Top

Cấp giấy hồng ở quận Bình Thạnh: Hẹn vậy thôi, khi nào có thì... chưa biết!

Cập nhật 11/06/2009 14:20

Nghe nói thủ tục nhà đất đã thông thoáng, nhiều người dân quận Bình Thạnh (TP.HCM) vui mừng đi làm rồi than phiền “Nói vậy mà hổng phải vậy!”.

“Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, nhà báo cứ lên phòng tiếp dân của quận một ngày thôi là đủ hiểu” - một người dân phản ánh. Từ những câu chuyện của bạn đọc gửi tới Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi thử theo chân người dân đi làm giấy hồng. Sáu buổi “bám trụ” tại phòng tiếp dân, chúng tôi vỡ ra nhiều điều...

Vài năm chưa xong: Chuyện không hiếm!


Buổi sáng ngày 2-6 tại Phòng Tiếp dân quận Bình Thạnh, nhiều người cằn nhằn, thậm chí to tiếng vì hễ đưa biên nhận ra là lại được hẹn.

Trình bày với phóng viên, chị LTL, nhà ở đường Mê Linh, phường 19, cho biết chị muốn xin cấp giấy hồng cho căn nhà được cơ quan hải quân cấp cho: “Sau hơn nửa tháng đi lại để cán bộ hướng dẫn, ngày 12-11-2007 tôi mới nhận được biên nhận hồ sơ. Sau đó, tôi đến quận liên tục, cán bộ khi nói thiếu giấy này, lúc nói thiếu giấy kia. Sau nhiều lần bổ túc giấy tờ lắt nhắt, cuối cùng hồ sơ của tôi cũng đầy đủ. Thế rồi, tôi được nhận cái hẹn dứt điểm 25-6-2008 có giấy hồng”. Chỉ còn 20 ngày nữa thì chị L. nhận được hẹn đến nhận lại hồ sơ. Quận cho biết tuy hồ sơ của chị đầy đủ nhưng phải chờ công văn trả lời hướng dẫn về diện nhà đất được cơ quan quốc phòng cấp. Vừa từ phòng tiếp dân theo lịch hẹn (2-6), chị L. bực bội: “Cán bộ tiếp dân nói tôi viết đơn xin cứu xét. Nếu có công văn phúc đáp thì tôi sẽ nộp lại hồ sơ như từ đầu. Chừng nào tôi mới có giấy hồng?”.

“Năm 2005, tôi được cán bộ hướng dẫn làm bản vẽ. Năm sau, họ nói phải vẽ lại theo quy định mới. Rồi họ lại nói tôi phải vẽ tách thửa. Ngày 29-11-2007, bổ túc xong cái bản vẽ, chưa kịp mừng thì hồ sơ nhảy cóc từ số hai trăm mấy lên số 5935, tôi đợi đến phát rầu!” - ông MTM, nhà tại đường Bình Quới, phường 27, kể. Theo những giấy tờ mà ông M. còn giữ, ngày 19-6-2006, UBND quận Bình Thạnh ghi cho ông một giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả vào tháng 8-2006. Sau đó, quận yêu cầu ông bổ túc hồ sơ, ông nộp lại thì được hẹn ngày 18-6-2007 đến nhận kết quả. Cuối tháng 11-2007, UBND quận Bình Thạnh lại viết cho ông một biên nhận hẹn đầu tháng 2-2008 đến nhận lại hồ sơ, rồi... chờ tới nay. “Tui nộp hồ sơ từ năm 2005, một tuần tôi tới đây bốn lần, chỉ có hai tháng trở lại đây là tôi tới hai lần/tuần để coi giải quyết tới đâu. Cuối tháng 10 năm ngoái, tôi tới thì được cán bộ tiếp dân nói đã trình hồ sơ lên phó chủ tịch quận. Trời ơi, sao mấy ổng xem chậm dữ?”.



Giấy biên nhận của bà HTN có ít nhất bốn chữ ký hẹn.
Ảnh: Trần Định




Sau khi bổ túc giấy tờ, số hồ sơ của ông M. nhảy
cóc từ hơn 200 lên... 5935. Ảnh: Trần Định.


Tương tự, căn nhà của bà NTL, đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường 19 được hẹn cấp giấy hồng vào ngày 30-7-2007. Sau nhiều lần khiếu nại, bà được hẹn lại vào giữa tháng 11-2008. Đến ngày 4-6-2009, căn nhà này vẫn chưa có kết quả!

Đăng bộ, đổi giấy trắng: Cũng trễ hẹn như thường!

Việc xin cấp giấy hồng có thể vì lý do hồ sơ phức tạp, vướng quy hoạch, tình trạng pháp lý chưa rõ ràng nên hay bị trễ hẹn. Nhưng những trường hợp cấp đổi từ giấy trắng sang giấy hồng, đăng bộ là những dạng hồ sơ đơn giản, rõ ràng mà quận cũng không thể đúng hẹn. Có mặt tại phòng tiếp dân vào ngày 4-6 theo biên nhận hẹn trả hồ sơ của quận, ông NBT, nhà tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, cho biết nhà ông đã hợp thức nhà từ năm 1992, đóng thuế đầy đủ, không tranh chấp, nay xin đổi từ giấy trắng qua giấy hồng. Biên nhận hẹn giữa tháng 5, nay gần một tháng trôi qua cũng chưa thấy tăm hơi. “Theo như ông bộ trưởng Tài nguyên nói là 30 ngày nhưng từ lúc tôi nộp tới nay gần ba tháng. Tôi hỏi thì người nọ chỉ người kia, không cán bộ nào nói được chừng nào có” - ông cho biết.

Theo biên nhận mà bà cụ HTN (đường Lê Quang Định) cầm trên tay, hồ sơ xin cấp đổi giấy hồng của bà được nộp ngày 1-2-2008, đến ngày 20-3-2008 sẽ có kết quả. Nhưng cho đến nay, bà cụ hơn 80 tuổi này chỉ nhận được bốn... chữ ký với bốn lần hẹn mà lần cuối cùng là ngày 14-12-2008.

Những người rành rẽ chuyện làm giấy tờ nhà đất cho biết hồ sơ do họ đích thân làm cũng trầy trật. Anh VH, làm việc tại một văn phòng luật sư, đi đăng bộ căn nhà ở đường Bùi Đình Túy, phường 12 cho khách hàng. Anh H. bức xúc: “Hồ sơ của tôi đã đầy đủ, không thiếu loại giấy tờ gì, quận hẹn ngày tới 4-6, giờ đúng hẹn tôi tới mà có đâu”. Theo chứng kiến của phóng viên, lần này cán bộ tiếp dân cũng không biết hẹn khi nào mà chỉ nói anh H. hãy... đợi.

Phòng Tiếp dân UBND quận Bình Thạnh được chia làm hai phòng nhỏ. Phòng đầu tiên có hai cán bộ trực tiếp tra cứu, trích xuất thông tin từ máy vi tính. Phòng này tiếp nhận thông tin hồ sơ ban đầu do một cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp dân. Nếu hồ sơ bị “bệnh nặng”, người dân sẽ được cho vào phòng thứ hai để cán bộ trả lời cụ thể tình trạng ra sao, vướng chỗ nào. Anh cán bộ tiếp dân tên Lập sau khi tra thông tin trên máy lại bảo: “Chị (anh) cứ về nhà đợi, có thông tin gì, trên phòng sẽ gọi. Tôi ghi cho mấy số điện thoại, có thắc mắc cứ gọi. Chị (anh) không hài lòng thì cứ ra kia mà khiếu nại” (?).

Có rất nhiều người dân bày tỏ rằng họ không cần giải quyết quá nhanh, rất thông cảm nếu lượng hồ sơ quá nhiều. Nhưng mọi người đều có một nguyện vọng: Được nhận một lời giải thích thỏa đáng và có một lời cam kết chính xác khi nào hồ sơ hoàn tất.

Những bức xúc của dân đã được chúng tôi chuyển đến UBND quận Bình Thạnh bằng văn bản. Ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận, hứa sẽ sớm có lời giải thích. Chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trong lần trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM vào tháng 5-2008, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà giải thích hồ sơ chậm trễ là do hồ sơ tăng đột biến khi QĐ 54/2007 của TP có hiệu lực, lại thêm địa bàn quận có nhiều sông, rạch đất công... nên cán bộ xác minh mất thời gian hoặc yêu cầu dân bổ túc. “Cuối tháng 6-2008 sẽ giải quyết hết hồ sơ tồn. Kể từ tháng 7-2008, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết theo đúng thời hạn. Trường hợp đối đế thì trễ hẹn không kéo dài quá một tháng” - ông Hà từng hứa như thế.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP