Top

Mặt bằng bán lẻ

Chỗ bán hàng đắt mùa kinh doanh tết

Cập nhật 13/10/2009 14:35

Tiểu thương chợ Bến Thành cần có diện tích mặt bằng rộng để bày hàng và hấp dẫn khách. Ảnh: H.T

Thời điểm này, các tiểu thương đã bắt đầu chuẩn bị cho mùa bán hàng tết. Dù sức mua chưa tăng, nhưng giá sang nhượng sạp, giá thuê các quầy, cửa hàng bán lẻ đã rục rịch tăng.

Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ sạp gần cửa Tây chợ Bến Thành cho biết: “Từ đầu tháng đến nay, nhiều bạn hàng trong chợ đang hỏi nhau có sạp nào cho thuê để mở rộng diện tích bán hàng. Bởi một sạp bé chỉ vài mét vuông thì không đủ chỗ bày hàng. Muốn hấp dẫn khách, phải có sạp đôi, sạp ba trở lên”.

Thiếu chỗ mở rộng sạp

Với nhu cầu bán hàng tết, và quy định các sạp chỉ được bày hàng lấn ra lối đi vài tấc, nhiều chủ sạp đang lo lắng cho việc bày hàng của họ, bởi nếu ít mẫu thì khó bán, mà nhiều mẫu thì không đủ chỗ bày hàng.

Theo lời bà Hoa, sạp của bà với diện tích hơn 3m2, hồi tháng 6.2009 nếu cho thuê thì chỉ được 700 USD/tháng, nay có bạn hàng hỏi thuê với giá 800 USD/tháng. Những sạp cho thuê đắt nhất chợ hiện nay nằm ở khu mặt tiền chữ thập nối cửa Bắc và Nam, Đông và Tây, có giá lên đến 1.500 USD/sạp”. Nhu cầu mở thêm quầy bán túi xách, giày dép thời trang, hàng lưu niệm… cho du khách đang tăng lên, nên những mặt hàng này đã dần dần lấn chỗ các mặt hàng bình dân. Vào chợ Bến Thành hiện nay mua phụ kiện thời trang hàng hiệu khá dễ dàng, còn đi tìm chỗ bán áo mưa, dép nhựa, nón, dù… phải len lách vào tận góc chợ mới có.

Bà Phượng, tiểu thương ngành quần áo may sẵn chợ Phạm Văn Hai đang thương lượng với chủ sạp bên cạnh để đổi chỗ. Bởi bà muốn mở rộng sạp, nhưng chỉ có bạn hàng ở dãy phía sau muốn cho thuê lại, mà hai sạp ở hai dãy thì không tạo hiệu quả kinh doanh. Bà Phượng đang đề nghị chủ sạp bên cạnh cho bà thuê với giá 5 triệu /tháng, bà sẽ để cho chủ sạp này bán hàng miễn phí ở sạp dãy phía sau, nhưng vẫn chưa được. Bà Phượng nói: “Các trung tâm thương mại, siêu thị mới ngày càng rộng, ngày càng có nhiều hàng, nên bán hàng trong chợ chỉ một sạp thì không có đủ mặt hàng cho khách chọn. Một số người chọn giải pháp chất hàng lên thật cao. Còn muốn tăng diện tích thì hầu như quầy nào cũng muốn mở rộng như mình, nên cạnh tranh giá với nhau. Do vậy, nhiều lúc đi thuê sạp chợ còn mắc hơn mở cả cửa hàng bên ngoài”.

Tầng 1 chợ An Đông mới đang trở nên quá chật chội, không đủ chỗ cho các sạp bán quần áo thời trang treo mẫu. Ban quản lý chợ đang phát triển tầng 2 để đưa ngành hàng này lên. Nhưng các chủ quầy lại chỉ muốn thuê những sạp hàng cận kề chứ không muốn lên tầng trên dù có nhiều điều kiện ưu đãi. Bà Loan, một chủ sạp bán quần áo thun nữ cho biết: “Đặc thù bán hàng ở chợ là khách nhớ tên chủ sạp, nhớ chỗ chứ ít khi nhớ vị trí A, B, C hay sạp số nào. Khách cứ quen kiểu: lên cầu thang quẹo trái, lên cầu thang ngay mặt tiền… Vì vậy chỉ có ngồi ở chỗ cũ mà mở rộng thì được. Còn dời sang chỗ mới có phát card thì khách cũng chẳng lên. “Vậy nên mới có tình trạng tầng thì quá chật, tầng lại rộng thênh thang”.

Cơ hội làm ăn đẩy giá lên


Tính đến nay, giá thuê các mặt bằng ở một số chợ như Bến Thành, Tân Định, Hoà Bình, An Đông… đang tăng khoảng 5 – 15%. Bà Hoa ở Bến Thành tính toán, nếu tự bán, mỗi ngày trừ chi phí lãi khoảng 300.000đ, thì mỗi tháng quy đổi được khoảng 500 USD, nên cho thuê sạp giá 700 – 800 USD/tháng có lợi hơn. Nhưng hầu hết các chủ có sạp, có khách hàng riêng đều không cho thuê vì muốn giữ nghề. Nếu cho thuê, mất khách, khi người thuê trả lại sạp có khi phải bán cả sạp chứ không kinh doanh tiếp được.

Với những người đi thuê, giá sạp đôi, sạp ba từ 3.000 – 4.500 USD/tháng. Nếu chỉ nhìn những chiếc túi xách, những đôi giày mà người bán đang trưng bày, thật khó hình dung người thuê kiếm đủ lãi trả chi phí mặt bằng. Bà Nguyễn, chủ sạp có hơn 30 năm bán hàng ở Bến Thành cho biết: “Mua món hàng giá 500.000đ/cái, nếu trung tâm thương mại có thể bán giá 2 triệu đồng/cái, thì sạp chợ bán với giá 1,8 – 1,9 triệu đồng/cái”. Chênh lệch này đảm bảo cho người kinh doanh dám thuê sạp với giá cao.

Theo bà Nguyễn, sạp chợ bây giờ cũng làm khung kính, xây bục cao, có ghế đệm cho khách ngồi... Những người bán hàng kiểu mới này dần dần hình thành thương hiệu riêng về hàng cao cấp trong chợ, với chuỗi từ ba, bốn đến cả chục quầy hàng trong mỗi chợ. Thậm chí, hình thành cả chuỗi quầy ở nhiều chợ, có cả cửa hàng cao cấp bên ngoài. Quảng cáo bán hàng trên mạng để lôi kéo khách Việt kiều, nước ngoài… Chẳng hạn như những hệ thống sạp ông Hai, Hà Lợi, Nina, Kim Cúc của Bến Thành, An Đông Vườn Chuối… Đó là những nền tảng để giá sạp chợ cao, và tiếp tục tăng cao mùa kinh doanh tết này.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị