Top

Lập quy hoạch không phải quá trình tĩnh

Cập nhật 23/07/2008 13:00

Với thâm niên hàng chục năm làm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, ông Tom Wright chia sẻ những kinh nghiệm quy hoạch Hà Nội.

* Ý kiến của ông thế nào về kế hoạch mở rộng Hà Nội?

- Tôi chỉ ở đây vài ngày nên việc nói rằng thủ đô Việt Nam sẽ như thế nào thì thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, là nhà quy hoạch thì phải xác định rõ các vấn đề mà cộng đồng đang đối mặt, sau đó giải quyết về những vấn đề này theo đúng quy mô mà chúng tồn tại.

Việc mở rộng địa giới Hà Nội là điều hợp lý vì chúng ta có cơ hội giải quyết các thách thức, nhưng quan trọng là phải duy trì những nét đặc biệt khiến HN đẹp và đặc biệt như vậy.

Theo một cách nào đó, người ta nói HN và London là các thành phố láng giềng bởi có những đặc điểm làm người ta yêu mến. HN có những công viên và hồ đẹp, khu dân cư và phố xá đẹp, thì quá trình quy hoạch phải nhận diện được và bảo vệ những đặc điểm làm cho thành phố đẹp như vậy.

* Ông có gợi ý gì cho các chính quyền Hà Nội, TPHCM khi phát triển đô thị ở hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước?

- Cái cần giữ ở mỗi thành phố là các đặc điểm lịch sử. Ở Mỹ có khái niệm "tái sử dụng mang tính thích ứng". Chúng tôi bảo tồn các toà nhà nhưng không nhất thiết phải giữ nguyên mục đích sử dụng ban đầu. Tôi hy vọng quy hoạch HN và TPHCM sẽ xác định được những quận có giá trị lịch sử và giữ lại được giá trị đó.

Về sai lầm cần tránh, một bài học từ Mỹ là chúng tôi đã quy hoạch quá nhiều không gian cho ôtô. Mỹ có quá nhiều tuyến đường được thiết kế để ôtô chạy 50km/h nhưng bây giờ chúng tôi lại phải thiết kế lại để chúng dành cho hoạt động của con người nhiều hơn, chứ không phải ôtô. Tôi nghĩ VN nên lưu ý vấn đề này.

* Xin ông cho biết kinh nghiệm tốt nhất để phối hợp việc quy hoạch đô thị và quản lý thị trường bất động sản?

- Phức tạp nhất khi lập quy hoạch là khối tư nhân có thực hiện những gì được quy hoạch không. Chúng ta có thể lập bản đồ đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra quy hoạch khu vực theo mục đích sử dụng,... nhưng suy cho cùng, khu vực tư nhân mới là người quyết định kế hoạch đó có được thực hiện hay không.

Để lập quy hoạch thành công, phải cân đối giữa lợi ích của công chúng và khối tư nhân để họ tham gia vào quy hoạch.

Thực tế vì nếu tạo quy hoạch mà khối tư nhân không muốn đầu tư thì sẽ không đạt được điều gì cả. Bất cứ khi nào chúng tôi lập quy hoạch ở Mỹ, chúng tôi luôn đảm bảo có sự tham gia của đại diện các ngành công nghiệp, cơ quan phát triển bất động sản và các ngành khác của khu vực tư nhân, họ sẽ nói với chúng tôi họ muốn quy hoạch ra sao thì họ mới đầu tư.

Chúng ta cũng phải dũng cảm thay đổi kế hoạch. Đôi khi, lập quy hoạch rồi nhưng khối tư nhân không đầu tư, thì phải thay đổi, hoặc ngược lại nếu tư nhân ồ ạt đầu tư vào thì cũng phải hạn chế lại. Lập quy hoạch không phải là quy trình tĩnh mà luôn phải thay đổi.

Theo Lao Động