Top

Bảng giá đất năm 2008 tại TPHCM tăng 20 - 60%: Dân lo "chạy" giá đất

Cập nhật 02/12/2007 10:00

 Theo các chuyên gia, bảng giá đất của TPHCM năm 2008 sẽ là một gánh nặng cho người sử dụng đất, thuê đất. Các chuyên gia dự báo, để tránh phải đóng một khoản tiền sử dụng đất tăng từ 20 đến 60%, sẽ xảy ra tình trạng người dân, đơn vị sử dụng đất ùn ùn đi làm thủ tục nhà đất để... chạy giá đất.

Chạy giá đất

Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù chưa chính thức nhưng có thể khẳng định, bảng giá đất năm 2008 của TPHCM đã được "gút", chỉ còn chờ Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua trong kỳ họp được tổ chức vào tháng 12.2007 sau đó UBND thành phố sẽ chính thức ban hành vào ngày 1.1.2008.

Theo tinh thần, buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Ngân sách, Hội đồng Nhân dân thành phố với Sở Tài chính - đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng bảng giá đất của TPHCM - so với bảng giá đất TPHCM năm 2007 thì bảng giá đất năm 2008 tăng từ 20 đến 60%. Cụ thể, giá đất ở đô thị cao nhất là 67 triệu đồng/m2, tương đương với khung tối đa do Chính phủ ban hành.

 Tuy nhiên, bảng giá đất này chỉ sử dụng cho 3 mục đích gồm: Căn cứ để tính thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ quyền sử dụng đất, lệ phí, trước bạ và tính giá trị quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất (giao đất cho các tổ chức hành chính...).

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, tiền sử dụng đất mà người sử dụng đất phải đóng trong năm 2008 sẽ tăng bình quân là 30% so với năm 2007. Chẳng hạn, đối với dự án khu đô thị mới Đông Thăng Long (quận 9) nếu tính theo giá đất được ban hành bằng Quyết định 05, nhà đầu tư chỉ phải đóng gần 270 tỉ đồng tiền sử dụng đất, tính theo giá đất năm 2007 thì tiền sử dụng đất là 1.800 tỉ đồng, còn tính theo bảng giá đất năm 2008, số tiền chủ đầu tư phải nộp khoảng 2.400 tỉ đồng.

Cũng theo các chuyên gia, trong các dự án phát triển nhà ở, tiền sử dụng đất và chi phí đầu xây dựng cơ bản là 2 khoản lớn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong trong cơ cấu giá thành của một dự án.

Một khi tiền sử dụng tăng bình quân 30% thì giá thành của dự án cũng sẽ tăng thêm 15% đến 20%. Điều này, bắt buộc các chủ đầu tư phải đưa phần tăng thêm vào giá thành của một đơn vị nhà đất. Vì vậy, giá nhà đất của các dự án sẽ tăng tương ứng, tức là từ 15 đến 20%.

Các chuyên gia dự báo, trong tháng 12.2007 sẽ tái diễn tình trạng chạy giá đất giống như tình trạng của dịp cuối năm 2005. Đặc biệt, đối tượng chạy nhiều nhất là cá nhân sử dụng đất bởi họ không muốn phải đóng một khoản nghĩa vụ tài chính cao hơn mức hiện nay bình quân 30%. 

Đâu là lối ra?

Trên thực tế, việc áp dụng một bảng giá đất cao không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư mà ngay cả những người dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính nhà đất cũng sẽ gặp khó khăn tương tự. Ngược lại, việc duy trì một bảng giá đất thấp sẽ gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và đời sống của những người có đất bị thu hồi.



Giá nhà đất tại TPHCM sẽ tăng ít nhất 15%
sau bảng giá đất năm 2008.

Nhiều chuyên gia đề nghị, cách tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay là nâng bảng giá đất lên cho sát giá thị trường nhưng đồng thời phải giao cho địa phương được tự chủ quy định tỉ lệ thu tiền sử dụng đất.

Chẳng hạn, giá đất của tuyến đường A hiện nay là 4 triệu đồng/m2 thu tiền sử dụng đất là 100%, với một nền nhà 100m2 thì người dân phải đóng là 400 triệu đồng. Thay vào đó, thành phố quy định giá đất 8 triệu đồng (sát giá thị trường) nhưng tỉ lệ thu tiền sử dụng đất ở mức từ 20% đến 30%. Như vậy, nghĩa vụ tài chính của người dân nằm trong khoảng 160 đến 240 triệu đồng. 

Cái được ở đây không chỉ người dân được hưởng một nghĩa vụ tài chính nhẹ hơn mà còn có thể áp dụng ngay bảng giá đất này vào bồi thường mà không cần phải điều chỉnh bằng các khoản hỗ trợ khác, tránh được phiền phức, rắc rối.

Tương tự, đối với các nhà đầu tư, thành phố cũng có thể quy định tỉ lệ thu tiền sử dụng đất phù hợp. Cũng theo các chuyên gia, chỉ với cơ chế này thành phố mới có thể vừa có một bảng giá đất sát giá thị trường, đồng thời cũng duy trì được môi trường đầu tư thuận lợi và đảm bảo được lợi ích của người dân.

Trên thực tế, trước khi xây dựng bảng giá đất năm 2008, TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 88 (quy định về khung giá đất) cho phép thành phố xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường, đồng thời hạ mức thu tiền sử dụng đất xuống mức 20% thay vì 100% như hiện nay.

Thế nhưng đề xuất này đã không được chấp thuận, buộc thành phố phải xây dựng một bảng giá đất quá thấp để áp vào bồi thường nhưng lại quá cao để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất.

Theo Lao Động