Top

Đưa chung cư mini vào diện quản lý

Cập nhật 29/06/2010 08:30

Từ 8/8, các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên mà mỗi tầng có ít nhất 2 căn hộ thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71 chính thức đưa chung cư tư nhân gây xôn xao dư luận một thời vào diện quản lý. Theo đó, nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250 m2 trở lên hoặc có chiều cao từ 3 tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì chủ hộ sẽ phải thuê nhà thầu thi công xây dựng. Hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có ít nhất 2 căn hộ thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2.

Việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị của hộ gia đình cá nhân phải đảm bảo yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Hộ gia đình cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu đô thị có tổng diện tích sàn từ 1.000 m2 trở lên hoặc có chiều cao từ 6 tầng trở lên thì bắt buộc phải có chứng nhận bảo đảm an toàn chịu lực do đơn vị chức năng cấp. Các trường hợp vi phạm sẽ không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.


Riêng trường hợp huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần móng. Ảnh: Hoàng Hà.

Các cá nhân, hộ gia đình có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Các hộ gia đình cá nhân chỉ được bán cho thuê căn hộ khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Sau khi bán, chủ hộ phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người mua theo hình thức đất sử dụng chung.

Theo văn bản này, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới có thể ký hợp đồng vay vốn của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư hoặc phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật để huy động vốn còn thiếu. Trong trường hợp này, bên cho vay hoặc bên mua trái phiếu không được quyền ưu tiên đăng ký mua nhà ở.

Nếu chủ đầu tư ký hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản thì bên tham gia góp vốn được phân chia lợi nhuận bằng tiền, cổ phiếu hoặc sản phẩm là nhà ở trên cơ sở tỷ lệ góp vốn. Riêng trường hợp huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước, thông qua hình thức ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì dự án phải được phê duyệt thiết kế và hoàn thành xong phần móng.

Trường hợp huy động vốn có thỏa thuận phân chia sản phẩm là nhà ở thì chủ đầu tư được phân chia cho các hình thức huy động vốn tối đa 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án không phải qua sàn giao dịch bất động sản nhưng phải báo cho Sở Xây dựng xác nhận. Bên tham gia hợp tác kinh doanh được phân chia sản phẩm là nhà ở có nhu cầu bán hoặc cho thuê thì không được trực tiếp ký hợp đồng mua bán, cho thuê mà phải do chủ đầu tư (bên có quyền sử dụng đất) trực tiếp ký hợp đồng. Chỉ khi bên hợp tác kinh doanh đã nhận bàn giao nhà ở và có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì mới được quyền bán, cho thuê nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress