Top

Tín dụng nhà ở: Khó như gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 31/08/2013 08:47

So với các điều kiện tín dụng của gói vốn lãi suất 30.000 tỷ đồng, thì tín dụng nhà ở tại các ngân hàng khác hấp dẫn hơn.

 Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã được một số chủ dự án bất động sản kết hợp với không ít ngân hàng chào mời ở mức thấp, thậm chí còn cho vay 0%/năm trong giai đoạn đầu, song nhiều khách hàng mục tiêu vẫn e ngại.

Lãi suất giảm nhưng giá nhà vẫn cao, khiến tín dụng bất động sản hầu như không suy chuyển

Tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm xuống chỉ còn 9 - 10%/năm hoặc thấp hơn, một mức giảm lớn nếu so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng 15 - 20%/năm trở lên trong giai đoạn trước. Các ngân hàng cũng rộng cửa hơn đối với tín dụng nhà ở bên cạnh gói vốn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ. Thế nhưng, qua một thời gian triển khai các chương trình kích thích tín dụng, dư nợ tín dụng bất động sản tại các ngân hàng vẫn dẫm chân tại chỗ.

Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở quận 1, TP. HCM thừa nhận, muốn đẩy mạnh tín dụng nhà ở trong lúc này thực sự khó. Nguyên nhân là chi phí huy động vốn thực tế vẫn trên mức trần 7%/năm, nên lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân khó có thể giảm sâu như kỳ vọng. Còn mức 0%/năm dành cho cá nhân mua nhà ở cũng chỉ áp dụng trong thời gian ngắn 1 - 3 tháng đầu và không thể kéo dài hơn, do ngân hàng khó bù đắp chi phí.

 Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của NamA Bank cho biết, so với đầu năm, hiện nguồn vốn ngân hàng dành cho phát triển tín dụng nhà ở nhiều hơn. Lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà được ngân hàng áp dụng mức ưu đãi từ 0 - 10,5%/năm trong 6 tháng đầu và sau đó sẽ điều chỉnh theo diễn biến lãi suất thị trường. Thế nhưng, trong gần 2 tháng triển khai vừa qua, tín dụng cho vay mua nhà tại NamA Bank vẫn không khả thi và chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ.

ACB, Eximbank, Sacombank, HDBank… được xem là các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn cho vay mua nhà, lãi suất tương đối cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Trong đó, các chương trình liên kết với các chủ đầu tư để cung cấp vốn cho khách hàng mua nhà tại những dự án cụ thể luôn được ngân hàng ưu ái về lãi suất cho khách hàng khi có nhu cầu hỗ trợ tài chính để mua nhà. Đơn cử, tại HDBank áp dụng mức lãi suất 0%/năm cố định trong năm đầu giải ngân cho khách hàng vay mua căn hộ tại Dự án Dragon Hill Residence and Suites (Nhà Bè, TP. HCM).

 Lãi suất cho vay mua nhà đối với các dự án liên kết khác cũng được HDBank giảm dần xuống 8 - 9%/năm, đồng thời kéo giãn thời gian trả nợ cho khách hàng.

DaiABank vừa đưa ra 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi, lãi suất 9,9%/năm (trong 6 tháng đầu) dành cho các cá nhân, hộ gia đình vay để mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua xe ôtô… theo phương thức vay từng lần, hạn mức tối thiểu 200 triệu đồng.

 So với các điều kiện tín dụng của gói vốn lãi suất 30.000 tỷ đồng mà 4 nhà băng lớn đang triển khai thì tín dụng nhà ở tại các ngân hàng cổ phần khác cũng dần được nới, thậm chí nhiều điều khoản, thủ tục cho vay hấp dẫn hơn. Lãi suất cũng dần được điều chỉnh giảm để kích thích nhu cầu của khách hàng.

 Tuy nhiên, lãnh đạo HDBank cũng thừa nhận, đa số khách hàng cá nhân lúc này vẫn chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà mà chờ đợi lãi suất, giá bất động sản giảm thêm.

 Tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản (chủ yếu cho vay mua nhà) của HDBank đến thời điểm này cũng chỉ chiếm 8 - 9% tổng dư nợ, tăng chậm so đầu năm.

 ACB cũng cho biết, dư nợ tín dụng nhà ở của Ngân hàng trong hơn 7 tháng đầu năm nay chỉ nhích nhẹ và không kỳ vọng đột biến trong những tháng cuối năm.

 Nguyên nhân khiến nhà băng khó đẩy vốn cho bất động sản, theo đại diện một ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các khách hàng cá nhân cũng thắt chặt chi tiêu, càng thận trọng với quyết định mua nhà, cho dù lãi suất cho vay mua nhà giảm.

 Trong khi đó, theo nhận định của Kinh tế trưởng Dragon Capital, ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện giá bất động sản đã giảm khá mạnh và có những phân khúc giá đã về mức hợp lý. Tuy nhiên, đối với khách hàng cá nhân phải vay vốn ngân hàng để có một chỗ an cư, áp lực lãi suất vẫn là gánh nặng. Để có thể kích thích được cầu về tín dụng bất động sản, ông Tuấn cho rằng, điều kiện trước hết đó là lãi suất cho vay thực tế phải giảm.

 Trên thị trường hiện nay, có những nhà băng đưa ra mức lãi suất bằng 0%/năm, nhưng đó chỉ là phương thức chào mời khách hàng trong thời gian cực ngắn và sau đó nhanh chóng điều chỉnh tăng để bù đắp.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư