Top

Nhiều nhà cho mượn, cho thuê khi đi xuất cảnh, được lấy lại

Cập nhật 22/08/2008 15:00

Hơn 40 câu hỏi, trong đó có nhiều câu do bạn đọc từ Mỹ, Pháp, Australia, Canada… tham gia giao lưu trực tuyến về “Cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 (NQ 1037) ngày 27-7-2006 của UBTV Quốc hội” đã được Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đỗ Phi Hùng trả lời trong sáng 21-8. Vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm là có đòi được nhà cho mượn trước khi xuất cảnh, nhà thừa kế có yếu tố nước ngoài có được cấp giấy hồng…

Chỉ mới có 107 người được cấp giấy hồng

Ngoài những câu hỏi cụ thể về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy hồng), rất nhiều bạn đọc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi thư và bày tỏ nguyện vọng muốn mua nhà ở VN để sinh sống. Tuy nhiên, họ băn khoăn không biết có thể đứng tên mua nhà tại VN được không, đồng thời họ cũng bày tỏ sự lo lắng về các thủ tục hành chính vì hiện nay số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy hồng còn quá ít.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng đã chia sẻ những băn khoăn của bạn đọc và thừa nhận rằng tại TPHCM hiện chỉ mới có khoảng 107 người VN ở nước ngoài được cấp “giấy hồng”. Nguyên nhân là còn quá nhiều vướng mắc trong công tác cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần phải được hướng dẫn.

Cụ thể như người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép về sống ổn định tại VN được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng nhưng thuật ngữ “về sống ổn định tại VN” chưa được giải thích, hướng dẫn nên khó vận dụng trong thực tế. Hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép cư trú từ 6 tháng trở lên chỉ được sở hữu 1 căn nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định thời hạn cư trú tại Việt Nam của đối tượng này.

Việc cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo NQ 1037 đối với người mua, người nhận tặng (cho) nhà ở phải có hợp đồng mua bán, tặng cho nhưng rất nhiều trường hợp giao dịch các bên tự thỏa thuận mua bán, tặng cho nhà ở bằng giấy tay (do nhà ở chưa cho giấy tờ hợp lệ), thì hiện nay các bên khó có điều kiện để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định… Tất cả vướng mắc đã được Sở Xây dựng trình Bộ Xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm.

Bạn đọc tên Long tại địa chỉ email longsa@yahoo.com hỏi gia đình ông có 5 anh em, có nhận thừa kế căn nhà do mẹ ông để lại. Trong đó, có 2 người anh đang ở nước ngoài. Hiện ông muốn làm “giấy hồng” thì phải thực hiện ra sao? Do câu hỏi chưa nói rõ tình trạng pháp lý hiện nay của căn nhà nên ông Đỗ Phi Hùng đã đưa 2 tình huống để giải quyết. Đó là: Nếu căn nhà đã có chủ quyền hợp pháp của cha mẹ ông, thì ông có thể đại diện các đồng thừa kế còn lại lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng, chứng thực; Nếu căn nhà chưa có chủ quyền hợp pháp thì ông đại diện các đồng thừa kế còn lại lập thủ tục cấp “giấy hồng”, sau đó lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế căn nhà này tại cơ quan công chứng.

Bạn đọc tên Chiêm Trương (ngụ tại đường Nguyễn Thị Nhỏ phường 2 quận 6) và bạn đọc tại địa chỉ email acerive@hotmail.com sống tại 18-20 Tản Đà quận 5 cho biết, thời gian qua, giấy tờ nhà của ông bị “treo” do Sở Xây dựng từ chối xét cấp “giấy hồng” vì cho rằng căn nhà xin cấp giấy có liên quan đến giao dịch dân sự về nhà ở - có yếu tố nước ngoài (người thân đang định cư tại nước ngoài), phải chờ hướng dẫn. Các hộ này hỏi bây giờ NQ 1037 đã được áp dụng, vậy họ có cấp “giấy hồng” chưa?

Ông Hùng cho biết, được sự chấp thuận của UBNDTP, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu UBND quận 5 và quận 6 cấp giấy chứng nhận đối với 2 trường hợp này. Ông John Paker định cư ở Australia đã 30 năm qua muốn biết nếu ông về Việt Nam mua nhà, sau đó có thể để lại ngôi nhà này cho con cháu (hiện đang ở nước ngoài) sau khi ông mất không? Ông Đỗ Phi Hùng cho biết, khi ông được xác lập quyền sở hữu nhà ở tại VN (được cấp “giấy hồng”) thì ông được được định đoạt căn nhà trên, tức là có thể bán hoặc để lại thừa kế.

Nhà mà Nhà nước chưa quản lý, được lấy lại

Ông Nguyễn Hạnh Đình (hanhphucdl@gmail.com) đang ở Canada, hỏi: Trước khi xuất cảnh, tôi có làm văn bản cho Nhà nước mượn một căn nhà. Hiện căn nhà đang được sử dụng để làm một trụ sở văn phòng. Vậy tôi có thể đòi lại nhà hay không? Ông Hùng trả lời: Về nguyên tắc, nếu ông xuất cảnh trước ngày 1-7-1991 thì ông thuộc đối tượng áp dụng của NQ 1037 và căn nhà tại thời điểm ông cho mượn là nhà ở, có hợp đồng bằng văn bản cho mượn nhà có chữ ký của hai bên thì ông được quyền đòi lại.

Bạn đọc tại địa chỉ longsa@yahoo.com lại đưa ra trường hợp “Trước khi xuất cảnh đi Pháp (vào năm 1972), cậu tôi không để lại giấy tờ hoặc văn bản nào để gửi lại nhà. Nay, cậu tôi hồi hương và đòi lại căn nhà trên. Vậy chúng tôi có được hưởng quyền lợi gì không nếu cậu tôi cứ một mực đòi lại nhà (gia đình chúng tôi đã sống tại căn nhà trên 30 năm)?”

Trường hợp bạn nêu chưa rõ căn nhà trên gia đình bạn được cấp chủ quyền như thế nào nên có 2 tình huống xảy ra: Nếu căn nhà đã được Nhà nước quản lý theo diện nhà đất vắng chủ và gia đình bạn được lưu thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì căn nhà này hiện nay thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn. Nếu không thương lượng được thì việc tranh chấp quyền sở hữu nhà ở sẽ do tòa án giải quyết.

Nguyễn Văn Lợi (quận Bình Thạnh, TPHCM) hỏi: Ông đang thuê nhà của Nhà nước mà căn nhà này của một Việt kiều vượt biên sang Úc từ năm 1979. Hiện ông đang hoàn tất thủ tục mua hóa giá theo NĐ 61/CP, vậy sau khi ông mua, Việt kiều về có đòi lại nhà được không? Theo ông Đỗ Phi Hùng, căn nhà đã được Nhà nước quản lý và ông là người thuê sử dụng thì Nhà nước không xem xét lại việc quản lý trước đây đúng hay sai nữa và ông được phép mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật. Người Việt Kiều kia không có quyền đòi lại nhà đối với trường hợp nhà đã được Nhà nước cải tạo, quản lý.

Ông Tommy Trần (đang sống ở New York) hỏi căn nhà ông đã cho Nhà nước mượn (có giấy tờ cho mượn) hiện nay đang làm trường học cấp 2, vậy ông có thể đòi lại? - Trường hợp của bạn nếu tại thời điểm cho mượn nhà để ở nhưng hiện nay đang làm trường học bạn vẫn có thể đòi lại căn nhà trên.

Thế nhưng bạn đọc tại địa chỉ foreinger_us@yahoo.com (đang ở Mỹ) lại thắc mắc, nếu căn nhà cho mượn hiện đang sử dụng vào mục đích quốc phòng có được trả lại không? Nếu trường hợp nhà của bạn đang được sử dụng vào mục đích quốc phòng thì nhà nước không thể trả lại căn nhà cũ của bạn mà sẽ trả lại bằng 1 trong 3 phương thức: trả bằng nhà ở khác, bằng tiền hoặc bằng giao đất ở nơi khác- ông Hùng trả lời.

Theo NQ 1037 của UBTV Quốc hội, có 4 đối tượng được cấp giấy giấy hồng theo NQ 1037, gồm: người VN trong nước; người VN định cư ở nước ngoài; đồng sở hữu hoặc đồng thừa kế, gồm cả người VN trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức trong nước. Từ ngày 11-7, người dân có nhu cầu cấp “giấy hồng” theo NQ 1037 của UBTV Quốc hội có thể nộp đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận tại UBND quận, huyện (nếu chủ sở hữu chủ sở hữu là cá nhân) và nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng (nếu là tổ chức trong nước).


NQ 1037 của UBTV Quốc hội liên quan đến giao dịch dân sự về nhà ở, được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, đã có hiệu lực từ 2 năm qua nhưng vẫn chưa có hướng dẫn thi hành của cơ quan cấp Trung ương. Mặc dù TPHCM đã “tháo” để cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng trên nhưng bạn đọc tại buổi giao lưu còn đưa ra nhiều trường hợp vướng mắc không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng như: đơn đòi nhà ra sao, gửi cho tòa án bằng bằng cách nào mới hợp lệ, hợp đồng giao dịch hợp lệ có cần chứng thực hay không… Do đó, ông Đỗ Phi Hùng cho biết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến và những vướng mắc của bạn đọc để trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết.


Bạn đọc bấm vào đây để xem nội dung buổi giao lưu

Theo Sài Gòn Giải Phóng