Top

10 nhất của cổ phiếu bất động sản

Cập nhật 17/01/2012 11:40

Dưới đây là 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết được xếp loại "nhất" theo nhiều tiêu chí.

Theo tiêu chuẩn ICB và báo cáo tài chính tính đến quý III/2011 của các DN BĐS, có 69/694 CP niêm yết được xếp vào ngành BĐS. 10 DN trong số này được xếp loại "nhất" như sau:

HAG: DN có lợi nhuận 9 tháng cao nhất

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) hoạt động đa lĩnh vực. Tuy nhiên, hoạt động BĐS là một mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho HAG. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của HAG, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2011 của công ty mẹ đạt 903 tỷ đồng. Đây là DN có lợi nhuận cao nhất trên sàn niêm yết.

VIC: DN có tổng tài sản lớn nhất

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2011, tổng tài sản của CTCP Vincom (VIC) lên tới 33.289 tỷ đồng. Đây là DN có tổng tài sản lớn nhất trên sàn hiện nay. Tuy nhiên, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2011 của VIC chỉ đạt 575 tỷ đồng, một mức khá khiêm tốn so với vốn chủ sở hữu là 6.254 tỷ đồng. Sắp tới VIC và VPL sẽ hợp nhất thành Vingroup, với quy mô mới có vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng và là DN có vốn hóa lớn nhất trên sàn. VIC cũng là CP có thị giá cao nhất trên sàn hiện nay với giá 99.500 đồng/CP.

VIC: DN có lợi nhuận tăng nhiều nhất

Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2011 của VIC đạt 575 tỷ đồng tăng 202,84% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng mạnh là do lợi nhuận cùng kỳ năm trước ở mức rất thấp. DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS cao cấp này hiện đang có rất nhiều dự án lớn. Theo báo cáo tài chính quý III/2011, hàng tồn kho của VIC lên tới 10.131 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, còn BĐS đầu tư lên đến 3.589 tỷ đồng.

IDV: CP tăng giá nhiều nhất


Trong số 69 CP BĐS đang niêm yết chỉ có 2 CP tăng giá trong năm 2011. Trung bình tất cả các cổ phiếu giảm 53% so với hồi đầu năm. Còn IDV (CTCP Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc) tăng tới 28% trong năm 2011. Tuy nhiên, IDV chỉ là một DN nhỏ, với khối lượng CP niêm yết là 3,52 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch trong năm 2011 chưa đạt 1.000 CP/phiên.

RCL: EPS 9 tháng cao nhất

CTCP Địa ốc Chợ Lớn (RCL) là DN có EPS 9 tháng cao nhất. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2011, chỉ số EPS của RCL đạt 4.911 đồng. Nếu tính lũy kế 4 tháng gần nhất thì EPS lên tới 8.318 đồng.

ITC: DN thua lỗ nhiều nhất

Tính đến quý III/2011, có 6 DN BĐS thua lỗ, chiếm 8,70%, còn chỉ tính riêng trong quý III/2011, con số này lên tới 14, chiếm 20,29%. Thua lỗ nhiều nhất là ITC (CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Intresco) với mức thua lỗ trong 9 tháng lên đến 81 tỷ đồng. ITC thua lỗ lớn do doanh thu sụt giảm mạnh và chỉ đạt 107 tỷ đồng, giảm mạnh so với 535 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho của ITC đang ở mức 1.773 tỷ đồng. Trong năm 2011, cổ phiếu ITC mất hơn 70% giá trị.

PVR: DN có doanh thu ít nhất

Đơn vị có doanh thu thấp nhất là CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu Khí Việt Nam (PVR). Doanh thu của PVR đến hết quý III/2011 chỉ đạt 1,89 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu là 581 tỷ đồng và tài sản lên tới 1.082 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là quý đầu tiên kể từ năm 2007 đến nay PVR ghi nhận doanh thu từ hoạt động.

VNI: DN có vốn hóa nhỏ nhất

CTCP Đầu tư BĐS Việt Nam (VNI) được xem là DN có giá trị thị trường "tí hon" trên sàn. Với mức giá kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011 là 3.900 đồng/CP và số lượng CP đang lưu hành là 10,36 triệu thì vốn hóa thị trường của VNI chỉ vỏn vẹn 40,4 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với vốn điều lệ của Công ty là 100,36 tỷ đồng.

HQC: DN có giá CP giảm nhiều nhất

Đó là CTCP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC). Năm 2011, giá cổ phiếu HQC mất hơn 88%, từ mức giá 38.600 đồng/CP hồi đầu năm vào phiên giao dịch cuối cùng của năm chỉ còn 4.700 đồng/CP. Biến động giá CP HQC trong năm 2011 rất mạnh. Sau cú tăng mạnh lên đỉnh 48.100 đồng/CP vào ngày 8/2/2011 đã liên tục lao dốc. Nhà đầu tư đang quay lưng với CP này (dù giá CP chỉ bằng 50% so với EPS 4 quý gần nhất và thị giá chỉ bằng 24% giá trị sổ sách).

VPH: DN có P/B nhỏ nhất

CP giữ kỷ lục về tỷ lệ thị giá trên giá trị sổ sách nhỏ nhất là VPH (CTCP Vạn Phát Hưng). VPH có tổng tài sản lên tới 1.656 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2011, giá cổ phiếu VPH chỉ còn 4.200 đồng/CP, giảm 80,56% so với hồi đầu năm. Với mức giá này, P/B của VPH chỉ còn 0,22, mức thấp nhất trong các DN BĐS. Hiện tại, có tới 14 trong số 69 CP BĐS có P/B nhỏ hơn 0,3.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng