Top

Tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng, DN phải có thực lực

Cập nhật 21/08/2013 16:52

Sau hơn 8 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP và gần 3 tháng các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, đến nay, đã có 208 hộ gia đình, cá nhân được vay vốn mua nhà trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với tổng số tiền 49 tỷ đồng và 1 DN được giải ngân.

 Sẽ lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn vay vốn cho DN

 Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, kể từ khi Thông tư số 02/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được ban hành đến nay, Bộ Xây dựng đã có 2 danh sách giới thiệu 59 DN có dự án nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đủ điều kiện được vay nguồn vốn ưu đãi. Việc xây dựng danh sách đủ điều kiện vay, theo ông Nam, được Bộ Xây dựng xét trên 3 tiêu chí: thứ nhất là có dự án về nhà ở thu nhập thấp đã được phê duyệt; thứ hai là có đất sạch, đã được giải phóng mặt bằng; thứ ba là có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Tổng số vốn đề xuất cho vay với 59 dự án trên là hơn 5.000 tỷ đồng.

 “Cho đến nay, theo thông tin tôi mới nhận được, Ngân hàng Nhà nước mới xác nhận vốn vay cho 2 DN ở TP. HCM và Huế, trong đó mới có 1 DN được giải ngân”, ông Nam nói và nhấn mạnh, việc của các ngân hàng là thẩm định tính hiệu quả của dự án cũng như năng lực tài chính, phương án trả nợ của chủ đầu tư, trên cơ sở đó quyết định cho vay hay không.

 Ông Nam cũng khuyên các chủ đầu tư nhà ở xã hội cần chuẩn bị thật tốt hồ sơ vay vốn, để có thể thuyết phục được ngân hàng về tính hiệu quả, khả thi của dự án. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập các tổ công tác tháo gỡ các khó khăn của ngân hàng và DN trong quá trình thẩm định và cho vay.

 DN phải có vốn đối ứng

 Một trong những vướng mắc về phía DN khi vay vốn hiện nay là tài sản thế chấp. Chia sẻ khó khăn này với DN, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện các cái quy định về điều kiện thế chấp khi vay tiền ngân hàng được quy định trong luật tín dụng, bắt buộc các DN đi vay tiền ngân hàng phải có thế chấp.

Để tháo gỡ, Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp các DN có thể dùng tài sản sau vốn vay để thế chấp. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, nên không thể dùng quyền sử dụng đất để thế chấp. Còn nếu như DN dùng tài sản hình thành trên đất để thế chấp thì người mua nhà không thể dùng tài sản này để thế chấp vay vốn.

 Để giải quyết vấn đề này, ông Nam cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản mới đây đã giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước họp bàn, có giải pháp hướng dẫn các ngân hàng và chủ đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án kinh doanh, kể cả kinh doanh nhà ở xã hội, các DN cũng cần phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định về năng lực tài chính, đặc biệt phải có vốn đối ứng bằng 30% tổng mức đầu tư cho dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán