Top

Ốc đảo nơi đô thị loại I

Cập nhật 11/03/2009 09:45

Huyện Hòa Vang được sáp nhập về Đà Nẵng đến nay đã hơn 12 năm, vậy mà ở nơi cách trung tâm đô thị loại I chưa tới 12 km này giờ đây vẫn còn gần 300 “dân thành phố” sống trầy trật, gần như cách ly với chốn thị thành.

Đó là làng Lộc Mỹ, thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ai muốn đến đây, phải sang sông bằng đò. 66 hộ dân với gần 300 nhân khẩu nơi này thiếu thốn mọi bề. Người dân chua xót gọi Lộc Mỹ là làng “ba không”.

Biệt lập, heo hút

Ông Phạm Em, người có thâm niên hơn 25 năm lái đò, đưa chúng tôi vượt dòng sông Cu Đê để sang Lộc Mỹ. Ông Em cho biết mùa này nước sông Cu Đê không chảy xiết nhưng vào mùa mưa bão, nước đầu nguồn cuồn cuộn đổ về, rất nguy hiểm.

Con đường dẫn vào làng “ba không” gập ghềnh, chông chênh. Hai bên đường, lưa thưa những ngôi nhà tạm bợ, được lợp bằng ván nhỏ và bạt ni lông. Người dân ở đây quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm sống qua ngày. Cụ ông Lê Văn Được, 81 tuổi, cho biết gia đình cụ lên đây từ năm 1977 theo diện kinh tế mới. Khi ấy, nơi này đông lắm. Dần dà, vì biệt lập với thế giới bên ngoài nên dân làng lần lượt bỏ xứ.

Ông Được có 6 người con thì hết 4 đã đi kiếm ăn xa. Gia cảnh anh Huỳnh Bông cũng rất cơ cực, 2 con gái đầu của anh nghỉ học sớm vì nhà nghèo. Con em trong làng bỏ học giữa chừng khá nhiều vì đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Nhì, cán bộ thôn Lộc Mỹ, cho biết mỗi lần đi họp ở UBND xã Hòa Bắc hay đi đâu xa, ông đều tranh thủ về trước 18 giờ, nếu muộn vài phút là phải ở lại bên kia sông do không có đò.

Ba năm không lợp nổi mái trường

Trường mẫu giáo duy nhất ở Lộc Mỹ hiện giờ chỉ còn lại 4 bức tường. Toàn bộ phần mái tôn bị bão Xangsane hồi năm 2006 cuốn bay, đến nay vẫn chưa được lợp lại. Gần 3 năm nay, trẻ con ở Lộc Mỹ không được đến trường mẫu giáo. Một số gia đình có người thân ở bên kia sông thì gửi con sang đó học nhờ. “Sau bão, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để lợp lại mái trường mẫu giáo cho con em có nơi học hành nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Nguyễn Hữu Nhì cho biết.



Trường mẫu giáo duy nhất ở Lộc Mỹ bị bão cuốn bay gần 3 năm nay
vẫn chưa được sửa, khiến con em trong vùng không có chỗ học.


Giải thích chuyện này, ông Nguyễn Ngưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, thanh minh với chúng tôi rằng sau bão Xangsane một thời gian, lãnh đạo xã và cán bộ Phòng Giáo dục huyện Hòa Vang có đến kiểm tra, khảo sát nhưng trẻ con ở Lộc Mỹ ít, không đủ sĩ số nên... không lợp lại mái trường mẫu giáo. “Lợp lại mà không có người học thì lãng phí” - ông Ngưng nói.

Thế nhưng, theo người dân ở Lộc Mỹ, sau bão Xangsane, vì thời gian chờ chính quyền địa phương sửa lại trường mẫu giáo quá lâu, nhiều gia đình phải gửi con, cháu sang bên kia sông Cu Đê để tiếp tục đi học nên khi đoàn cán bộ nói trên đến khảo sát, đếm không đủ số lượng là phải!

Mơ một cây cầu

Ở Lộc Mỹ, làm ra đồng tiền phải... chảy máu con mắt! Vật dụng, nông phẩm của dân địa phương thường bán với giá rất rẻ nhưng đồ dùng, nhu yếu phẩm từ các nơi đem về bán tại đây có giá rất cao do chi phí vận chuyển lớn. Chị Hà Thị Thu Thủy, một người dân Lộc Mỹ, than: “Mùa nắng còn đỡ, chứ vào mùa mưa lũ, bà con ở đây đành “chịu chết”. Không qua sông được thì mua bán với ai?”.

Cả làng chỉ có con đò duy nhất của ông Phạm Em làm phương tiện chuyên chở qua lại sông. Mỗi em đến tuổi học lớp 1 muốn đến trường phải đi ít nhất 5 km, qua sông Cu Đê và ba con dốc. Hằng tháng, gia đình mỗi em phải trả 25.000 đồng tiền đò. Việc học hành của các em rất thất thường, tùy theo... con nước trên sông Cu Đê. Số học sinh bậc tiểu học là con em của dân Lộc Mỹ cứ vơi dần...

Vì thế, ước mơ lớn nhất của người dân Lộc Mỹ là có một chiếc cầu bắc qua sông Cu Đê, nối Lộc Mỹ với thế giới bên ngoài để cuộc sống nơi đây bớt nhọc nhằn. Cụ Lê Văn Được ao ước: “Tôi đã 81 tuổi rồi, chẳng còn sống bao lâu nữa nhưng vẫn mong có một chiếc cầu cho dân Lộc Mỹ. Được tiếng là “dân thành phố” mà sống như trên ốc đảo thế này thì cám cảnh quá”.

Theo ông Nguyễn Ngưng, một chiếc cầu nối Lộc Mỹ với phần còn lại của huyện Hòa Vang, với TP Đà Nẵng là khát vọng cháy bỏng của nhiều thế hệ người dân Lộc Mỹ bao năm qua. Chính quyền xã đã không ít lần kiến nghị lên huyện và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xây cầu nhưng đến nay nguyện vọng ấy chưa có dấu hiệu thành hiện thực. Và thế là, mỗi lần xem truyền hình, nhìn thấy chiếc cầu quay sông Hàn lộng lẫy khoe dáng, người dân nghèo Lộc Mỹ lại tiếp tục nuôi ước mơ về một cây cầu để họ không còn đơn độc.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động