Top

Ai sẽ “ôm” 10 ngàn căn hộ thu nhập thấp?

Cập nhật 19/12/2008 09:11

Có nên hỗ trợ trực tiếp cho người có thu nhập thấp vay vốn ưu đãi tạo lập chỗ ở thay vì xây nhà cho thuê, thuê mua?

Hôm qua (18-12), Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết trong tháng 12 này, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng nội dung cụ thể về triển khai đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn trong gói kích cầu một tỷ USD mà Chính phủ vừa thông qua. Ngay khi Thủ tướng cho phép thực hiện thì Bộ Xây dựng sẽ triển khai ngay, khoảng một năm sau thì sẽ có nhà ở xã hội theo chương trình đầu tư này.

Bộ Xây dựng đề nghị được làm chủ đầu tư

Trước đó, ngày 8-12, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ được trực tiếp đầu tư xây dựng một số nhà ở xã hội thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM, hai nơi có nhu cầu bức xúc lớn về nhà ở. Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị được bố trí nguồn vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng trong gói một tỷ USD kích cầu từ quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia để xây khoảng 10.000 căn hộ cho các đối tượng là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân... khó khăn về nhà ở thuê, thuê mua. Bộ xin được áp dụng một số cơ chế đặc thù như được phép chỉ định tư vấn thiết kế, chỉ định thầu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bộ còn kiến nghị UBND TP Hà Nội và TP.HCM chuyển giao quỹ đất đã được quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho Bộ để thực hiện thủ tục chuẩn bị triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Sau khi các dự án nhà ở xã hội thí điểm hoàn thành, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức quản lý khai thác, vận hành quỹ nhà ở này để thu hồi vốn và hoàn trả vốn đầu tư. Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các địa phương để triển khai các dự án khác hoặc có thể chuyển giao quỹ nhà này cho chính quyền địa phương hai TP để cho thuê, thuê mua theo Luật Nhà ở.

Từ tháng 9-2008, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng phê duyệt chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang thuê, thuê mua giai đoạn 2009-1015. Dự kiến sẽ đầu tư xây dựng gần 190 ngàn căn hộ với tổng vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa vốn là từ ngân sách nhà nước, số còn lại huy động từ các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, chương trình này hiện chưa được Thủ tướng thông qua.

Nên giao địa phương quyền tự chủ

Đề xuất cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở xã hội thí điểm trong gói 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu đang gặp phải sự lo ngại của một số chuyên gia. Theo Luật Nhà ở, địa phương (Hà Nội và TP.HCM) có quyền quyết định lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt các dự án, tổ chức chỉ đạo việc triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương trong từng giai đoạn.

“Bộ Xây dựng chỉ nên là cơ quan làm chính sách, quản lý, Bộ không nên làm chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở thay địa phương. Chủ đầu tư nên là địa phương bởi họ là đơn vị làm quy hoạch, quản lý nhà ở tại địa phương, sát với người có nhu cầu về nhà ở” - ông Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói. Cũng theo ông Hy, nhà ở xã hội không phải giải quyết một lúc là hết, đó là vấn đề lâu dài. Phải giao cho địa phương làm ngay từ đầu để họ có trách nhiệm về chất lượng, quản lý, khai thác.

Hay để doanh nghiệp làm?


Về vấn đề sử dụng số tiền 2.500 tỷ đồng sao cho có hiệu quả nếu Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Xây dựng, ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu về nhà ở thông qua việc cho vay ưu đãi, có thể chỉ là một phần. Nếu số tiền 2.500 tỷ đồng đó trực tiếp đến tay người có nhu cầu mà không qua trung gian nào cả thì sẽ hiệu quả hơn nhiều, đó cũng là kích cầu. Giải pháp đó mới căn cơ, tránh được tiêu cực.

Ông Liêm nhận xét việc tạo dựng nhà nên do thị trường làm chứ không phải là nhà nước. Đó cũng là tinh thần của chiến lược toàn cầu về chỗ ở của Liên Hiệp Quốc: Không có bao cấp về nhà ở. Với người nghèo, người có thu nhập thấp thì chỉ tạo điều kiện như tín dụng, đất đai... cho họ. Nhà nước nào cũng muốn cho người dân có nhà nhưng nhiều nước đã phải bỏ cái việc là làm nhà cho người dân vì không hiệu quả. Ông Liêm lo ngại: “Nếu làm theo cách đó (tức nhà nước đứng ra xây nhà - PV) thì chất lượng nhà ở sẽ kém nhưng vẫn không sợ bị ế vì có ưu đãi thì nhà thế nào cũng bán được. Thực tế đã cho thấy nhà tái định cư đáng lo ngại đến mức nào nhưng nó vẫn kín chỗ. Chung cư thời bao cấp do nhà nước làm hầu hết chất lượng rất kém, thời gian qua chúng ta đã phải bỏ mô hình này”.

Nhiều ý kiến khác cho rằng số người có nhu cầu về nhà ở lớn hơn nhiều số căn hộ mà nhà nước có thể bỏ tiền ra xây, như vậy phải qua xét duyệt, xuất hiện cơ chế “xin-cho”. Chỉ đơn cử anh ở tầng nào thì cũng đã có “chuyện”, căn hộ ở hướng nào cũng đã có “chuyện”. Như vậy sẽ tạo nên sự cửa quyền, tham nhũng.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP