Trao đổi với VnExpress.net, một số chuyên gia xây dựng đô thị quan ngại chủ trương xây dựng ký túc xá cho sinh viên tại các khu đô thị lớn Mỹ Đình II và Pháp Vân - Tứ Hiệp của thành phố Hà Nội.
Khu đô thị Mỹ Đình II có diện tích 2.624ha, trong đó sẽ dành 2,39 ha để xây dựng ký túc xá. Khu đô thị này có mật độ xây dựng 31%, hệ số sử dụng đất 1.8 lần, nhà chung cư đã xây dựng cao từ 9 đến 15 tầng. Tuy nhiên, đây đã trở thành một trong những khu đô thị đông dân cư nhất của Hà Nội bởi nằm tại vị trí "vàng", bao quanh là Khu liên hợp thể thao quốc gia, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các khách sạn... Khu đô thị này nằm cách các trường Đại học Quốc gia, Phân viện báo chí, Sư phạm khoảng 3km.
Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm phía nam thành phố sẽ dành 3,7ha để xây dựng nhà ở cho sinh viên. Khu nhà sát vành đai 3, cách các ĐH Xây dựng, Kinh tế Quốc dân... khoảng 5km.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, xây ký túc xá tại Pháp Vân là quá xa trường đại học xây dựng, sẽ gây khó khăn cho sinh viên đi lại. Sau khi xây, thành phố sẽ phải tính việc tăng cường xe buýt đưa đón sinh viên thay vì ký túc xá sẽ bỏ không.
Ngoài ra, mối lo ngại khác là ký túc xá xây dựng trong khu dân cư sẽ quá tải hạ tầng đô thị, gây ách tắc giao thông, nhất là những nơi mật độ dân cư cao như Mỹ Đình II.
Vấn đề khác là khi các trường đại học di dời ra khỏi thành phố, các ký túc xá sẽ không còn sử dụng, gây lãng phí. Lúc này sẽ lại phải chuyển đổi công năng sử dụng của khu ở này. "Thành phố cần nhanh chóng quy hoạch các trường đại học rồi xây dựng ký túc xá, tránh tình trạng xây dựng chắp vá rồi gây lãng phí. Trường đại học nên di dời cách thành phố 20-30km", ông Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Đồng quan điểm với Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng, sinh viên luôn muốn ở ký túc xá gần trường đại học để thuận lợi cho việc học. Do vậy, cần nghiên cứu vị trí xây dựng hợp lý để tránh tình trạng xây xong rồi không có ai vào ở, như đã xảy ra tại một số khu nhà ở công nhân ở TP HCM.
"Việc xây dựng chỗ ở sinh viên là cấp thiết song không vì thế mà vội vàng triển khai, phải xây ký túc xá gắn với các cụm trường đại học, thay vì việc cứ thấy đất còn trống là sử dụng", ông Liêm bày tỏ.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, việc xây dựng ký túc xá tại 2 khu đô thị mới là việc làm trước mắt, cấp thiết để giải quyết chỗ ở cho sinh viên hiện nay. Còn về lâu dài, thành phố sẽ xây dựng ký túc xá theo cụm trường ở xã Mai Đình, Hà Đông với diện tích 125 ha.
Trường hợp sau này các trường đại học di chuyển thì sẽ chuyển đổi công năng ký túc xá sang nhà ở cho hộ gia đình thu nhập thấp. "Chúng tôi đang tính đến mẫu thiết kế nhà ở sinh viên cũng phù hợp với căn hộ gia đình để sau này sẽ chuyển đổi", ông Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, Phó giám đốc Sở cho biết, các khu đất xây nhà ở sinh viên vốn dự định xây nhà ở nên hạ tầng xã hội khá tốt, tuy nhiên, sẽ thay đổi mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất bởi các ký túc xá sẽ có chiều cao trên 15 tầng. Vấn đề này đang được các cơ quan chức năng điều chỉnh cho phù hợp.
Dự kiến tháng 7, thành phố Hà Nội sẽ khởi công 2 khối ký túc xá sinh viên tại 2 khu đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: