Nhà siêu mỏng, siêu méo đang làm xấu bộ mặt TP, hầu như ai cũng biết, ai cũng nhìn thấy. Mặc dù các cơ quan chức năng đều bày tỏ quyết tâm “xử lý”, giải quyết triệt để “thực trạng” này, thế nhưng kết quả… không như mong đợi.
Mặc dù các cơ quan chức năng đều bày tỏ quyết tâm “xử lý”, giải quyết triệt để “thực trạng” này, thế nhưng kết quả… không như mong đợi, thậm chí những năm gần đây, tình trạng vi phạm trên càng trở nên phổ biến và có chiều hướng… gia tăng.
“Thảm họa” kiến trúc
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội mới đây cho thấy, kết quả giải quyết “thực trạng” nhà siêu mỏng, siêu méo gặp rất nhiều trở ngại, khiến tiến độ gần như đứng im. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn TP vẫn còn hơn 200 căn nhà siêu mỏng, siêu méo chưa thể xử lý được, trong đó nhiều nhất vẫn là quận Ba Đình với hơn 60 trường hợp; đứng thứ 2 là quận Hà Đông khoảng 30 trường hợp.
“Thực trạng” nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên điạ bàn toàn TP. Trong đó tập trung “dày đặc” ở các quận nội thành. Không khó để nhận thấy, trên nhiều tuyến phố Lê Thanh Nghị, Xã Đàn, Hào Nam, Liễu Giai, Tân Mai, Đào Tấn… xuất hiện rất nhiều những căn nhà siêu mỏng, siêu méo với đủ loại hình thù kỳ dị… Đặc điểm chung dễ nhận thấy ở những căn nhà đó là, diện tích nhỏ hẹp, hoặc mỏng dính nhưng được xây lên nhiều tầng.
Có thể thấy, những căn nhà “kỳ dị” trên thường nằm ở “mặt tiền” phố hoặc ngõ; những nơi trước đó vốn là khu dân cư đã giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án làm đường mới, hoặc mở rộng đường cũ. Điều đáng nói là, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực, quyết tâm nhằm “xóa bỏ” thực trạng này từ nhiều năm trước nhưng trên thực tế hiện nay cũng cho thấy, không ít những công trình siêu mỏng, siêu méo – những “thảm họa” kiến trúc, vẫn tiếp tục “âm thầm” dựng lên, bất chấp “quyết tâm” và “nỗ lực” của các lực lượng chức năng, trong việc xóa bỏ tình trạng vi phạm này.
Theo các cơ quan chức năng, việc xử lý loại nhà này không hề đơn giản. Thứ nhất, hầu hết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo đều tồn tại trước ngày 15 – 3 - 2005 (ngày Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg về trường hợp mặt bằng không đủ để xây dựng nhà có hiệu lực); Thứ hai do công tác quản lý nhà, đất của các quận, huyện, thị xã còn lỏng lẻo, nên đã phát sinh thêm các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.
Nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên nhiều tuyến phố, vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa không đảm bảo an toàn.
|
Phạt, đình chỉ rồi... cho tồn tại?
Được biết, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó đáng kể nhất là việc cho phép người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối, tưởng như sẽ tháo gỡ được vấn đề. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy “giải pháp” trên rất khó thực hiện, bởi lẽ nhiều trường hợp nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, có giá trị chuyển nhượng cao – thỏa thuận về quyền lợi giữa các hộ dân rất khó đi đến thống nhất. Một số trường hợp khác, khó khăn do các hộ dân đã sinh sống và kinh doanh nhiều năm, việc áp dụng chính sách thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng khó được người dân đồng thuận.
Dù chỉ là mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo”, chỉ chừng vài mét, xiên xẹo méo mó, nhưng giá đất ở những nơi đó rất cao, nên người chủ sở hữu không dễ gì từ bỏ quyền lợi của mình.
Họ không làm nhà để ở, mà mục đích chính là để kinh doanh, hoặc giữ đất, thậm chí là “án ngữ” không cho nhà hàng xóm phía sau “nhoi” ra mặt tiền. Thực tế, ở rất nhiều nơi, chỉ cần với 3 – 4m2 là có thể kinh doanh hiệu quả, nuôi sống họ suốt đời, thậm chí… nhiều đời. Chính vì thế, mọi cấm cản của cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn người dân xây dựng những “công trình” – mất mỹ quan đô thị, thiếu an toàn, dường như… không hiệu quả.
Cũng phải nói thêm rằng về mặt quản lý xây dựng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong xử lý. Một thực trạng phổ biến đang diễn ra hiện nay: Người dân xây nhà trái phép vào thời điểm ngày lễ, ngày nghỉ, hoặc ban đêm (cơ quan chức năng không làm việc), khi phát hiện ra thì công trình đã xây được một phần, hoặc gần xong. Dẫu lập biên bản đình chỉ và yêu cầu phá dỡ, nhưng đa phần người dân không chấp hành, một thời gian sau “tạm lắng” họ lại tiếp tục hoàn thiện công trình trái phép của mình. Trong khi cơ quan chức năng lại tiếp tục “điệp khúc xử lý”… không hiệu quả, khiến người dân… nhờn luật.
Mặt khác, việc cưỡng chế rất khó khăn vì không có kinh phí và phải huy động rất nhiều lực lượng cũng như phương tiện máy móc. Dễ dẫn đến những vấn đề tiêu cực như: “Ngại” va chạm, hoặc xuê xoa, hoặc “nhắm mắt” lờ đi, tránh né và không kiên quyết xử lý, đã khiến các trường hợp sai phạm cứ lan dần. Một nhà làm được nhà sau tiếp tục làm, khiến dãy phố có rất nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo, vừa gây mất mỹ quan lại không đảm bảo an toàn khi có chấn động lớn như động đất, gió bão.
Hiện nay các cơ quan chức năng dường như vẫn đang rất lúng túng trong xử lý. Hết lần này đến lần khác, các sở, ngành được giao nhiệm vụ đã phải xin TP cho “giãn” tiến độ xử lý nhà siêu mỏng. Trong khi “quả bóng trách nhiệm” thì được đùn đẩy hết cơ quan này sang cơ quan khác. Thực tế cho thấy, mặc dù TP đã chỉ đạo quyết liệt xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo từ nhiều năm trước, song nhiều quận, huyện vẫn “không dám” đề ra tiến độ, mục tiêu, thời hạn xử lý. Dẫu rằng, cơ quan chức năng có thể đưa ra những “lý giải” cho việc chậm trễ của mình, nhưng dư luận có quyền bày tỏ những nghi ngờ về năng lực của những cán bộ được giao trách nhiệm giải quyết “thực trạng” trên.
Được biết, theo tiêu chuẩn xây dựng nhà ở đô thị, đối với những diện tích không đủ chuẩn nằm mặt tiền đường, dưới 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng mới. Càng không được phép xây cao tầng. Thế nhưng hiện nay vẫn rất nhiều công trình siêu mỏng, siêu méo mọc lên trên những phần đất “không đủ chuẩn”. Rõ ràng, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật Xã Hội
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: