Top

Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Khó xử lý hộ lấn chiếm

Cập nhật 11/03/2009 11:05

Nhiều dự án cải tạo các khu chung cư cũ tại Hà Nội đang gặp khó khăn trong giải quyết các trường hợp cơi nới, lấn chiếm, làm đội chi phí, chậm tiến độ dự án và ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của số đông các hộ dân chấp thuận di dời.

Dự án cải tạo nhà B4 Kim Liên (Hà Nội) đang gặp phải khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Đa số các hộ dân đều chuyển đến nhà tạm cư từ gần hai năm qua mong muốn sớm triển khai dự án để cải thiện điều kiện về nhà ở. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân trên đất lấn chiếm phần lưu không giữa khu nhà B3 và B4 vẫn chưa chấp thuận di dời.

Trong khi đó, mức đền bù hỗ trợ của chủ đầu tư với từng hộ ở tầng một được đánh giá là khá cao: mỗi hộ tầng một được nhận gồm một kios rộng 28 m2 không phải trả tiền và được mua một căn hộ theo giá ưu đãi là sáu triệu đồng/m2 tại chính dự án. Trước đó, khi cải tạo nhà B14, một số hộ lấn chiếm đất công cũng đưa ra những đòi hỏi vô lý.

Đại diện chi nhánh Hà Nội của Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bắc Hà kể, trong dự án cải tạo L1, L2, L3... Láng Hạ, chủ đầu tư phải lo đền bù cho hơn 20 hộ xây nhà liền kề đan xen trong các khu tập thể cũ nhưng được cấp sổ đỏ và nhiều hộ lấn chiếm nên chi phí đầu tư đội lên nhiều.

Ông Trần Mạnh Dũng-Phó Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Nhà số 7 (đơn vị chủ đầu tư xây dựng lại tập thể Nguyễn Công Trứ) cho biết, diện tích nhà xây lấn chiếm trên phần đất lưu không, sân chơi của tập thể Nguyễn Công Trứ lên đến 10. 554 m2, nhiều hơn cả phần diện tích của 14 khu nhà tập thể cũ cộng lại.

Từ năm 2004 đến nay, nhiều lần chính quyền vận động, thuyết phục đền bù tái định cư theo quy định của UBND thành phố Hà Nội nhưng không ít hộ tiếp tục đòi hỏi vượt qua khuôn khổ các quy định.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải phóng Mặt bằng Quận Đống Đa, khẳng định, hầu hết các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đang phải tập trung xử lý các đối tượng lấn chiếm đất công từ nhiều năm qua và đây là gánh nặng rất lớn với các dự án. Nhiều trường hợp còn mua đi bán lại, cho thuê nhiều lần diện tích lấn chiếm để kiếm lời; khi dự án triển khai thì có đơn thư khiếu kiện.

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm đất lưu không ở các khu tập thể, ông Trần Mạnh Dũng nói: “Cách giải quyết trước mắt là phân loại bồi thường, hỗ trợ theo thời gian sử dụng nhà. Các đối tượng lấn chiếm trái phép chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng/m2 đất và tính giá trị nhà theo thời gian sử dụng”.

“Chúng tôi đang cho xác minh để tiến hành xử lý. Nếu với các hộ lấn chiếm đất đã có nhà ở nơi khác rồi, họ phải quay về nơi ở cũ, trả lại diện tích lấn chiếm cho Nhà nước. Tuy nhiên, các hộ không còn nơi ở khác thì tình thế rất khó khăn vì không thể giải quyết cho các hộ này mua nhà ưu đãi được.

Chúng tôi đã đề nghị các chủ đầu tư vận dụng chính sách để tìm mọi nguồn lực hỗ trợ thêm cho các hộ dân thuộc dự án, nhất là những trường hợp gặp khó khăn về nhà ở. Nhiều chủ đầu tư đã báo cáo UBND thành phố đề xuất cho phép áp dụng chính sách đặc thù để tháo gỡ cho dự án...” - Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Quy hoạch chi tiết 1/500 tập thể Thành Công vừa hoàn tất việc lấy ý kiến các hộ dân. Công ty TSQ Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong đầu tư lập quy hoạch lại khu tập thể Thành Công theo phương thức mới.

Đại diện Cty TSQ cho rằng, khi xây dựng lại các khu tập thể cũ, không nên làm manh mún từng đơn nguyên nhà. Thay vào đó, cần xây dựng lại trên cơ sở quy hoạch tổng thể hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhà trẻ, chợ, nơi vui chơi giải trí...

Ông Nghiêm Xuân Tiến, 72 tuổi, trú tại phòng 6 nhà H3 tập thể Nguyễn Công Trứ cho biết, từ nhiều năm qua ông mong muốn sớm cải tạo khu tập thể quá cũ nát này. Đối với các hộ xây nhà ra phần đất lưu không thì cần phân loại để giải quyết. Khu tập thể xây dựng từ năm 1962, nhưng mãi đến năm 1993 mới có Luật Đất đai, cộng với quản lý yếu kém nên nảy sinh nhiều vướng mắc.

“Tôi cho rằng, nếu phần xây dựng thêm trước năm 1993, không có tranh chấp thì đề nghị đền bù bằng 50 phần trăm giá trị. Với các trường hợp cố tình lấn chiếm, xây dựng nhà trên khuôn viên sân chơi những năm gần đây thì phải cương quyết xử lý”, ông Tiến nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong