"Gói 30.000 tỷ đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ. Riêng thuốc về TP.HCM còn phải đợi xem xét, phê duyệt nên bệnh nhân chết là chắc chắn" - Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết.
30.000 tỷ đã thất bại
* Kể từ khi thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng cho đến nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ, điển hình là Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ ra đời. Theo đánh giá của ông, với những nỗ lực đó thì thị trường BĐS Việt Nam hiện nay đã có những chuyển biến tích cực chưa? Và nếu có thì như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đực: - BĐS hiện nay không hề có chuyển biến tích cực mà đang chìm dần. Có 2 bằng chứng chứng minh cho điều này. Thứ nhất là Công ty Quốc Cường Gia Lai đã phải thế chấp tài sản của bà Loan (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và con gái cho ngân hàng để tiếp tục sự nghiệp BĐS. Điều này chứng tỏ là Quốc Cường Gia Lai đã hết tiền mặt và không còn cách nào để có tiền ngoài việc dùng tài sản cá nhân để thế chấp. Thứ hai là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyên bố rút ra khỏi BĐS Việt Nam.
Hai đại gia BĐS hàng đầu của TP.HCM đã có tín hiệu một là rút quân, hai là tử thủ, tìm dòng tiền để bỏ vào. Điều này chứng tỏ, thị trường đã quá khắc nghiệt.
Rõ ràng đây là những dấu hiệu xấu dần và không có một tín hiệu nào tốt hết. Gói 30.000 tỷ đã thất bại.
* Nếu chỉ dựa vào việc Quốc Cường Gia Lai thế chấp tài sản để vay vốn và HAGL tuyên bố rút khỏi BĐS Việt Nam để khẳng định gói 30.000 tỷ và Nghị quyết 02 thất bại liệu có hợp lý không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực: Sở dĩ tôi nói vậy là vì cho đến nay đã gần 3 tháng triển khai gói 30.000 tỷ, và gần 8 tháng kể từ ngày Nghị quyết 02 ra đời, nhưng số lượng giải ngân cho người dân cũng chỉ vài chục tỷ. Và gói kích cầu này đã có nguy cơ cạn kiệt. Bởi vì những sản phẩm có thể được thì người dân đã mua và đã vay rồi, cho nên phần này đã gần như hết.
Nên phải nhìn nhận là những sản phẩm phù hợp đã không còn nữa, mà sản phẩm mới ra thì lại không có. Ví dụ như NOXH bắt đầu khởi công xây dựng thì chưa có thủ tục pháp lý. Một là đang xin phép, hai là như Hà Nội, làm buổi lễ tổ chức hoành tráng, nhưng tổ chức để lấy ngày, lấy tháng thôi chứ bản vẽ thiết kế chưa được duyệt, quy hoạch chưa được duyệt, bản vẽ thi công chưa được duyệt, kể cả giấy phép xây dựng làm lại cũng chưa được duyệt. Nội việc chờ đợi các thủ tục được duyệt ít nhất cũng mất 3 - 6 tháng. Nhưng sau đó cũng chưa được bán ngay, bởi vì phải làm xong móng mới được bán thì cũng mất thêm 3 - 6 tháng nữa. Vậy là phải mất thêm 1 năm nữa mới có sản phẩm mới.
Còn về việc chuyển đổi những căn hộ đã xây dở dang thành căn hộ nhỏ, là những sản phẩm có thể có ngay, nhưng Hà Nội thì ủng hộ, còn TP.HCM lại kiên quyết chống lại chuyện này. Do đó, sản phẩm phù hợp cho người dân hoàn toàn phẳng lặng, hoặc nếu có thì cũng phải rất lâu, ít nhất là 6 tháng đến 1 năm nữa.
Rõ ràng là Nghị quyết 02 đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ. Riêng thuốc về TP.HCM còn phải đợi xem xét, phê duyệt nên bệnh nhân chết là chắc chắn.
Ví dụ như TP.HCM có 14 dự án xin chuyển đổi căn hộ nhỏ, nhưng TP.HCM cố tình không giải quyết bất cứ dự án nào. Như vậy, về một mặt nào đó, TP.HCM không trung thành, không tuân thủ Nghị quyết 02.
Nghị quyết 02 là liều thuốc cuối cùng của BĐS, trong đó, tôi tin rằng việc chuyển đổi căn hộ mới là liệu pháp hữu hiệu nhất, chứ không phải gói 30.000 tỷ. Nhưng bây giờ 30.000 tỷ mới giải ngân được hơn 30 tỷ, còn chuyển đổi căn hộ lại bằng 0, đương nhiên chết là đúng rồi.
Theo tôi, đổ vỡ này không phải là đổ vỡ domino, có nghĩa là đổ vỡ dây chuyền, theo thứ tự trước sau, mà cái này là chết chùm. Ví dụ doanh nghiệp A chết có thể kéo theo doanh nghiệp E chết, F chết... tức là chết không theo thứ tự. Một doanh nghiệp chết kéo theo những doanh nghiệp liên đới tiếp theo. Chẳng hạn như đơn vị thi công chết theo, sàn bán sản phẩm chết theo, những doanh nghiệp liên kết, liên doanh cũng chết... Thành ra sự đổ vỡ của 1 dự án kéo theo nhiều doanh nghiệp liên can chết. Và vài doanh nghiệp liên can chết thì kéo thêm hàng chục doanh nghiệp khác chết, thành từng chùm, từng chùm, giống như bom bi nổ vậy.
* Theo như đánh giá của ông, phải 6 tháng đến 1 năm nữa mới có nguồn cung NOXH cho người dân. Vậy liệu đến thời điểm đó, BĐS Việt Nam còn có hy vọng phục hồi và ấm dần lên không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Theo tôi thì không thể ấm lên được. BĐS Việt Nam đang kiệt sức dần. Và đến 6 tháng - 1 năm nữa thì nó sẽ kiệt quệ, đổ vỡ rất lớn, mà tôi lo sợ nhất là sẽ đổ vỡ chùm. Một thằng nổ thì hàng chục thằng chết, hàng chục thằng chết thì kéo theo hàng chục, hàng chục thằng nữa. Nó sẽ tính theo cấp số nhân, một viên đạn bi nổ thì năm ba người chết.
Thành ra, đánh giá của Bộ Xây dựng rất chủ quan và không chính xác. Còn đánh giá của UBND TP.HCM vẫn dửng dưng, không có một động thái gì. Còn 6 tháng đến 1 năm nữa thì sản phẩm chưa chắc đã có. Cái sản phẩm có rồi thì không cho cơ cấu lại, vừa nhanh, vừa không tốn kém. Đằng này lại đổ tiền vào làm những cái hoàn toàn mới. Cực kỳ vô lý, đi ngược lại Nghị quyết 02, và Nghị quyết 02 coi như đã thất bại.
* Theo ông, với tình hình như hiện nay thì đã có thể khẳng định được BĐS đổ vỡ chưa?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Có thể nói tại thời điểm này, có những dấu hiệu vô cùng rõ nét của việc BĐS sụp đổ và Nghị quyết 02 thất bại.
Gói 30.000 tỷ và Nghị quyết 02 đã thất bại. Cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có biến động gì.
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: