Top

Cho vay bảo đảm bằng động sản: Rủi ro và trở ngại

Cập nhật 30/08/2013 09:31

Cho vay bảo đảm bằng động sản vẫn còn không ít ngại ngần bởi cho vay trong lĩnh vực này còn chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Những kinh nghiệm, thông lệ quốc tế đã được chia sẻ tại Chương trình đào tạo quốc tế về cho vay có tài sản bảo đảm (TSBĐ) là động sản do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức, nhưng có vẻ như thị trường Việt Nam “đặc biệt” hơn so với thông lệ.

Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác nhìn chung đã tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, tạo điều kiện để ngân hàng nhận bảo đảm bằng động sản. Tuy nhiên, “vẫn còn không ít ngại ngần bởi cho vay trong lĩnh vực này còn chứa đựng rất nhiều rủi ro”, lãnh đạo VietBank nói.

Trở ngại từ nhiều phía

Gần đây nhất, một trường hợp khiến các ngân hàng cảm thấy “nhát tay” cho vay với tài sản bảo đảm là động sản là vụ Công ty TNHH Trường Ngân chuyên ngành nghề kinh doanh thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê có thế chấp kho hàng ở Bình Dương vay nợ 600 tỷ đồng từ 7 ngân hàng là MB, VIB, OCB, Agribank, Maritime Bank, Vietinbank, Techcombank. Rủi ro đã phát sinh khi tài sản đảm bảo cho khoản vay từ nhiều ngân hàng nói trên là kho cà phê xuất khẩu của Trường Ngân thực tế chỉ có khoảng 3.000 tấn cà phê xuất khẩu, trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Ở nhiều ngân hàng, cho vay có TS ĐB là động sản chỉ chiếm chưa đến 20% tổng dư nợ

Trước đó, SeABank, Vietinbank, VDB, Eximbank và ABBank đã nhận thế chấp kho cá đông lạnh của Công ty TNHH An Khang, có địa chỉ tại lô 2 - 9A2 - Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ. Nhưng khi tiếp cận kho hàng để tiến hành thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm, các ngân hàng mới phát hiện kho hàng chỉ còn toàn… thùng rỗng.

“Các vụ việc trên cho thấy, việc kiểm soát hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất khó khăn trong thực tế”, ông Đinh Trọng Nghĩa, Giám đốc Dịch vụ pháp lý, Khối Quản trị rủi ro của VIB nói.

Giám đốc một chi nhánh của Eximbank chia sẻ, Ngân hàng vẫn nhận thế chấp ô tô để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nhưng trong nhiều trường hợp, Ngân hàng không biết phải xử lý ra sao. Ví dụ: chủ sở hữu ô tô báo mất giấy chứng nhận đăng ký lưu hành để được cấp giấy chứng nhận khác, rồi dùng giấy chứng nhận mới để ký hợp đồng bán ô tô cho người khác. Trong trường hợp này, cả Ngân hàng và người mua ô tô thứ ba đều bị lợi dụng, trong khi pháp luật chưa có hướng giải quyết.

Tổng giám đốc một ngân hàng khác kể lại, ngân hàng ông nhận dây chuyền thiết bị hình thành trong tương lai của một DN làm tài sản thế chấp. Khi tài sản hình thành, DN tiếp tục dùng tài sản đó để thế chấp vay vốn tại một ngân hàng khác và giao hồ sơ, chứng từ gốc cho ngân hàng này. Khi DN không trả được nợ, giữa hai ngân hàng phát sinh tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và có toà án tuyên ngân hàng thứ hai được quyền ủy quyền cho Trung tâm bán đấu giá sử lý tài sản để thu hồi nợ do “giữ bản gốc các giấy tờ chứng minh sở hữu dây chuyền”.

Ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (NRAST), Bộ Tư pháp cho biết thêm, để có thể xử lý được tài sản bảo đảm và thu hồi nợ thì bên nhận bảo đảm thường phải lựa chọn con đường tố tụng (khởi kiện tại Tòa án). Kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm theo con đường tố tụng mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, qua nhiều cấp xét xử với nhiều quy trình tố tụng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm. Đặc biệt, trong nhiều vụ việc, tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện, nhưng vẫn không đảm bảo chắc chắn có thể xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tế.

“Mặc dù các chủ thể đều nhận thấy rõ giá trị kinh tế của động sản, nhưng cơ chế thực thi và bảo vệ quyền của chủ nợ nhận động sản làm tài sản bảo đảm trên thực tế rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đấy cũng chính là lý do dẫn đến hệ quả là các ngân hàng thường “ngại” nhận động sản, nhất là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh làm tài sản thế chấp. Nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi rằng, ngân hàng họ, kể cả thời điểm hiện nay, vẫn có đến 80% khoản vay sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp”, ông Đinh Trọng Nghĩa ở VIB nói.

Giải pháp nào?

Các lãnh đạo ngân hàng chung quan điểm, cần liên kết thông tin giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan đăng ký lưu hành phương tiện giao thông để ngăn chặn việc chuyển dịch phương tiện giao thông mà không có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm. Bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nợ có bảo đảm thực thi tốt nhất quyền năng của mình trên thực tế. Trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng vẫn phải đảm bảo khách quan, trung thực.

“Ngoài ra, cần phải thay đổi quan điểm lập pháp khi điều chỉnh hành vi của các bên ký kết hợp đồng bảo đảm, đó là áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; tăng cường cơ chế, biện pháp giúp ngân hàng dễ dàng tiếp cận tài sản để xử lý và nhanh chóng thu hồi nợ”, ông Nghĩa nói.

Ông Hồ Quang Huy cho biết, Bộ Tư pháp đang tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, đặc biệt là bằng động sản. Cụ thể, Bộ hiện đang nghiên cứu xây dựng Bộ luật Dân sự, dự kiến cuối năm 2014 sẽ trình Quốc hội Dự thảo mới trên cơ sở khuyến nghị của các chuyên gia. Trong đó, Bộ Tư pháp sẽ làm rõ các nội dung như giải pháp bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho bên nhận bảo đảm, giải quyết mối quan hệ giữa chủ nợ có bảo đảm với các chủ nợ khác… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản. Theo đó, Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ phê duyệt đề án tích hợp quản lý vận hành hệ thống lý dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm, giúp các ngân hàng dễ dàng tra cứu thông tin một cách thống nhất; hoàn thiện hơn tính năng của phần mềm đăng ký trực tuyến; áp dụng các phương thức nhằm nâng cao nhận thức về giao dịch bằng động sản…

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán