Theo chủ đầu tư và Bộ XD, tính diện tích theo tim tường không gây thiệt cho dân. Nhiều câu hỏi nghi ngờ có sự bắt tay móc túi người mua
“Giá không đổi”
Tờ VnEconomy dẫn lời các chủ đầu tư đồng loạt nêu quan điểm thống nhất với Bộ Xây dựng khẳng định hai cách tính trong Thông tư 16 không khác nhau, không gây thiệt cho dân, vậy nhưng người dân vẫn mất tiền tỉ.
“Dù tính theo cách nào, tổng giá bán căn hộ cũng không đổi”, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, Chánh Văn phòng Tập đoàn Nam Cường khẳng định.
Bộ Xây dựng bỏ cách tính diện tích theo tim tường
|
“Nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán một m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống. Ngược lại, tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán một m2 sàn căn hộ sẽ tăng lên. Dù tính cách nào, tổng giá bán căn hộ cũng không đổi”, ông phân tích và nhấn mạnh, quan điểm cho rằng cách tính theo tim tường có lợi cho chủ đầu tư là không hẳn chính xác.
Ông Hoàn lý giải thêm, lựa chọn cách tính theo tim tường vì cách tính này đơn giản và thuận lợi hơn.
Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Info (Ocean Group), ông Nguyễn Hoàng Nam thì nhìn nhận, đơn giá bán căn hộ được tính dựa trên nhiều yếu tố như: tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng, các chi phí khác. “Vì vậy, mỗi cách tính sẽ theo đơn giá khác nhau, nhưng nhân lên thì vẫn cho ra một kết quả”, ông nói.
Cũng từ góc nhìn của một chủ đầu tư, ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thế Kỷ nói, việc nhiều chủ đầu tư lựa chọn phương thức tính giá theo tim tường, thay vì thông thủy thực chất là một “chiêu thức tâm lý”.
“Nếu tính theo thông thủy đơn giá mỗi m2 sẽ tăng lên, vì vậy khách hàng sẽ có cảm giác mua giá cao hơn, trong khi diện tích sử dụng lại nhỏ hơn. Trong khi đó, nếu tính theo tim tường, khách hàng sẽ có cảm giác được ở diện tích lớn hơn, trong khi giá thành sẽ rẻ hơn. Tôi cho rằng, đây chính là một chiêu thức tạo tâm lý trong kinh doanh. Còn thực chất, chủ đầu tư cũng không được lợi về giá”, ông Hưng phân trần. Phân tích cụ thể, ông dẫn chứng: nếu đơn giá mỗi m2 tính theo tim tường là 30 triệu đồng thì tính theo thông thủy sẽ là khoảng 31 triệu đồng, mức chênh lệch là khoảng 0,5 - 0,7%. “Thực chất nhiều hợp đồng làm với khách hàng, không nhất thiết phải ghi theo đơn giá m2 mà ghi tổng giá trị căn hộ. Vì vậy, việc tính theo cách nào cũng không ảnh hưởng đến tổng giá trị căn hộ”, ông nói.
Đây cũng là quan điểm được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bảo vệ trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 28/2 vừa qua.
Ông Nam khẳng định, “nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán một m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống, và ngược lại, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán một m2 sàn căn hộ sẽ tăng lên. Và tổng giá bán căn hộ của hai trường hợp này đều không thay đổi. Chính vì vậy, dù tính theo cách nào thì người mua căn hộ cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi”.
Dân không mất ngàn tỉ?
Thông tư 16 được ban hành từ năm 2010 đưa ra 2 cách tính diện tích trong đó đưa ra 2 cách tính diện tích nhà, trong đó việc tính diện tích từ tim tường ây nhiều ý kiến trái chiều về quyền lợi tài chính của người mua nhà cũng như phần sở hữu chung riêng trong các chung cư.
Ngoài ra, Thông tư cũng đã giúp chủ đầu tư dự án chung cư thu lợi hàng nghìn tỷ đồng và dẫn đến nhiều vụ tranh chấp nghiêm trọng trong thời gian qua.
Điển hình là dự án chung cư cao cấp Keangnam trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội). Bà Trịnh Thúy Mai, một cư dân đang sống tại chung cư Keangnam cho biết, chỉ tính riêng căn hộ B606 bị tính gộp cả diện tích thuộc sở hữu chung lên tới 20,99m2 (gồm diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, tường chung) và diện tích thuộc sở hữu riêng theo quy định tại Luật Nhà ở là 176,66 m2. Trong khi đó, diện tích mà chủ căn hộ này phải trả tiền mua theo hợp đồng là 206,95 m2, dẫn tới thiếu 30,21m2 so với hợp đồng.
Với giá bán lên tới 3.000USD/m2, những căn hộ bị thiếu tới hơn 30m2 như căn B606 thì số tiền trả “oan” này lên tới trên 1,5 tỷ đồng.
Như vậy, những căn thiếu diện tích ở mức ít nhất, người dân cũng đã phải trả “oan” cho chủ đầu tư vài trăm triệu đồng.
Hay như tại dự án khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) có tới xấp xỉ 3.000 căn hộ, trung bình mỗi căn hộ phải trả thêm tiền khoảng 10% cho diện tích sở hữu chung.
Chị Phương, một cư dân sở hữu căn hộ có diện tích nhỏ tại dự án Nam Cường chỉ 56m2, nhưng chị cũng đã phải trả “oan” tới 6m vì cách tính diện tích đến tim tường của chủ đầu tư. Tại thời điểm chị Phương mua, giá nhà là 22 triệu đồng/m2, như vậy cũng mất đứt thêm hơn 130 triệu đồng.
Tương tự, các dự án chung cư Đại Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) của ông Lê Thanh Thản cũng từng nổ ra xô xát căng thẳng vì cách tính diện tích theo "bảo hộ" của Bộ Xây dựng.
Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vẫn khẳng định, ban hành Thông tư 16 hoàn toàn đúng pháp luật, mà cụ thể là Luật Nhà ở năm 2005, nên không có chuyện phải xin lỗi người dân.
Với phát biểu mới đây của các chủ đầu tư, người ta có thể hiểu, vì sao Bộ Xây dựng không xin lỗi.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: