Top

Những khu tạm cư "cổ" nhất TP.HCM

Cập nhật 09/09/2008 01:00

Khi bắt đầu đến khu tạm cư, Lương Thị Thanh Thúy mới chỉ là một nữ sinh 16 tuổi. Đến nay, chị đã qua tuổi 30, đã lập gia đình và có con, nhưng đời tạm cư vẫn chưa chấm dứt...

Tạm cư 3 thế hệ

Thúy là con ông Lương Thanh Nhi, Tổ trưởng tổ 50A, Khu tạm cư Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh. Năm 1994, gia đình ông Nhi cùng hàng chục hộ dân khác ở P.19, Q.Bình Thạnh, chấp hành chủ trương của Nhà nước, giao nhà để thực hiện dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Sau 3 năm tạm cư ở khu 20 căn (gần cầu Bình Triệu 2, P.26, Q.Bình Thạnh), năm 1997, gia đình ông Nhi tiếp tục dời về sống tại khu tạm cư Nơ Trang Long, kèm lời hứa của những người có trách nhiệm: "Cứ tạm ở đây trong khi chờ bố trí tái định cư". Và họ đã "ở tạm" cho đến nay...

"Khu tạm cư là 2 dãy nhà ọp ẹp với gần 30 căn hộ, mỗi căn chỉ có 4 bức tường gạch chưa tô, bên trên lợp vài tấm tôn; cả khu tạm cư phải xài chung nhà vệ sinh công cộng. Khổ nhất là trời mưa, ngoài đường thì sình lầy, trong nhà nước ngập ngụa, kéo theo rác rưởi..." - Thanh Thúy rùng mình nhớ lại những ngày đầu về khu tạm cư.

Đến nay, hạ tầng khu tạm cư cũng chẳng cải thiện gì, nếu không muốn nói còn tệ hơn sau hơn chục năm sử dụng, nhưng "ở riết rồi cũng phải quen".

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ chừng 30m2, ông Nhi lần lượt giới thiệu 3 thế hệ trong gia đình sống tại khu tạm cư, gồm vợ chồng ông, 6 người con và nay thêm hai đứa cháu.

Nhẩm tính một hồi, ông Nhi hóm hỉnh: "Đời tạm cư của tui và các hộ dân ở đây đã trải qua 2 đời giám đốc Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh, 3 đời chủ tịch quận và chủ tịch phường, vậy mà đã ổn đâu...".

Chuyện "không ổn" là gần đây các hộ dân nghe "hung tin" có thể phải dời về sống ở khu tạm cư khác, vì khu nhà họ đang ở nằm dưới đường điện cao thế! "Không biết đời tạm cư của bọn tui đến bao giờ mới kết thúc?" - ông Nhi chán nản.

Trưa chủ nhật 6.9, chúng tôi ghé một khu tạm cư "cổ" không kém, cũng nằm ở Q.Bình Thạnh: Cù lao Chà (P. 17). Vừa thấy chúng tôi, bà con nói vui: "Nhà báo đến đúng dịp kỷ niệm khu tạm cư này tròn 10 năm tuổi".

Năm 1998, người dân nơi đây vui mừng khi chính quyền thông báo khu đất họ đang ở sẽ được quy hoạch xây dựng chung cư để tái định cư. Sau đó, khoảng 30 hộ dân được chuyển đến khu tạm cư được dựng tạm bợ sát bên khu quy hoạch, với lời hứa trong vòng 2 năm sẽ được chuyển về chung cư mới.

Thế nhưng, đến nay đã đúng 10 năm, người dân chỉ thấy trên khu đất xây dựng chung cư là những hàng cọc sắt chĩa lên trời. Lần giở cuốn album của gia đình, bà Lan chỉ tấm ảnh chụp một bé gái đang lẫm chẫm đi, và bảo đó là con gái út Nguyễn Thị Đài Trang chụp khi mới về khu tạm cư.

Đến nay, Đài Trang đã 13 tuổi và đang học lớp 7. "Sau 10 năm tạm cư, gia đình tui giờ đã có thêm một thế hệ các cháu nội, ngoại..." - bà Lan "khoe".

Không thua người hàng xóm, bà Lê Thị Huệ (ngụ 51/11) khi về đây ở chỉ với 5 người con, nay cũng có thêm 6 đứa cháu nội, ngoại.

Nhìn cả đại gia đình bà Huệ sống chen chúc trong căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2, mùa nắng thì hầm hập như lửa đốt, khi mưa hay triều cường lên nước tràn vào nhà, thật khó tưởng tượng họ có thể an cư để "lạc nghiệp"...

Giấc mơ an cư

Đời sống của người dân ở các khu tạm cư hầu hết bấp bênh, do đa phần là lao động nghèo, phải làm đủ thứ nghề để sinh sống, như: buôn bán dạo, làm mướn, chạy xe ôm...

"Đã nghèo còn mắc eo, chúng tôi muốn vay tiền để làm ăn, mua xe gắn máy chạy xe ôm... thì chỉ toàn nhận được những cái lắc đầu, với lý do... nhà tạm cư, ai biết đi lúc nào mà dám cho vay, bán trả góp" - bà Lan nói trong nước mắt.

Vì vậy, hơn ai hết, những hộ tạm cư luôn mong muốn từng ngày, từng giờ sớm có nơi tái định cư. Thế nhưng, mong muốn của họ còn xa mới thành hiện thực, bởi công trình để họ tái định cư vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".



Nguyễn Trường Giang và con trai 7 tuổi sinh ra tại
khu tạm cư, đang nhìn hàng cọc sắt có từ 10 năm nay.


"Nhiều lần chúng tôi mừng hụt khi thấy từng đoàn công nhân, xe pháo kéo vào làm mấy ngày, rồi... ra đi không hẹn ngày trở lại. Gần đây nhất, trong tháng 8, họ có quay trở lại, nhưng chỉ để rào chắn công trình và sơn mấy cây cọc sắt để chống gỉ sét" - anh Nguyễn Trường Giang (con trai bà Huệ) lắc đầu khi nói về tiến độ chung cư Cù lao Chà.

Trong khi đó, nhiều người dân tạm cư đã hơn chục năm, khi thấy chung cư cao tầng Nguyễn Ngọc Phương (P.19, Q.Bình Thạnh) - cũng thuộc dự án của Công ty phát triển nhà Bình Thạnh - đã hoàn thành sau 2 năm thi công và đang bố trí dân vào ở, họ xin tái định cư tại chung cư này.

"Đăng ký thì cho, nhưng mấy ông ở quận nói phải chờ thành phố giải quyết. Chúng tôi đã chờ từ 10 năm rồi, nay lại biểu chờ tiếp thì biết đến bao giờ mới được an cư?" - bà Lan bức xúc.

Nghe ý kiến của dân

Trao đổi với PV về tình hình tạm cư, tái định cư, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo thừa nhận, dù HĐND TP đã có Nghị quyết số 57/2006 quy định đến 30.6.2007 phải giải quyết tái định cư gần 5.000 hộ dân đang sống tạm cư, nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận người dân phải ở nhà tạm cư.

Trong kế hoạch triển khai thí điểm tham vấn cộng đồng tiến hành từ nay đến cuối tháng 11.2008, HĐND TP sẽ trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, đặc biệt là các hộ tạm cư, tái định cư, trước khi tổ chức cho các đơn vị liên quan điều trần. Bà Thảo cũng cho biết, HĐND TP sẽ tích cực tác động các cơ quan chức năng sớm giải quyết những vướng mắc, chăm lo tốt hơn đời sống của người dân tạm cư.

Kiểm tra tình hình tái định cư

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Nhức nhối tái định cư, Văn phòng HĐND và UBND TP.HCM hôm qua 8.9 cho biết đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài giao Sở Xây dựng nghiên cứu nội dung loạt bài do báo đăng tải, kiểm tra, tổng hợp tình hình về kết quả xây dựng chung cư tái định cư; đồng thời phối hợp các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; báo cáo UBND TP và trả lời cụ thể cho Báo Thanh Niên. Ngoài ra, Sở Xây dựng kịp thời xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư phục vụ tái định cư cho người dân.


Theo Thanh Niên