Top

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì trong năm 2012?

Cập nhật 26/01/2012 09:10

Chưa có năm nào, Ngân hàng Nhà nước lại phải dùng đến kỷ luật sắt để ổn định thị trường như 2011, nhưng nhờ đó, đã thành công bước đầu trong việc ổn định lãi suất, tỷ giá và nề nếp hoạt động của hệ thống.

Bước sang 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm những gì với trận đồ đã hé lộ một phần ở năm cũ?


 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Bình ổn tỷ giá là một trong
những thành công đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2011

Giải pháp mạnh

Kết thúc năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang từ mức tăng 6,52% của năm 2009 bỗng vọt lên 11,75%. Hết hai quý đầu năm 2011, chỉ số CPI không những không được cải thiện mà còn gia tăng đáng kể với mức 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2011, thắt chặt tiền tệ gần như trở thành giải pháp duy nhất để kiềm chế lạm phát và Ngân hàng Nhà nước buộc phải hành động theo cách của mình.

Đầu tiên, vào ngày 8/3/2011, nhà điều hành nâng lãi suất tái chiết khấu từ mức 7%/năm (được áp dụng từ 5/11/2010) lên 12%/năm và đến 1/5/2011, nâng tiếp lên 13%/năm.

Thứ hai, đối với lãi suất tái cấp vốn, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước tiến hành 5 lần điều chỉnh: ngày 17/2, điều chỉnh từ mức 9%/năm lên 11%/năm; ngày 8/3 lên 12%/năm; ngày 01/4 lên 13%/năm; ngày 1/5 lên 14%/năm và ngày 10/10 lên 15%/năm.

Thứ ba, nhà điều hành thu hẹp quy mô giao dịch trên thị trường mở (OMO). Nếu như trước đây, ngân hàng mang giấy tờ có trị giá 10 nghìn tỷ đồng lên giao dịch thì có thể thắng thầu khoảng 80% - 90%, thậm chí cả 100% nhưng ở nhiều thời điểm trong năm 2011, tỷ lệ đấu thành công chỉ 20% - 30%.

Sự “keo kiệt” của Ngân hàng Nhà nước không chỉ ở thu hẹp khối lượng giao dịch mà còn được kết hợp với gọng kìm lãi suất tái chiết khấu cao vời vợi như nói trên đã làm cho thanh khoản của những ngân hàng yếu kém liên tục lâm vào bĩ cực.

Thứ tư, nhà điều hành kiên quyết thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ bằng chứng vi phạm và tiến hành xử lý nghiêm những ngân hàng lách trần lãi suất như HDBank, DongA Bank và Agribank. Hàng chục cán bộ của các ngân hàng này đều bị kỷ luật dưới nhiều hình thức như cách chức, cấm đảm nhiệm chức vụ trong ngành ngân hàng từ 2 - 3 năm, điều chuyển khỏi vị trí công tác cũ; ban hành văn bản cảnh cáo chủ tịch hội đồng quản trị, ban điều hành ngân hàng; đồng thời, trong vòng một năm, những ngân hàng này còn bị cấm mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước còn đăng tải rộng rãi hành vi vi phạm trên cổng thông tin điện tử của ngành, trở thành nỗi ám ảnh cho bất cứ tổ chức tín dụng nào muốn phạm vào luật chơi.

Tất cả những hành động cứng rắn đó đã mang về cho Ngân hàng Nhà nước nhiều thành quả mà đầu tiên là giảm mức cung tiền ra nền kinh tế, chỉ tiêu “tăng trưởng tín dụng dưới 20%” không cần nỗ lực cũng vượt kế hoạch với mức tăng chỉ 13%, góp phần đáng kể vào việc kiềm chế lạm phát.

Cùng đó, trật tự kỷ cương hoạt động ngân hàng vốn quá lộn xộn trong nhiều năm trước đã được thiết lập trở lại. Ngoài ra, qua việc siết chặt trần lãi suất tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước đã triệt tiêu yếu tố cạnh tranh, đẩy những ngân hàng kém thanh khoản lộ diện nhanh hơn và trở nên yếu ớt hơn. Và đó là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước tính tiếp bài toán tái cơ cấu.

Thế trận liên hoàn

Đối với lĩnh vực điều hành tỷ giá, 2011 tiếp tục là năm bất ổn của việc bình ổn thị trường ngoại hối.

Đầu năm 2011, sau một năm đánh vật với việc kiềm chế tỷ giá dưới mức giao dịch trung thực của thị trường, ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước tiến hành một bước nhảy điều chỉnh tỷ giá tới 9,3% nhưng lại giảm biên độ giao dịch từ +/- 3% xuống +/- 1%.

Nếu như ở các năm trước, Ngân hàng Nhà nước thường bất ngờ điều chỉnh tỷ giá, thậm chí với ngay cả khi thị trường chưa xuất hiện kỳ vọng tỷ giá tăng thì lần này, nhà điều hành muốn gửi đi một thông điệp rất rõ ràng và tương đương một lời cam kết: chỉ tiêu điều chỉnh tỷ giá của 2011 chỉ có thế!

Thực ra, qua theo dõi sự biến động giá trị giữa VND và USD trong nhiều năm qua, gần như năm nào, VND đều mất đi khoảng 10% giá trị so với đồng USD. Bởi thế, động thái trên xét đến cùng, không có gì bất ngờ. Sự khác biệt ở đây chính là thái độ và cách ứng xử của Ngân hàng Nhà nước trở nên nhất quán và khác với kiểu “đánh úp” tỷ giá như trước mà thôi.

Xung quanh câu chuyện ổn định tỷ giá của năm 2011, có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đã bày sẵn một thế trận liên hoàn.

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước cố tình làm khan tiền đồng (tăng lãi suất chủ chốt, thu hẹp quy mô giao dịch OMO) và hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng để kiềm chế lạm phát. Sau đó, mặc dù “khua chiêng, gõ trống” xử lý nghiêm vi phạm trần lãi suất tiền gửi VND 14% nhưng thực tế, nhà điều hành lại làm ngơ cho tổ chức tín dụng huy động tới 17% - 19%/năm. Điều này vừa giúp cho các đơn vị khó khăn đỡ ngột ngạt thanh khoản, vừa tạo nên sự hấp dẫn của tiền đồng so với USD.

Thêm một động tác kỹ thuật nữa, đầu tháng 5/2011, Ngân hàng Nhà nước ép lãi suất tiền gửi USD cho tổ chức và cá nhân ở mức không được vượt quá 3%/năm và nâng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ thêm 2% (từ 4% lên 6% trên tổng số dư tiền gửi).

Những biện pháp này làm cho người nắm giữ tiền thấy rất rõ lợi ích nếu nắm giữ VND do chênh lệch lãi suất “đô - đồng”.

Lúc này, những người nắm giữ USD bắt đầu bán ra và Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua nhưng mua theo chiến thuật “nhử mồi”: đang mua, đột nhiên dừng lại hoặc vừa mua, vừa ép giá. Với cách đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm cho VND trở nên có giá trị hơn.

Trong khoảng tháng 5 và tháng 6/2011, rất nhiều ngân hàng thương mại mua được ngoại tệ của giới găm giữ và có nhu cầu bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước nhưng không phải muốn bán là Ngân hàng Nhà nước mua ngay.

Chiến thuật này của Ngân hàng Nhà nước lập tức có hiệu quả: nhiều thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu tổ chức này phải kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép giao dịch hoán đổi nội - ngoại tệ giữa ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước để giải tỏa cơn khát tiền đồng và đẩy bớt số ngoại tệ họ đang nắm giữ.

Một nguồn tin của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hết quý 3/2011, đơn vị này đã mua được trên 6 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối.

Ở một mặt trận khác của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước liên tục hối thúc Bộ Công Thương phải có các giải pháp kiềm chế nhập siêu mà cụ thể là ban hành danh mục hàng hóa bị hạn chế nhập khẩu.

Kết quả là nhập siêu 9 tháng năm 2011 ước tính 6,9 tỷ USD, bằng 9,8% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố vàng thì nhập siêu hàng hóa chín tháng năm nay ước tính 7,7 tỷ USD, bằng 11,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, thấp xa so với mục tiêu 16% tại Nghị quyết 11/NQ-CP.

Tháng 9/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại cuộc họp toàn ngành ngày 7/9 tuyên bố: “Từ nay đến hết năm, nếu điều chỉnh tỷ giá, sẽ không quá 1%!”

Tất nhiên, để lời cam kết 1% kia thành hiện thực, vị tân Thống đốc đã không ngần ngại thẳng tay xử lý hành vi mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường tự do, kể cả việc niêm yết giá ngoại tệ trái phép cũng bị xử lý.

Cụ thể, ngày 23/11, Ngân hàng Nhà nước xử phạt công ty Ngọc Long 100 triệu đồng, tịch thu 12.195 USD; xử phạt 50 triệu đồng doanh nghiệp tư nhân vàng Mỹ Phương vì mua bán ngoại tệ trái phép; xử phạt Đại học FPT 500 triệu đồng do niêm yết quảng cáo học phí bằng ngoại tệ.

Có thể nói, bình ổn tỷ giá là một trong những thành công đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2011.

Làm gì trong năm 2012?

Tại cuộc họp tổng kết năm 2011, Ngân hàng Nhà nước dự kiến khá nhiều hoạt động trong năm tới nhưng có một số nội dung trọng tâm đáng chú ý.

Thứ nhất, tiếp tục kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng trong khoảng 14% - 16%, tín dụng tăng trưởng khoảng 15% - 17%.

Điều này cho thấy, chính sách tiền tệ năm tới vẫn ưu tiên cho kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, nếu thị trường chưa ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa từ bỏ trần lãi suất tiền gửi, thậm chí, có thể áp trần lãi suất tiền vay. Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND và lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ giữ nguyên như năm 2011.

Thứ hai, đối với điều hành tín dụng, một điểm mới được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong năm 2012 là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt năm tối đa từ 15% - 17%.

Cùng đó, nhà điều hành sẽ phân loại các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm: nhóm A: hoạt động lành mạnh; nhóm B: hoạt động ở mức trung bình; nhóm C: hoạt động dưới mức trung bình; nhóm D: hoạt động yếu kém.

Dựa trên cơ sở phân loại nhóm, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng biệt, không cào bằng như năm 2011.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên trì theo đuổi việc chuyển đổi cơ cấu tín dụng hướng nhiều hơn vào khu vực sản xuất và kiểm soát chặt chẽ tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý.

Trên thực tế, đoán biết được “ý tứ” của Ngân hàng Nhà nước trong vấn đề này, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã tích cực dành một cơ số vốn khá lớn tập trung cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khu vực nông thôn. Riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dành tỷ trọng tín dụng cho “tam nông” lên mức 70% - 80%/tổng vốn huy động.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ- Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để sắp xếp lại hoạt động của thị trường này theo hướng tăng vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước ở mức cao hơn so với hiện nay.

Thứ tư, triển khai toàn diện và đồng bộ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy