Các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt huy động vàng từ ngày 1-5. Vậy từ đó về sau, người dân sẽ gửi vàng ở đâu? Có thể các ngân hàng thương mại sẽ đứng ra huy động vàng cho Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 14-4, giá vàng đóng cửa ở mốc 43,32 triệu đồng/lượng (bán ra), buổi chiều mua vào chỉ còn 43,12 triệu đồng/lượng, giảm 330.000 đồng/lượng so với ngày đầu tuần. Đây cũng là mốc thấp nhất của giá vàng trong 3 tháng qua.
Ngân hàng “săn” khách gửi vàng
Dù giá vàng khá thấp nhưng ghi nhận từ thị trường cho thấy giao dịch khá trầm lắng. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết lượng người đến mua vàng rất ít. Giá vàng không còn lực hấp dẫn và đã qua thời “làm mưa làm gió” như trước đây.
Giới phân tích còn dự báo giá vàng trong nước sẽ khó biến động mạnh cho đến ngày 25-5 khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực. Bằng chứng là giá thế giới trong tuần qua biến động khá mạnh, có phiên tăng giảm hơn 20 USD/ounce (khoảng 500.000 đồng/lượng) nhưng trong nước chỉ điều chỉnh nhỏ giọt.
Trái với sự trầm lắng của giá vàng trên thị trường, lĩnh vực huy động vàng của các ngân hàng (NH) thương mại lại khá sôi động. Từ nhận gửi vàng tiết kiệm, các NH đang dần chuyển sang giữ hộ vàng có trả lợi tức cao để tiếp tục giữ chân khách hàng. Hiện mức lãi suất gửi vàng qua phát hành chứng chỉ ghi danh ngắn hạn của một số NH lên tới gần 4%/năm.
Nhiều NH đang huy động vàng bằng chứng chỉ, nhận giữ hộ vàng có lợi tức cao như Đông Á, Eximbank, ACB, Nam Á, SCB… Chị Mai Thanh, nhà ở quận 7 - TPHCM, kể: Gần đây chị liên tục nhận được điện thoại của nhân viên chi nhánh một NH trên đường Khánh Hội, quận 4 hối thúc đến gửi vàng. Nhân viên này cho biết: Gửi vàng ở NH này an toàn, lãi suất cao và được tư vấn các kênh đầu tư khác…
Đừng để dân cầm vàng mà chạy!
Một chuyên gia trong ngành vàng đề xuất: NH Nhà nước cần có hình thức huy động vàng hay hơn thay vì để người dân cầm vàng chạy từ NH này sang NH khác như hiện nay. Chẳng hạn, Nhà nước có thể phát hành các loại kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng… Đến ngày đáo hạn, người dân chỉ việc đem số chứng chỉ này đến NH lấy lãi hoặc cầm cố ở NH để lấy tiền khi cần.
“Nhà nước phải tạo ra một kênh đầu tư an toàn cho người dân mà không phải vàng vật chất. Các loại tín chỉ vàng, trái phiếu vàng… thực chất là chứng khoán hóa vàng giống như cổ phiếu. Đồng thời, thị trường thứ cấp - nơi giao dịch các loại tín chỉ, kỳ phiếu, trái phiếu… này - cũng cần được tạo điều kiện phát triển” – chuyên gia này nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: