Top

Nhiều bất cập trong phân cấp quản lý quy hoạch

Cập nhật 15/04/2009 14:05

Mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp hằng năm dành cho chuyển đổi mục đích xây dựng các dự án lên tới hàng trăm ha, nhưng cho tới nay, Từ Liêm vẫn chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000.

Từ năm 2000 đến nay, huyện vẫn phải thực hiện quản lý đất đai, quy hoạch theo quy hoạch chi tiết 1/5000 được thành phố phê duyệt từ năm 2000, trong khi nhu cầu sử dụng đất và đô thị hóa ngày một tăng. Những bất cập này đang ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước của huyện trong những năm qua.

Đây là những thông tin được UBND huyện Từ Liêm đưa ra tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội ngày 14/4 về thực hiện các quy định trong quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng ở huyện.

Theo ông Nguyễn Kim Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm 1/5000 hiện không đáp ứng hiện trạng sử dụng đất, trong đó có cả đất an ninh, quốc phòng, đất công nghiệp… Mật độ xây dựng, chiều cao trung bình tại các khu làng xóm trong đô thị quá thấp; cảnh quan kiến trúc không phù hợp. Tỷ lệ bản đồ chưa đáp ứng được các điều kiện về cấp phép các công trình xây dựng theo quy định và phân cấp. Việc xác định ranh giới, chỉ giới gặp nhiều khó khăn.

Cũng vì chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000 nên số đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 được UBND TP phê duyêt trên địa bàn huyện (trên 50 đồ án) chỉ là quy hoạch mang tính độc lập, không thể phục vụ cho việc cấp giấy phép xây dựng tại các khu dân cư, làng, xóm. Cũng vì không có quy hoạch chi tiết 1/2000 nên hiện tại việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của một số dự án khu nhà ở, làng xóm không được hoàn thiện đầy đủ do việc cung cấp cốt san nền cho nhiều dự án chênh quá nhiều so với cốt hiện trạng của khu dân cư, công trình cũ như cao độ mặt đường hay một số dự án mới.

Một bất cập nữa trong công tác này chính là huyện chưa được bàn giao các số liệu kỹ thuật, lộ giới, chỉ giới đường đỏ các tuyến đường do thành phố, trung ương quản lý qua địa bàn huyện liên quan đến cấp phép xây dựng; hành lang bảo vệ sông Nhuệ, khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cũng chưa cắm mốc rõ ràng.

Về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, theo ông Vinh, từ năm 2006 đến nay, huyện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn cho 6 xã (Phú Diễn, Minh Khai, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Thượng Cát, Liên Mạc); phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng hoa Tây Tựu tỷ lệ 1/2000; thực hiện phê duyệt tổng mặt bằng cho 37 dự án. Huyện cũng đã tiếp nhận và công bố 15 đồ án quy hoạch chi tiết. Công tác cấp phép xây dựng tăng từ 45 lên 564 giấy phép (tăng 228% so với trước) đạt tỷ lệ 80% số công trình xây dựng (riêng các xã cấp 243 giấy phép cho công trình đơn lẻ). Tỷ lệ xử lý các vi phạm trong trật tự xây dựng đạt 95,86%...

Tuy nhiên, điều đáng nói là ngày 28/4/2008, UBND TP đã có Quyết định 1525/QĐ-UB phân cấp đầy đủ thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cho huyện, nhưng từ đó tới nay đã 1 năm, Sở Quy hoạch- Kiến trúc vẫn chưa bàn giao bản đồ phân vùng quy hoạch cho huyện. Kinh phí cho huyện thực hiện công tác quản lý theo phân cấp, nhất là lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cũng chưa có.

Cũng tại buổi giám sát, UBND huyện đã đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch- Kiến trúc sớm triển khai lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 cho huyện; bàn giao bản đồ phân vùng quy hoạch đã được phê duyệt cho huyện làm cơ sở thực hiện các nội dung phân cấp. Đồng thời ban hành quy định về quản lý kiến trúc dọc hai bên các tuyến đường mới mở, cụ thể là việc khống chế chiều cao, tầng hầm…cũng như thống nhất các quy định về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị