Top

TP Hồ Chí Minh: Khuất tất trong đền bù giải tỏa tại Dự án KCN Tân Phú Trung

Cập nhật 05/10/2007 15:00

Những bức xúc của hơn 70 doanh nghiệp về việc đầu tư nhà xưởng vào khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung, TP Hồ Chí Minh do bị xử ép chưa được giải quyết thỏa đáng, thì nay các PV lại phát hiện những khuất tất và tùy tiện trong việc đền bù giải tỏa cho người dân có đất trong phạm vi dự án này.

Giảm giá đền bù mà không giải thích

Sau khi UBND TP.HCM duyệt phương án bồi thường giải tỏa tại dự án KCN Tân Phú Trung với mức giá đất trồng cây hàng năm là 65.000 đồng/m2, vào năm 2004, ông Nguyễn Văn Chính (ngụ ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung) nhận được bảng tổng hợp về giá trị bồi thường do Hội đồng bồi thường (HĐBT) huyện Củ Chi gửi đến, trong đó diện tích 17.104m2 đất của ông Chính được áp giá là 1.129.782.800 đồng. Bảng tổng hợp này ghi rõ mức giá nói trên căn cứ biên bản kiểm kê TPT/727/BBKK ngày 17 - 9 - 2003.

Nhưng cuối năm 2005, ông Chính nhận được bảng tổng hợp giá trị bồi thường khác cũng căn cứ biên bản kiểm kê TPT/727/BBKK, trong đó diện tích đất của ông bị “xén” mất 713m2, tổng giá trị tiền bồi thường bị giảm xuống còn 1.083.437.800 đồng, tức là ông bị mất đi 46.345.000 đồng!

Trường hợp ông Trần Văn Hà có 7.558m2 đất trồng cây hàng năm tại xã Tân Phú Trung cũng bị cắt bớt tiền khó hiểu. Ban đầu, căn cứ vào biên bản kiểm kê TPT/737/BBKK ngày 30 - 9 - 2003, HĐBT áp giá cho diện tích đất của ông Hà là 620.244.400 đồng.

Ông Hà đến ký nhận tiền bồi thường nhưng vài tuần sau đó, một cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cho biết hồ sơ của ông Hà bị thất lạc phải làm lại. Lần làm lại này, cũng căn cứ vào biên bản kiểm kê nói trên nhưng HĐBT đã “rút” số tiền bồi thường cho ông Hà xuống còn 581.764.400 đồng!



Những hộ dân bức xúc khiếu nại
về việc giải tỏa tại dự án KCN
Tân Phú Trung.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nghiêm (ngụ ấp Giữa, xã Tân Phú Trung) cũng bị HĐBT giảm tiền bồi thường từ 171.645.000 đồng còn 126.095.160 đồng trên diện tích đất 2.025m2 mà không một lời giải thích!

Tiếp xúc với các PV, những người dân nói trên cho biết toàn bộ các bảng tổng hợp giá đền bù không ghi ngày tháng, không có sự kiểm tra lần thứ 2 của HĐBT để làm căn cứ cho việc giảm giá đền bù, gây thiệt thòi cho quyền lợi người dân.

Dù họ đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần từ cách đây 1 - 2 năm nhưng mọi việc đều rơi vào im lặng. Ông Trần Văn Hà còn cho biết, do gia cảnh khó khăn, bản thân bị đau yếu, ông đành phải ký nhận tiền đền bù. Khi lên gặp cán bộ HĐBT thì được bảo: “Cứ ký nhận tiền đi, thắc mắc gì khiếu nại sau!”. Vậy mà những lá đơn khiếu nại của ông Hà cho đến nay vẫn không có ai trả lời.

Quy trình bất thường và giá rẻ như bèo

Trong quá trình tìm hiểu dự án KCN Tân Phú Trung, chúng tôi nhận thấy có một số điều bất thường về tính pháp lý của dự án. Đó là quy trình phê duyệt các văn bản đầu tư với trình tự thời gian khó hiểu. Ngày 23 - 6 - 2004, tại công văn 861/CP - CN, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KCN Tân Phú Trung với diện tích 552,3 ha, trong đó có 30 ha đất công thuộc các xã Tân Phú Trung và Tân Thông Hội.



Kênh Đông bị cúp nước, hàng chục
 hộ dân rơi vào cảnh khó khăn vì
không canh tác được trên ruộng
 của mình.

Ngay hôm sau 24 - 6 - 2004, UBND TP.HCM đã ký phê duyệt phương án bồi thường thu hồi đất căn cứ theo phương án bồi thường do UBND huyện Củ Chi lập ngày 2 - 6 - 2004.

Thời điểm ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường thu hồi đất lúc này rất “nhạy cảm” vì chỉ sau đó 7 ngày, Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 1 - 7 - 2004). Đây là thời điểm “giao thời” giữa hàng loạt chính sách về thu hồi đất và phương thức áp giá đền bù giải tỏa.

Đến ngày 16 - 12 - 2004, UBND TP.HCM mới có quyết định duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Phú Trung. Quy trình này ngược ở chỗ đối với hầu hết các dự án, thông thường phải có quyết định đầu tư rồi mới lập phương án bồi thường, khâu cuối cùng là phê duyệt phương án bồi thường nhưng ở dự án KCN Tân Phú Trung thì ngược lại.

Việc làm bất thường này, theo những người có đất bị thu hồi là một biểu hiện “chạy luật” của chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy mới dẫn đến giá đền bù rẻ như bèo (65.000 đồng/m2 đất trồng cây hàng năm) và mọi chính sách đền bù đều căn cứ theo Nghị định 22, trong khi nếu phê duyệt phương án bồi thường đầu tháng 7.2004 thì phải áp dụng theo Nghị định 197 với mức giá bồi thường cao hơn rất nhiều.

Theo nhiều người dân tại khu vực này, giá trị chuyển nhượng đất ruộng phía bên kia kênh Đông, tức là khu vực đối diện không nằm trong dự án KCN Tân Phú Trung trong các năm 2003 - 2004 đã gần 1 triệu đồng/m2. Ngay cả bảng khảo sát giá đất do UBND huyện Củ Chi tiến hành trước khi xây dựng phương án bồi thường, vào năm 2001 - 2002 giá chuyển nhượng đất ruộng thực tế tại khu vực này cũng đã ở mức 200 - 400 ngàn đồng/m2.

Nhiều hộ dân còn phản ánh, khi ký nhận tiền đền bù, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi chỉ cho nhận tiền theo từng đợt, mỗi đợt cách nhau 3 - 6 tháng.

Thế nhưng ngay khi ký nhận tiền đợt 1, người dân đã bị thu hồi sổ đỏ lập tức. Cách làm này, theo các hộ dân bị thu hồi đất, chẳng khác gì tước bỏ của họ quyền sử dụng đất khi nhà nước chưa thực hiện đền bù xong. Ông Đào Văn Nhiều, một người dân ngụ ở ấp Đình, xã Tân Phú Trung bức xúc: “Suốt nhiều năm trời, khiếu nại của người dân không được giải quyết. Tại sao lại đẩy chúng tôi vào tình trạng khó khăn như vậy?”

Câu hỏi nhức nhối nói trên và hàng loạt những khuất tất, tùy tiện trong việc áp giá đền bù tại KCN Tân Phú Trung đang rất cần câu trả lời từ chính quyền TP.HCM.

Theo Thanh Niên