Đã có tới hơn 30 cổ phiếu bất động sản tăng giá trong tuần qua |
Cổ phiếu bất động sản đã bật dậy dưới tác động của chính sách mới. Tuy nhiên, để cổ phiếu lĩnh vực này duy trì đà tăng, thì vẫn còn chờ thêm những động thái tích cực tiếp theo.
Ngày 10/4/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông báo làm xôn xao thị trường. Theo đó, từ ngày 11/4, ngoài việc hạ một loạt lãi suất (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất huy động), NHNN còn “cởi trói” cho tín dụng bất động sản (BĐS) theo hướng mở rộng cho vay với nhiều đối tượng, nhiều loại hình, bao gồm vay để mua bán nhà phục vụ mục đích đầu tư, để ở hoặc vay xây dựng BĐS để bán. Đặc biệt, các công trình xây dựng dở dang đều được loại trừ ra khỏi dư nợ cho vay BĐS.
Trước đó, trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-BTC (dự kiến sẽ áp dụng từ 1/6/2012 nếu được thông qua), NHNN cũng kiến nghị giảm hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống 150%. Các thông tin trên, cộng với thực tế tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2012 đang ở mức âm 2,13% cho thấy, dự địa cho vay BĐS còn khá lớn và “cửa” vay đã thực sự thông thoáng với người bán lẫn người mua.
Theo nhiều chuyên gia, nếu những chính sách trên được thực thi cùng lúc, người có tiền thay vì gửi tiết kiệm sẽ có động lực để gom mua BĐS giá rẻ. Người có nhu cầu nhà ở sẽ dễ tiếp cận vốn vay hơn. Bản thân DN đang thiếu vốn triển khai dự án cũng có hướng gỡ bí. Ngay ngân hàng cũng thuận lợi hơn trong thanh lý các tài sản BĐS cầm cố.
Những “ngòi nổ” tiềm ẩn trên thị trường BĐS ít nhiều đã được tháo gỡ. Sự bế tắc trong hoạt động của các DN BĐS cũng phần nào vơi đi. Quan trọng hơn, từ những động thái gỡ khó cho BĐS của NHNN, nhà đầu tư hy vọng, cơ hội mới sẽ đến với thị trường BĐS. Đây cũng là lý do chính để cổ phiếu BĐS “nổi sóng”.
Ngay sau khi có tin tức về sự “cởi trói” đối với BĐS, 35 trên tổng số 61 cổ phiếu BĐS niêm yết đã tăng, trong đó, giá cổ phiếu của BCI, CIG, DXG, HDG, HQC, LGL, NTL, SAM, STL, UDC, UIC, VNI, VPH, VRC liên tục tăng trần. Không chỉ tăng về giá, thanh khoản của cổ phiếu BĐS cũng tăng đáng kể, với khối lượng-giá trị giao dịch đều tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.
Sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu BĐS đã khiến nhiều nhà đầu tư hân hoan, nhưng giới quan sát lại nhìn diễn biến này với cái nhìn tỉnh táo hơn, bởi xét kỹ, dù các chính sách trên có áp dụng thì thị trường BĐS vẫn chưa hết khó.
“Sẵn sàng cho vay mới chỉ là mở một cánh cửa. Vẫn còn một cách cửa khác, quan trọng hơn chưa được mở, đó là lãi suất. Lãi suất cho vay phải hạ thì DN lẫn nhà đầu tư mới có động lực đi vay”, ông Vũ Ngọc Nam, Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần cổ phần Vạn Phát Hưng chia sẻ.
Theo ông Nam, lãi suất cho vay phải giảm về mức 15-16%/năm thì mới hấp dẫn nhà đầu tư vay mua, đầu tư BĐS.
Hiện tại, mặt bằng chung lãi suất cho vay BĐS là 19-20%/năm. Chừng nào chưa có sự mở nút thắt lãi suất, khó khăn trên thị trường BĐS vẫn còn và DN BĐS vẫn phải hoạt động dè chừng, đầu tư thận trọng và phải nghĩ cách, tính kế sao cho bán được hàng để có vốn xoay sở. Trong một bối cảnh như vậy, cổ phiếu BĐS chưa thể kỳ vọng sẽ tăng một cách ổn định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: