Top

Bảo tồn nằm trên giấy, nhà cổ đang mất dần

Cập nhật 03/05/2010 15:35

Cấu trúc bên trong nhiều căn nhà cổ đã thay đổi rất nhiều, nét cổ kính chỉ còn thể hiện ở bên ngoài.

Nằm ngay sau đình Tăng Phú (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) là căn nhà cổ của ông Huỳnh Hữu Thời (27/2B đường 236, phường Tăng Nhơn Phú A). Nếu không để ý, nhiều người dễ lầm ngôi nhà vách thưng ván gỗ hở lỗ chỗ, mái lợp ngói âm dương đã xập xệ nằm giữa mảnh vườn đầy cỏ dại ấy là một căn nhà bỏ hoang chứ không phải là căn nhà cổ đang được bảo tồn.

Xuống cấp nghiêm trọng

Trải qua gần 200 năm dãi dầu mưa nắng, giờ đây căn nhà cổ ba gian hai chái đã xuống cấp nghiêm trọng. Ván thưng vách co lại, tạo ra những kẽ hở lớn. Mái ngói âm dương cũ kỹ, mục nát, phần lớn những cây cột, kèo đều bị mối mọt gặm nham nhở. Khoảng 10 cây cột gỗ ngoài hàng hiên trước nhà đã “đột quỵ”, được ông Thời thay thế bằng cột bê tông. Hàng hiên lát đá ong cũng được thay bằng loại gạch tàu. “Tôi biết cứ dặm vá tạm mãi thế này căn nhà sẽ không còn nguyên như trước nhưng không sửa không được vì nhà đã cũ quá rồi. Đêm nằm nghe tiếng mọt nghiến gỗ rồn rột tôi thấy xót xa lắm” - ông Thời nói.

Những ngôi nhà cổ ở quận 5 lại khác. Từ phía ngoài nhìn vào chắc ai cũng đều nhận xét những căn nhà cổ sơn màu vàng nhạt nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 10, quận 5) rất đẹp, còn đậm dấu ấn xưa với những đường nét kiến trúc mang dáng dấp cổ kính. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.


Hàng cột lim mủn nát trước hiên căn nhà cổ của ông Thời đã được thay bằng những chiếc cột bê tông. Ảnh: Thu Hương.

Bà Trần Thu Thủy, số 57 Hải Thượng Lãn Ông, cho biết: Từ trước đến nay, chỉ duy nhất một lần các ngôi nhà trong khu nhà cổ này được sơn sửa lại phần mặt tiền (năm 1998). Do thay nhiều đời chủ nên bên trong các ngôi nhà đã bị sửa chữa khác xưa rất nhiều, nét cổ kính chỉ còn thấy được ở bề ngoài. Hiện mọi thứ, từ cái cầu thang tới sàn nhà đều rất cũ kỹ, mục nát. Tất cả chỗ trống ngoài hành lang chung, dưới cầu thang… đều được các hộ gia đình tận dụng dựng lên các “hộp gỗ” nho nhỏ dùng làm nơi tắm rửa, nấu ăn hằng ngày.

Bảo tồn: Chờ đến bao giờ?

Theo ông Thời, do căn nhà quá cũ, không biết sẽ sập lúc nào nên nhiều năm trước ông đã có ý định đập đi xây nhà gạch cho an toàn. Tuy nhiên, khi nghe TP có chủ trương bảo tồn nhà cổ, ông quyết định giữ lại căn nhà với hy vọng nó sẽ sớm được trùng tu. “Trên TP cũng đã vài lần cử người xuống xem xét căn nhà, có nói sẽ hỗ trợ để bảo tồn làm di tích. Nhưng tôi chờ hoài chẳng thấy hỗ trợ, thôi nhà mình hư thì phải tự sửa chứ đợi chờ gì ai” - ông Thời tâm sự.

Tương tự, các hộ dân sống trong khu nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) cũng đều phải tự bỏ tiền ra sửa nhà. “Qua báo đài, chúng tôi đều nhận thức được đây là khu nhà cổ cần phải giữ gìn nên khi sửa sang bất cứ thứ gì tôi đều rất cẩn thận.Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi chưa hề nhận được hỗ trợ từ phía chính quyền trong việc sửa chữa nhà cửa” - bà Thủy khẳng định.

Theo những người dân đang sống trong các ngôi nhà cổ, nếu tình trạng như hiện nay cứ kéo dài thì sẽ đến lúc những ngôi nhà cổ từng được coi là di tích hoặc sẽ thành phế tích, hoặc sẽ khoác lên mình bộ áo khác. “Do đó, nếu TP có chủ trương hỗ trợ bảo tồn nhà cổ thì nên sớm thực hiện. Hoặc TP có mua lại nhà để làm địa điểm tham quan chúng tôi cũng không phản đối, miễn quyền lợi được giải quyết thỏa đáng” - bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, số 59 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, nói.

Nhà cổ Huế: Bỏ thì thương, vương thì tội

Khu phố cổ Bao Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm bên bờ sông Hương vốn là một thương cảng nổi tiếng vào thế kỷ 18 và 19. Đây là khu phố nằm trong chuỗi di tích cổ được xác định cần được giữ gìn và bảo tồn. Được biết, tỉnh Thừa Thiên-Huế từng phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Bao Vinh. Từ ba năm gần đây, chính quyền cũng không cấp phép xây dựng mới trong khu vực này.

Theo thống kê, năm 1991 khu phố cổ Bao Vinh có 40 nhà cổ, năm 1996 còn 32 nhà, năm 2003 còn khoảng 24 nhà. Năm 2007, Thượng viện Pháp đã đồng ý hỗ trợ chi phí để phục hồi một số công trình nhà truyền thống ở đây. Tuy nhiên, khi Phòng Nghiệp vụ bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế lập hồ sơ thì chỉ có chủ nhân của 3/24 ngôi nhà đồng ý nhận hỗ trợ. “Họ có đến nhà tôi làm hồ sơ vào diện nhà cổ và đồng ý hỗ trợ chi phí để tu sửa nhưng tôi không thích. Tôi muốn tự sửa nhà của mình vì như vậy sẽ thoải mái hơn, mỗi lần thay đổi không phải xin ý kiến hay giấy tờ gì” - một người dân trong khu phố cổ giải thích.

Trả lời báo chí, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng chính quyền địa phương đều cho rằng khu phố cổ Bao Vinh và các khu nhà truyền thống Huế cần phải được giữ lại. Tuy nhiên, việc giữ như thế nào, cách thực hiện ra sao thì đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có một câu trả lời chính thức.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP