Top

Tháp Pisa – Hòn ngọc kiến trúc của nhân loại

Cập nhật 05/12/2007 09:38

Hiếm có công trình nào mà chính sự sai lầm trong quá trình xây dựng đã biến công trình đó thành tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác của nhân loại. Vậy mà ở Italy lại tồn tại một công trình như vậy. Đó chính là tháp Pisa của Italy, Hòn Ngọc kiến trúc này thu hút du khách không chỉ bằng vẻ đẹp, sự huyền bí mà chính độ nghiêng rất “nghệ thuật” của nó đã cuốn hút ánh mắt của cả thế giới.


Ngôi tháp chuông nổi tiếng được xây dựng để cho cả thế giới thấy được sự thịnh vượng của thành phố Pisa, Italy.

Tháp nghiêng Pisa nằm trên quần thể Campo dei Miracoli ở Pisa, Italy theo kiểu bàn cờ (chessboard) rất phổ biến, tháp là một bộ phận của khu phức hợp gồm 4 công trình màu trắng bóng quan trọng, gồm thánh đường (Duomo), tháp chuông (Campanile - tháp nghiêng), phòng Rửa tội và nghĩa trang (Camposanto).

Năm 1987, tháp được tuyên bố là một phần của Campo dei Miracoli - Di sản Thế giới cùng với thánh đường, nhà thờ và nghĩa trang bên cạnh.



Nhìn cận cảnh ta có cảm giác tháp như một
cây cổ thụ khổng lồ đang từ từ đổ xuống.
Ảnh: Theo VNPhoto.


Tháp nghiêng Pisa được xây dựng từ năm 1173 và hoàn thành năm 1372, ngay trong khi xây dựng người ta đã phát hiện tòa tháp đã bị nghiêng. Công trình xây theo hình dạng của một hình trụ rỗng với các dãy cột bao quanh.

Mặt trong và ngoài của hình trụ đều ốp bằng cẩm thạch mối nối rất khít khao, nhưng vật liệu giữa các lớp ốp ngoài này chỉ toàn là vữa và đá nên phát hiện có nhiều lỗ rỗng rộng bên trong. Một cầu thang xoáy ốc dẫn lên đỉnh tháp nằm bên trong vách.


Dù tháp được xây bằng đá cẩm thạch, loại đá hoa quý giá vô ngần, nhưng vì xây trên một nền móng bóng chắc chắn nên tòa tháp Pisa cao 55 mét, tường dày 4 mét, đã bắt đầu xê dịch khi xây xong tầng thứ ba.

Trong suốt 8 thế kỷ qua, mỗi năm tháp lún nghiêng 1 ly. Chỉ một ly nhỏ xíu thôi, thế mà nay đã nghiêng đến 16,5 bộ khi tháp được 800 tuổi. Đỉnh tháp nghiêng hẳn một bên, ta có cảm giác như tháp đang từ từ đổ xuống.

Năm 1990, ngọn tháp đã phải đóng cửa không cho du khách tới tham quan và người ta lo ngại về nguy cơ sụp đổ của kỳ quan thế giới này.



Tháp Pisa – không chỉ là niềm tự hào của cả nước Ý mà còn là
tài sản vô giá của nhân loại. Ảnh: Theo VNPhoto.


Nhiều hội nghị được quốc tế công nhận bàn về công trình tưởng niệm lịch sử vô giá này yêu cầu phải bảo tồn đặt điểm cơ bản của tháp cùng với lịch sử và trình độ thủ công khéo léo

Mọi người khám phá ra rằng độ nghiêng tăng lên bởi các tảng đá xây nở ra và chèn ép lên nhau vì sức nóng của ánh sáng mặt trời. Đồng thời nền móng phía thấp cũng mềm hơn. Nhiều phương án đã được đề xuất để ổn định tháp.


Giải pháp tìm thấy là giảm bớt độ nghiêng của tháp ở mức độ nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng phải giảm ứng suất trong khối xây và ổn định chân móng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, phân tích và thử nghiệm trên quy mô rộng người ta chấp nhận phương pháp hút đất, bao gồm việc lắp đặt nhiều ống hút đất nằm kế chân móng và ngay bên dưới cạnh phía Bắc của chân móng.


Công việc hút đất diễn ra trong 2,5 năm; độ nghiêng của tháp giảm nửa độ. Nếu tháp bắt đầu nghiêng về hướng Nam có thể lặp lại quá trình hút đất ở một giai đoạn nào đó trong tương lai. Ngoài khâu hút đất, người ta cũng tiến hành gia cố một ít khối xây ở những điểm dễ bị hư hại nhất ở cạnh phía Nam.



Cảnh chụp thánh đường Pisa, cùng với tháp nghiêng phía sau.
Ảnh: Theo Kiến Trúc Thế Giới hiện đại.





Sự liên kết cáp an toàn tạm thời ở tầng thứ 3.
Những dây cáp này là đai an toàn để giữ cho
tháp khỏi đổ nếu có bất kỳ sai lầm nào trong xử lý.


Vào ngày 16/6/2001, sau 11 năm đóng cửa tu bổ và sửa chữa, tiếng chuông trên đỉnh tháp Pisa lại hân hoan ngân vang hoà cùng những trận mưa hoa và tiếng reo hò của người dân Italia đón chào sự hồi sinh của ngọn tháp nghiêng này.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố đã yêu cầu hạn chế lượng du khách lên đỉnh tháp là 30 người/lượt và thời gian tham quan không quá 45 phút.



Quả chuông trên tháp Pisa.
Ảnh: Theo Internet.


Tháp nghiêng Pisa có lẽ là bài toán khó giải nhất đối với các chuyên gia về bảo tồn, bảo tàng. Khó giải vì họ vừa phải làm sao cho tháp không bị nghiêng thêm, vừa phải không làm mất đi… độ nghiêng của tháp, một yếu tố quan trọng thu hút du khách.



Cả thế giới đang nỗ lực tu bổ và cầu nguyện
cho ngọn tháp đã đi vào huyền thoại này.


DiaOcOnline.vn tổng hợp