, khó khăn nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc ở chung cư.
Bên cạnh đó, chất lượng của chung cư đang là “nỗi ám ảnh” đối với người mua. Mặc dù, thời gian gần đây, các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã chú trọng rất nhiều đến vấn đề này. Tuy nhiên, để thay đổi cách nhìn của khách hàng không phải là điều dễ dàng.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: