Top

Bàn lại về sở hữu đất đai

Cập nhật 06/03/2013 10:35

Ở cả dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, sở hữu đất đai và quản lý, sử dụng đất đều chứa đựng băn khoăn lớn của cả chuyên gia và người dân.

Nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần làm rõ quyền sở hữu đất đai của các thành phần kinh tế tư nhân

"Bàn lại vấn đề về sở hữu đất đai là một việc nên làm cho phù hợp với giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội", công dân Nguyễn Việt Đức đề nghị tại trang http://duthaoonline.quochoi.vn.

Theo phân tích của bạn đọc này thì ở tất cả các nước phát triển, hệ thống pháp luật đều thừa nhận sở hữu đất đai là loại sở hữu đặc biệt, không có sở hữu tư nhân tuyệt đối. Đối với đất đai, quyền định đoạt có một phần thuộc Nhà nước và một phần thuộc người đang nắm giữ đất đai, pháp luật đất đai hiện hành của Việt Nam cũng đã quy định theo hướng này, chỉ có điều quyền định đoạt của Nhà nước về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, được áp dụng rộng hơn mức cần thiết, một mặt làm méo mó thị trường và mặt khác gây nguy cơ tham nhũng cao.

Bởi vậy, góp ý của bạn Việt Đức là có thể xem xét vấn đề sở hữu đất đai được quy định tại điều 11 của Hiến pháp năm 1959: "Ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là  hình thức sở hữu Nhà nước - tức là của toàn dân ; hình thức sở hữu hợp tác xã - tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc".

Đây là một kinh nghiệm đáng được lưu tâm vì hiện nay đất nước ta đang vận hành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa đạt được điều kiện hạ tầng của một nước xã hội chủ nghĩa thực sự, bạn Đức viết.

Cũng liên quan đến chủ thể sở hữu đất đai , góp ý cho điều 58 dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bạn đọc Trần Tuấn Anh cho rằng nên quy định: “Đất đai thuộc sở hữu của nhân dân. Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền sở hữu đất đai của nhân dân”.

Nên quy định cả sở hữu đất đai tư nhân cũng là quan điểm của không ít góp ý tại các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Theo GS. Phan Hữu Dật, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc, việc khiếu kiện của nông dân ở một số nơi liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu về đất đai, rộng hơn là quyền sở hữu tài sản. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý cũng là lý do chính quyền một số cấp, đã nhân danh nhà nước để vi phạm, gây bức xúc trong dân.

“Cần quy định đất đai thuộc sở hữu không chỉ nhà nước, công cộng mà còn cả sở hữu cá nhân. Cố nhiên quyền này không phải vô hạn độ mà có giới hạn nhất định”, ông Dật đề nghị.

Ủng hộ quan điểm này, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương đề nghị dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần làm rõ quyền sở hữu đất đai của các thành phần kinh tế tư nhân.

Trở lại địa chỉ thu nhận ý kiến nhân dân của Quốc hội, góp ý cho điều 1 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bạn đọc Hoàng Ngọc Sơn nhận xét, chúng ta từng nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng vai trò của người dân trong việc quản lý, sử dụng đất đai rất mờ nhạt, chung chung và luôn bị động từ các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp tỉnh.

Để làm rõ trách nhiệm của nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng đất, bạn đọc này kiến nghị sửa điều 1 thành: "Luật này quy định sự thống nhất quản lý, về quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai; về quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất".

Để hạn chế thất thoát quỹ đất, công dân Nguyễn Khắc Bình nêu thực tế, hiện nay việc bán đất sai luật, thu hồi đất trái pháp luật đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở những nơi công tác quản lí yếu kém, trình độ dân trí thấp. Tiền bán đất rơi vào tay cán bộ. Việc thu hồi đất các công trình công cộng ở địa phương với số it hộ gia đình có hiện tượng chính quyền cưỡng đoạt đất đai bằng dân quân và công an xã, bởi lẽ trong những trường hợp này dân bị lép vế, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho người dân.

Liên quan đến vấn đề đang gây rất nhiều quan ngại trong quá trình thảo luận là thu hồi đất, bạn đọc Phạm Văn Tân cho rằng, cần phải tách ra các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích đất quốc phòng. Có những cái cần thiết phải thu hồi ,có những cái không cần thiết phải thu hồi. Ví dụ như công trình văn hóa, thể thao, xây dựng trường bắn... cần quy định từ cấp nào mới có thể được quy hoạch sử dụng.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy