Top

Chất lượng nhà chung cư: Bao giờ hết khổ?

Cập nhật 14/08/2009 13:40

Nhà ở là một tài sản lớn của hầu hết mọi người dân. “An cư mới lập nghiệp” - Nếu ngôi nhà của chúng ta kém chất lượng không đáp ứng được yêu cầu chỗ ở thì là nỗi khổ dai dẳng từng giờ, từng ngày khi ở trong đó. Nhà kém chất lượng đôi khi thể hiện ngay ra ngoài, nhưng không ít trường hợp lại “lặn” vào trong, sau nhiều năm mới thể hiện. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) về nội dung trên.

* Công tác giám sát chất lượng nhà chung cư thực hiện ra sao, thưa ông?

Chúng ta có thể phân thành 2 loại nhà chung cư: nhà do Nhà nước đầu tư và nhà do DN đầu tư. Đối với nhà do Nhà nước đầu tư thì Nhà nước cử cơ quan đại diện quản lý và giám sát việc xây dựng. Còn nhà do DN đầu tư, Nhà nước đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá. Người mua nhà căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí đó để đánh giá.

* Nhưng không phải người mua nhà nào cũng có thể biết hoặc kiểm tra được các tiêu chí mà Nhà nước quy định. Vậy sẽ ra sao nếu DN không thực hiện đúng các tiêu chuẩn của Nhà nước?


... “Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, luật thì đầy đủ nhưng thực thi thì còn nhiều hạn chế. Ví dụ, trong giao thông, đèn đỏ những vẫn có một số người cố tình vượt”.

DN đầu tư, kinh doanh BĐS thường phải dựa vào uy tín. Qua đó, DN phải tự bảo đảm chất lượng. Người mua nhà phải căn cứ vào hợp đồng mua nhà, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng thì đã có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, thực tế khi hỏng hóc thì không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng. Trường hợp này thì phải ra tòa án dân sự. Nhưng cũng có một trở ngại nữa là không phải gặp vấn đề nào người ta cũng đưa ra tòa. Thường thì ngôi nhà phải hư hỏng quá lớn, còn nếu không thì người mua nhà phải tự sửa. Nhìn chung, các quy định về xử phạt cũng như tiêu chuẩn chất lượng nhà đều khá hoàn thiện. Chủ đầu tư vi phạm thì bị xử phạt, nhưng xử phạt lớn nhất vẫn là của người mua. Anh làm chất lượng kém thì lần sau không ai mua của anh nữa.

* Thực tế không ít người vừa mua nhà đã phải sửa chữa vì chất lượng quá kém. Điều này không chỉ thiệt hại cho người mua nhà mà tạo ra sự lãng phí của cải trong xã hội. Ông lý giải thế nào về vấn đề này?

Điều này xuất phát từ sự mất cân đối cung – cầu. Khi người mua không có quyền lựa chọn, họ buộc phải mua những ngôi nhà chất lượng kém với giá tiền vừa phải. Phần lớn với tâm lý anh không mua, người khác mua ngay. Những người mua nhà ít tiền thường vẫn gặp phải cảnh này. Người mua nhà nhiều tiền chất lượng cao thì lại khác. Họ được mời chào, săn đón.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là, nhà ở xã hội cũng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Gạch rẻ tiền nhưng cũng phải lát thật phẳng, không bong, tróc. Tường, trần cũng phải phẳng... Nhà ở xã hội cũng theo cơ chế thị trường, thuận mua, vừa bán (nhà do DN đầu tư). Nhà nước hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, đất đai, thuế... nhưng cũng khống chế không cho lãi quá 10%.

* Nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn với chất lượng lâu dài khi người sống nhiều năm tại ngôi nhà mới thấy bất cập về điều kiện sống hoặc nỗi lo chất lượng. Giải quyết bài toán này thật là khó, thưa ông?

Với đặc thù của ngành xây dựng, khi đã xây dựng lên thì việc kiểm tra chất lượng bên trong công trình càng khó hơn. Chính vì vậy, các quy trình xây dựng, hồ sơ hoàn công từng giai đoạn đều được quy định khá chặt chẽ trong luật và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, luật thì đầy đủ nhưng thực thi thì còn nhiều hạn chế. Ví dụ, trong giao thông, đèn đỏ nhưng vẫn có một số người cố tình vượt. Muốn giải quyết tận gốc bài toán này thì cũng phải đi từ cội nguồn của vấn đề. Thứ nhất là tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Tiếp đến là phát triển nhanh quỹ nhà, khắc phục sự mất cân đối cung cầu. Có như vậy, vấn đề mới thực sự được giải quyết.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp