Quy hoạch đô thị, cấp đất cho dự án nhằm mục đích tổ chức lại không gian sống đô thị, phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường sống bền vững. Tuy nhiên, chính vì những đồ án quy hoạch thiếu khả thi, dự án thiếu vốn, đang đặt ra những thách thức về quản lý và mang đến nỗi bức xúc cho người dân.
Quy hoạch nhiều, “treo” nhiều
10 năm nay, quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra khá nhanh với hàng ngàn dự án hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng được cấp phép. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trong giai đoạn 2003-2011 có 1.361 dự án được giao đất với tổng diện tích hơn 15.000ha.
Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ở hơn 37%, sản xuất kinh doanh hơn 38% và công trình công cộng hơn 24%. Trung bình mỗi năm, TPHCM giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 260 dự án với diện tích 2.000ha.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, công tác lập quy hoạch đòi hỏi phải đi trước một bước nhằm cụ thể hóa các chính sách phát triển, dựa trên tiềm năng lợi thế của từng khu vực.
Theo các nguồn báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận, huyện, Ban quản lý khu đô thị và các tổ chức lập quy hoạch, tổng số đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trên toàn địa bàn TP là 629. Đồ án hiện đang quản lý (không điều chỉnh và lập mới) 342; đồ án đã nghiên cứu xong 287 (trong đó 101 đồ án cần điều chỉnh và 186 lập mới).
Trong 287 đồ án này, TP đã phê duyệt 80, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang thẩm định 72 (dự kiến trình TP phê duyệt vào ngày 15-7) và 135 đồ án đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận, huyện sửa chữa, hoàn thiện để thẩm định và trình TP phê duyệt trước 30-9-2013.
Một góc khu Bình Quới - Thanh Đa, không khác gì ở nông thôn. Ảnh: LONG THANH
|
Theo quy định chỉ thu hồi dự án treo có tỷ lệ bồi thường dưới 50%. Nhưng hiện nay trên địa bàn quận 2 có nhiều dự án đã bồi thường và thu hồi đất trên 50% nhưng vẫn bị treo, đang gây khó cho người dân trong vùng dự án có nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nặng. Vì vậy, UBND TP cần cho phép người dân sửa chữa theo hiện trạng hoặc được xây dựng tạm để ổn định cuộc sống. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2 |
Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 HĐND khóa VIII tháng 10-2012 đã đề ra nhiệm vụ rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi và năng lực của nhà đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch của từng dự án có sử dụng đất để xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng dự án “treo”.
Trên tinh thần đó, UBND TP đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, ban ngành rà soát và đề xuất hướng xử lý đối với dự án chậm tiến độ. Đáng lưu ý, TP sẽ gia hạn chấp thuận địa điểm lần cuối đến hết ngày 31-12-2013 đối với dự án có tỷ lệ bồi thường giải tỏa đạt 50% diện tích đất trở lên, với điều kiện chủ đầu tư cam kết tiến độ. Những dự án bồi thường dưới mức 50% sẽ cương quyết thu hồi.
Theo báo cáo về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TPHCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết trong tháng 6 này sẽ “khai tử” hơn 120 dự án “treo” và 41 dự án khác đang được xem xét để có biện pháp cứng rắn.
Đây là những dự án được triển khai trong thời gian thị trường bất động sản lên cơn sốt và đến nay vẫn còn nằm trên giấy do năng lực chủ đầu tư yếu kém, gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Các quận, huyện dẫn đầu về dự án “treo” bị “trảm” trong đợt này gồm huyện Bình Chánh, các quận Tân Phú, 2, 7, 9.
Cụ thể, với các dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư: Trong tổng số 471 dự án phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh, phúc lợi công cộng (4.287ha), có 77 dự án (959ha) tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích do chủ đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp hoặc dự án không khả thi, TP đã tiến hành thu hồi, chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư.
Đối với dự án có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Đây là những dự án đặc thù, quy mô diện tích lớn với mục tiêu góp phần chỉnh trang đô thị, nhưng chủ đầu tư thường gặp khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, ngoài kiên quyết thu hồi giấy phép những dự án có tỷ lệ bồi thường dưới 50% diện tích, dự án không khả thi, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện có biện pháp hỗ trợ chủ đầu tư các dự án phúc lợi công cộng. Bởi đây là những dự án phần lớn sử dụng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước.
Những dự án này được xem xét gia hạn một lần cuối đến tháng 12-2013. Theo đó, chủ đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ bồi thường từ 50% trở lên, phải chứng minh năng lực thực hiện, có kế hoạch thực hiện với thời gian, tiến độ cụ thể hợp lý và khả thi. Nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý theo quy định.
Lối thoát nào cho hàng ngàn hẻm “treo”?
TP đã chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn quận, huyện rà soát tính khả thi các dự án mở rộng đường, hẻm. Từ đó đề xuất cái nào giữ nguyên, cái nào điều chỉnh hoặc xóa để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bởi thực tế các dự án mở rộng đường, hẻm ở khu vực trung tâm TP rất khó làm đúng theo quy hoạch. Đối với những tuyến đường giữ nguyên quy hoạch, nhưng chưa có lộ trình thực hiện, người dân được cấp phép xây dựng. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM |
Tình trạng quy hoạch lộ giới hẻm thiếu khả thi, kéo dài hàng chục năm, cũng đang là nỗi bức xúc của người dân đô thị. Năm 2007, UBND TPHCM ban hành Quyết định 88/2007, quy định chuẩn lộ giới hẻm, nhằm chỉnh trang hàng ngàn con hẻm trên địa bàn. Nhưng từ đó đến nay, rất ít hẻm được chỉnh trang, chủ yếu là cắm biển quy hoạch rồi… để đó, gây phiền phức cho người dân.
Theo số liệu thống kê, quận 10 có khoảng 1.500 hẻm, quận Bình Thạnh có khoảng 3.000 hẻm, quận 1 khoảng 600 hẻm, quận Phú Nhuận cũng có khoảng 1.000 tuyến đường, hẻm được quy hoạch lộ giới từ năm 1998.
Nếu tạm tính trung bình mức đầu tư cho một hẻm tốn khoảng 5 tỷ đồng, quận 10 cần khoảng 7.500 tỷ đồng, quận Bình Thạnh khoảng 15.000 tỷ đồng, quận 1 khoảng 3.000 tỷ đồng, quận Phú Nhuận trên 5.000 tỷ đồng. Số tiền này không nhỏ và các địa phương không biết lấy kinh phí ở đâu để thực hiện.
Trao đổi với ĐTTC, ông Trà Đức An, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho biết: “Số lượng hẻm trên địa bàn quận khá lớn. Theo chủ trương của TP, để đầu tư mở rộng hẻm, quận chủ yếu áp dụng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, Nhà nước chịu kinh phí đầu tư hạ tầng, người dân hiến đất. Tuy nhiên, việc vận động người dân hiến đất không dễ, ngân sách dành cho đầu tư mở rộng hẻm cũng có giới hạn, chưa phải thuộc diện ưu tiên, vì thế số lượng hẻm được mở rộng theo lộ giới quy hoạch không nhiều, thậm chí trong 2 năm qua không có hẻm nào được mở rộng”.
Trong việc quy hoạch hẻm đã xảy ra nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Như hẻm 207 đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh dài 24,4m, nhiều đoạn rộng 3,3m, người dân ở đây cho biết địa phương yêu cầu các hộ… nhích vào cho đạt chuẩn 3,5m. Theo đó, để mở rộng hẻm này mỗi bên phải giải tỏa… 10cm.
Hoặc trên đường Bạch Đằng (phường 14, quận Bình Thạnh) dài khoảng 500m, có nhiều con hẻm được cắm biển “lộ giới hẻm dự kiến”. Đặc biệt hẻm 280 Bạch Đằng rộng trên 4m, xe ô tô ra vào dễ dàng, nhưng để đạt chuẩn 4,5m cho con hẻm dài 50-100m, cơ quan quy hoạch đã vẽ thêm 0,5m, yêu cầu người dân xây nhà thụt vào để đủ chuẩn. Nhiều người dân cho biết những quy hoạch lộ giới hẻm kiểu này không phải hiếm, đang gây nỗi bức xúc nên cần kiên quyết rà soát, xóa bỏ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: