Top

Nhà ở xã hội: Thành bại phụ thuộc vào chính sách

Cập nhật 18/12/2008 17:13

Sự thành bại của chương trình nhà ở xã hội phụ thuộc vào chính sách có đủ sức hấp dẫn, để có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư hay không?

Đó là nhận định về chương trình nhà ở xã hội của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản. Ông Châu cho rằng: "Ở TPHCM hiện nay, không có bất cứ dự án nhà ở nào mang đúng nghĩa nhà ở xã hội mà do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Điều đó cho thấy, chính sách phát triển nhà ở xã hội thiếu tính hấp dẫn" - ông Châu nhận định.

Ông Châu cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ chương trình phát triển nhà ở xã hội trị giá 2.500 tỉ đồng. Chương trình này tạo ra quỹ nhà cho thuê, thuê mua (mua trả góp có thời hạn), chỗ lưu trú cho công nhân... Tôi đề nghị đối với dạng nhà thuê mua thì nên tính đến phương án xã hội hóa, cho doanh nghiệp tham gia, miễn là Chính phủ có chính sách hợp lý.

Ở Indonesia, chương trình nhà ở xã hội rất thành công (khoảng 100 dự án xây dựng khu căn hộ). Để thu hút các doanh nghiệp tham gia chương trình, chính phủ không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế VAT và thậm chí thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ thu ở mức tượng trưng. Ngược lại, chính phủ kiểm soát giá đầu ra của doanh nghiệp sao cho mức lợi nhuận đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp, nhưng đồng thời không tạo gánh nặng cho đối tượng thụ hưởng (người mua nhà).

Đối với người mua nhà, chính phủ cũng có hình thức hỗ trợ lãi suất theo nhiều mức khác nhau tùy vào mức thu nhập. Thời gian hỗ trợ lãi suất kéo dài trong 4 năm (khuyến khích người mua nhà trả nợ dứt điểm trong 4 năm).

"Hai vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến cho chương trình nhà ở xã hội đã có vài năm nay, nhưng không đi vào thực tế được, đó là không có đất và vốn. Vì vậy, những giải pháp tháo gỡ phải xoay quanh 2 vướng mắc này. Tôi đề nghị, không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, cũng phải có các ưu đãi đối với các ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn; hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Về phía người thụ hưởng, phải có chính sách hỗ trợ lãi suất" - ông Lê Hoàng Châu đề xuất như vậy.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội dạng này không phải là xa lạ với TPHCM. Năm 1990, Sở Địa chính - Nhà đất thành phố được giao chủ trì một dự án phát triển nhà ở xã hội. Dự án này Cty phát triển nhà Tân Bình thực hiện tại Bàu Cát, với quy mô 100 căn nhà. Người mua nhà được mua trả góp với lãi suất cố định 1%/tháng. Phần chênh lệch giữa lãi suất thực tế và lãi suất phải trả được thành phố hỗ trợ. Dự án nhà ở xã hội Bàu Cát đã thành công mỹ mãn.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động