Top

Bán lẻ: ra vùng ven để “hoành tráng”

Cập nhật 06/10/2007 11:00

Mặt bằng ở trung tâm thành phố khan hiếm, giá thuê đất tăng chóng mặt.

Trong thời gian qua, có nhiều tập đoàn bán lẻ thâm nhập thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng tìm cách mở rộng quy mô.

Khu vực trung tâm hết “room”

Tại TP.HCM, Thương xá Tax, Parkson, Diamond, Plaza, Eden Mall, Saigon Squaze… được xem là “thiên đường mua sắm” lớn nhất nước. Tuy vậy, các chuyên gia về BĐS cho biết nguồn cung cấp mặt bằng cho thuê làm điểm kinh doanh tại TP.HCM đang rất khan hiếm. Vì vậy, giá cho thuê mặt bằng để mở khu dịch vụ bán lẻ cũng tăng lên từng ngày. Nếu năm 2006 giá thuê trung bình khoảng 80 USD/m2/tháng thì hiện tại là 100 – 120 USD/m2/tháng. Đặc biệt, giá sẽ tăng rất cao đối với những mặt bằng có vị trí đắc địa tại các cao ốc nằm ngay trong khu vực trung tâm thành phố. Có khu vực, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ muốn thuê phải trả tới 150 – 170 USD/m2/tháng.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Tư vấn BĐS CB Richard Ellis, TP.HCM hiện đang có tổng diện tích cho thuê làm trung tâm thương mại là 90.000m2 nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các tòa cao ốc cho thuê mở mặt bằng kinh doanh, bán lẻ luôn kín chỗ.

Từ nay đến năm 2008, TP.HCM sẽ có thêm khoảng 150.000m2 cho thuê làm nơi kinh doanh. Tuy nhiên, dự báo mặt bằng ấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khi nhiều công ty trong nước, công ty đa quốc gia chuẩn bị thành lập hoặc mở rộng hệ thống phân phối.

Đi tắt đón đầu

Vừa qua, bốn đại gia bán lẻ lớn trong nước là Phú Thái, Saigon Co.op. HapPro và Satra đã bắt tay thành lập Công ty cổ phần VDA với tham vọng sẽ chiếm lĩnh 60% thị phần trong nước và góp phần điều tiết giá cả. Nhưng khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải là mặt bằng. Theo ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc tập đoàn Phú Thái, nhiều vị trí đẹp ở trung tâm những thành phố lớn đều đã rơi vào tay nhà bán lẻ nước ngòai.

Để tính chuyện lâu dài, một số doanh nghiệp chuyển qua thuê địa điểm nằm ngoài trung tâm thành phố. Việc mở các trung tâm bán lẻ ở ngọai thành nhằm “đi tắt đón đầu” có những lợi thế riêng: giá thuê đất rẻ hơn và điều quan trọng là diện tích mặt bằng đủ nhiều, đủ rộng để đáp ứng doanh nghiệp kinh doanh.

Đi đầu trong “ chiến thuật” này phải kể đến Tập đoàn Metro tại Việt Nam. Chỉ tính riêng TP.HCM, tập đoàn bán lẻ này đều xây dựng các trung tâm bán lẻ ở các quận ngoại thành. Lý do dễ hiểu vì với một mặt bằng rộng hàng trăm ha thì không thể nào tìm nổi tại các quận trung tâm được.

Gần đây, các “đại gia” bán lẻ trong nước như hệ thống Saigon Co.op, tập đòan Dệt may Việt Nam (Vinatex) hay một số trung tâm điện máy đã phát triển hệ thống bán lẻ tại Đồng Nai, Bình Dương….Vị trí mà những doanh nghiệp này nhắm đến là phải gần khu công nghiệp có nhiều công nhân, công nhân viên chức hay gần các cụm đông dân cư.

Ra mắt hiệp hội bán lẻ Việt Nam

Sáng qua (5 - 10), tại buổi họp báo ra mắt hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ - Trưởng ban vận động thành lập hiệp hội cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam hiện rất sôi động. Mức tiêu dùng của dân cư đang ở mức 20% và năm nay có thể tăng lên 23% với số tiền lưu chuyển khỏang 400.000 – 700.000 tỷ đồng. Do vậy, hiệp hội bán lẻ ra đời đã kết nối các nhà bán lẻ trong nước để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong bối cảnh làn sóng các nhà bán lẻ của thế giới đầu tư vào Việt Nam.


Theo Pháp Luật