Top

Thi công ẩu, thảm họa chực chờ

Cập nhật 02/11/2007 13:00

Đến ngày 15 - 11, Sở Xây dựng phải đưa ra những quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Trước tình trạng xảy ra liên tiếp nhiều vụ thi công công trình gây sập, nghiêng lún các tòa nhà kế bên tại TP.HCM, chiều 1 - 11, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, đã chủ trì cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp hạn chế thảm họa có thể xảy ra từ những công trình xây dựng ẩu.

Thi công kiểu... may rủi!

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đã công bố hàng loạt sự cố đã xảy ra ở các công trình xây dựng trên địa bàn TP trong vòng một tháng qua. Nóng nhất và vụ sập nền Trường THCS Lương Định Của ở quận 2 sáng 1 - 11. “Sự cố xây dựng đã xảy ra ở tất cả các loại công trình từ quy mô nhỏ đến lớn, từ dự án của doanh nghiệp ngoài quốc doanh đến công ty liên doanh và cả dự án của các ban quản lý. Đây là thực trạng hết sức báo động!” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Trở lại vụ công trình cao ốc Saigon Residences làm nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu, ông Hiệp cho biết từ tháng 6 - 2007 sau khi phát hiện công trình này làm nghiêng nứt một số căn hộ ở tầng trệt chung cư, Sở Xây dựng đã ra văn bản yêu cầu ngưng thi công và tiến hành kiểm định cũng như mời đơn vị tư vấn phương án thi công an toàn. Đến ngày 18 - 10, Sở Xây dựng cho thi công trở lại vì Công ty Kiểm định Sài Gòn xác định quá trình thi công không ảnh hưởng đến chung cư, tuy nhiên sau đó sự cố vẫn xảy ra. Liệu kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định Sài Gòn có đáng tin cậy khi đơn vị này đã kiểm định rồi nhưng sau đó sự cố lại xảy ra?

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Hiệp cho rằng “câu chuyện” gây ra sự cố hôm qua không có trong lần kiểm định trước (trong lần kiểm định trước không phát hiện và cảnh báo được nguy cơ gặp mạch nước ngầm - PV), do đó mới thuê Công ty Kiểm định Sài Gòn kiểm định lại. Ông Hiệp cũng nhìn nhận việc phê duyệt đề cương kiểm định trước đây chưa kỹ, chưa lường hết được các tình huống có thể xảy ra. “Vấn đề này có thể là do chủ quan và rủi ro trong nghề. Chúng tôi coi đây là bài học kinh nghiệm và lần duyệt đề cương sau này sẽ kỹ càng hơn”- ông Hiệp nói.

Chủ dự án... thờ ơ

Theo Sở Xây dựng, từ lúc xảy ra sự cố làm nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu đến cuối ngày 1 - 11, sở vẫn chưa thấy đại diện của chủ đầu tư cao ốc Saigon Residences (Công ty Liên doanh Trung tâm Thương mại và căn hộ Sài Gòn) đến làm việc. Chưa hết, hiện nay, tại rất nhiều công trình ở TP.HCM, chủ đầu tư tự thực hiện và kêu các nhà thầu phụ không đủ năng lực thi công và việc quản lý chất lượng cũng bị bỏ lửng.

Vụ cao ốc Pacific do Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương làm chủ đầu tư, dù diện tích khuôn viên đất lên đến 8.000 m2 nhưng chủ đầu tư chỉ cho khoan thăm dò địa chất 3 vị trí, trong có 2 vị trí không đạt yêu cầu (chỉ khoan 45 m) và 1 vị trí đạt yêu cầu là 48 m nhưng vẫn dùng kết quả này để “đại diện” cho cả công trình. Do đó việc đào trúng “mỏ” nước ngầm không có gì là khó hiểu. Nghiêm trọng hơn, dù không có chức năng giám sát thi công nhưng chủ đầu tư cao ốc Pacific vẫn đứng ra tự làm.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm của Sở Xây dựng trong những sự cố vừa qua, ông Hiệp cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó sẽ xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan. Riêng Sở Xây dựng sẽ phải giải trình trước UBND TP để xem xét trách nhiệm cá nhân về quản lý.

Ông Nguyễn Thành Tài cho biết ngay trong tối 1 - 11, UBND TPHCM đã ra văn bản yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra toàn bộ công trình cao ốc Saigon Residences và xác định trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan. “UBND đã chỉ đạo các quận - huyện kiểm tra toàn bộ các công trình xây dựng, đặc biệt là các cao ốc. TP đã giao Sở Xây dựng đến ngày 15 - 11 phải đưa ra những quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

PGS-TS NGUYỄN VIỆT KỲ, PHÓ TRƯỞNG KHOA ĐỊA CHẤT VÀ DẦU KHÍ TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA TPHCM:

Sẽ sụp đổ tiếp, nếu...


* Việc thi công tầng hầm cao ốc Saigon Residences làm chung cư số 5 Nguyễn Siêu bị nghiêng, theo ông nguyên nhân do đâu?

- Trước khi bàn về chung cư số 5 Nguyễn Siêu bị nghiêng, tôi muốn nhắc lại sự cố thi công công trình cao ốc Pacific làm sụp đổ Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. Ngày 24 - 10, đại diện Khoa Địa chất và Dầu khí đã có mặt trong cuộc họp khắc phục sự cố vụ việc trên theo lời mời của sở Xây dựng và UBND TPHCM. Sau nhiều khảo sát, thảo luận, nguyên nhân gây sự cố trước mắt của vụ sập tòa nhà đó được cho là do chất lượng của tường vây không bảo đảm. Việc thi công các tầng hầm đòi hỏi phải đào hố móng sâu và tiến hành bơm nước ngầm nhằm tháo khô móng. Nếu tường vây không tính đến các áp lực chênh lệch thì chắc chắn khi nước vào kéo theo đất sẽ gây sụp, lún ở những khu vực lân cận.

Do đó theo tôi, sự cố nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu cũng tương tự như sự cố sụp đổ Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. Tôi cho rằng, xảy ra sự cố cao ốc Saigon Residences làm chung cư bị nghiêng là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, nhưng khâu thi công vẫn là tác nhân chính.

* Nhiều người cho rằng sụt, lún, nghiêng các tòa cao ốc ở quận 1, quận 3 trong quá trình xây dựng là điều khó tránh khỏi vì địa chất ở nơi đây rất yếu?

- Nếu đổ lỗi cho tầng địa chất yếu thì cả TPHCM nơi nào cũng là nền đất yếu chứ không riêng gì khu vực quận 1, quận 3. Xét về mặt địa chất, TPHCM được ví như một con rồng mà đầu rồng nổi lên chỉ có đoạn nhà thờ Đức Bà, còn lại là đất cửa sông, thuộc về thành phần đất yếu lâu nay. Thực ra, ở nhiều nước, việc làm tầng hầm nơi các khu vực lấn biển vẫn không xảy ra sự cố nào. Vì thế, vấn đề không phải ở địa chất, đất tốt hay không tốt mà do thực trạng thi công công trình của chúng ta có vấn đề, kỹ thuật thi công của chúng ta chưa cao. Người thiết kế, thi công cứ làm mà quên khảo sát hoặc không tính toán đến các vấn đề tự nhiên khác của địa chất. Tôi e rằng với thực tế xây dựng hiện nay, những sự cố sụp đổ công trình do xây tầng hầm sẽ tiếp tục xảy ra.

* Nói vậy có nghĩa chúng ta có thể tránh được các sự cố như đã từng xảy ra?

- Sẽ tránh được nếu ta tính toán cẩn thận, nghiên cứu kỹ, cân nhắc trước khi xây dựng. Chẳng hạn với vụ tòa cao ốc Pacific, nếu tính toán kỹ đến đường rút nước của mạch ngầm, chúng ta có thể bơm áp lực vào để giảm bớt đường rút, chắc chắn sẽ không làm sụp đổ Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. Hiện nay các kỹ sư Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong xây các công trình ngầm, vì thế tường vây thường đóng thẳng xuống... Nói thật, nếu làm tường vây không tốt, không chỉ ảnh hưởng đến những công trình lân cận mà có thể ảnh hưởng ngay cả công trình đang xây dựng.

Sự cố nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu, Q.1

Đơn vị thi công nhận trách nhiệm


Trả lời báo chí sáng 1 - 11, ông Lê Viết Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (Công ty Hòa Bình – đơn vị thi công), đã nhìn nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự cố lún đất, nghiêng chung cư số 5 Nguyễn Siêu. Theo ông Hải, nguyên nhân là do đơn vị chưa tiên liệu sự cố về túi nước ngầm nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Siêu, giáp khuôn viên khu đất đang thi công làm phần móng. Để khắc phục sự cố, đơn vị đã cho lấp đất và cát pha đá với gần 30 m3 nhằm tạo cân bằng áp lực để tránh xảy ra sụt lún tiếp theo. Theo Sở Xây dựng, kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định Sài Gòn cho thấy trong ngày 1 - 11 chung cư số 5 Nguyễn Siêu tiếp tục bị nghiêng, nứt. Phần nền của chung cư bị dịch chuyển từ 2 - 3 cm và 6 căn nhà mặt tiền trước đây dịch chuyển từ 10 cm - 12 cm nay đã dịch chuyển đến 15 cm.

Ông Hải cho biết trước mắt, hỗ trợ mỗi người dân sinh sống trong chung cư số 5 Nguyễn Siêu 1,5 triệu đồng để dời tạm sang nơi khác trong quá trình kiểm định, tiến hành sửa chữa lại chung cư. Tại hiện trường, đến 17 giờ chiều ngày 1 - 11, hàng chục người dân vẫn ngồi trên lề đường chờ cơ quan chức năng cho vào nhà để lấy những vật dụng cần thiết. Trong khi đó, một số hộ dân sống ở con hẻm gần chung cư Nguyễn Siêu đã tự vận chuyển đồ đạc ra khỏi nhà vì sợ chung cư sẽ sập.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết cũng tại khu vực gần cao ốc Saigon Residences đã phát hiện thêm một công trình xây dựng thi công không bảo đảm an toàn nên đã đình chỉ thi công. Đó là cao ốc 56 - 58 - 60 Hai Bà Trưng, quận 1, nhà thầu chính là Công ty Cổ phần Xây dựng Gamma, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quỳnh Hương.

QUẬN 2 - TPHCM

Sập phòng học, một học sinh bị thương


Sáng 1 - 11, nền một phòng học dãy A ở Trường THCS Lương Định Của, quận 2 - TP.HCM bất ngờ bị sụp xuống làm một học sinh bị thương phải đưa đi bệnh viện. Cô Trần Thị Ngọc Cảnh, giám thị nhà trường, cho biết em Lê Thị Bích Vân, học sinh lớp 85 đang đi từ bục giảng về chỗ ngồi thì nền nhà dưới chân em bị sụp làm em rơi xuống hố dài khoảng 3 m, ngang 1,5 m và sâu khoảng 1 m. Giáo viên của trường kiểm tra dãy phòng học này và phát hiện thêm một khu vực bị sụp lún khác dài 3,2 m, rộng 0,8 m và sâu gần 1 m. Chiều cùng ngày, nhà trường đã cho tất cả học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.



Hố sâu gần 1 m dài gần 4 m, rộng hơn 1 m trong
 phòng học Trường THCS Lương Định Của, Q.2.


Có mặt tại hiện trường sau khi xảy ra sự cố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín chỉ đạo Sở Xây dựng phải nhanh chóng kiểm tra thẩm định lại toàn bộ công trình và báo cáo TP trước ngày 4 - 11. Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân là do nền đất các phòng học đắp quá cao nhưng chưa được nén chặt mà đã xây dựng công trình lên trên nên dẫn đến lún sụp.

Trường THCS Lương Định Của do Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây làm chủ đầu tư, đơn vị xây dựng là chi nhánh Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam.

Theo Người Lao Động