Top

Người Việt ở California (Mỹ): Bán nhà sang bang Texas

Cập nhật 31/01/2008 10:00

Tại bang California, có đến 60% số nhà thuộc diện mua trả chậm bị tịch biên, đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc.

Nguyên nhân do người mua mất khả năng trả tiền vay ngân hàng.

Bang California hiện không còn là vùng đất hứa đối với người Việt như hơn hai thập niên về trước. Ngày càng có nhiều người Việt bán nhà, di dân về các tiểu bang miền Nam, đặc biệt là bang Texas. Tại đây, một căn nhà đổi được một căn nhà giống như ở California mà lại còn dư một số vốn khá lớn để làm ăn.

Anh Thanh Phạm và gia đình chị Chung Vũ - những người từ California dọn về khu Benbrook, TP Fort Worth (bang Texas) vào cuối năm 2006, nhớ lại: “Đầu những năm 1990 là thời kỳ huy hoàng của những ai đang sở hữu nhà. Giá nhà đất ở California lên cơn sốt tăng gấp hai, ba lần giá mua trước đó. Bỗng chốc nhiều người có trong tay một tài sản lớn. Nhiều người độc thân hay gia đình ít người không có thu nhập cao đành phải sống chung bằng cách thuê phòng ở. Chuyện làm chủ một ngôi nhà đúng là giấc mơ Mỹ”.

Trong suốt thập niên đó, nhiều công ty bất động sản đổ xô xây nhà bán. Ngân hàng dễ dàng thông qua thủ tục tài chính để biến giấc mơ của nhiều người ở California thành sự thật. Đó cũng là hình ảnh chung của ngành địa ốc đang ăn nên làm ra tại các tiểu bang khác trên khắp nước Mỹ.

Gia đình anh Jonathan Trần di dân đến California năm 1991 giữa lúc cơn sốt nhà đất lên cao. Năm năm sau, vợ chồng anh mới mua được căn nhà trị giá 400.000 đô trả trong 15 năm nhờ thủ tục vay tiền dễ dàng. Nhà có ba phòng nhưng anh đã cho thuê hết hai, chịu ở chật hẹp để có tiền trả tiền nhà hàng tháng.

Đến đầu năm 2005, theo định giá thị trường, nhà anh đã lên 540.000 đô. Vợ chồng anh quyết định bán nhà. Sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, cầm số tiền còn lại, vợ chồng anh chuyển đến Dallas (bang Texas) mua lại một căn nhà bốn phòng bằng tiền mặt và còn dư tiền để đầu tư vào hai căn duplex (nhà cho hai hộ ở) cho thuê.

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, rồi chiến tranh Afghanistan, Iraq, lũ lụt, thiên tai, tình trạng thất nghiệp ở Mỹ tăng cao, việc làm không ổn định, kinh doanh xuống dốc. Trong bối cảnh đó mà nhiều người ở California chuyển về các bang khác có giá nhà đất rẻ hơn và dễ làm ăn hơn.

Chỉ số tăng trưởng hàng năm của Mỹ xấp xỉ 3%, được dự đoán là khá tốt sau những năm khởi đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, người dân ở Mỹ dễ dàng nhận ra chiều hướng kinh tế bất ổn. Con số thất nghiệp trung bình là 4,5% hiện nay so với giữa thập niên 1990, mức tăng trưởng kinh tế 4,1% và tỷ lệ thất nghiệp chỉ 1,8%.

Mức lạm phát không theo dự tính dù chính phủ Mỹ đã can thiệp bằng những đợt cắt giảm lãi suất hoặc giảm thuế thu nhập, giảm thuế nhà cho dân. Tình hình lại càng tồi tệ hơn khi hiện nay giá dầu thô thế giới luôn biến động, vàng tăng giá đột biến và đồng đô la Mỹ suy yếu trầm trọng, đưa nền kinh tế Mỹ bước vào cuộc suy thoái.

Kể từ giữa năm 2005 đến nay, thị trường bất động sản tại Mỹ liên tục sụt giảm. Sức mua năm 2007 giảm 13% so với năm 2006 dù giá nhà đã giảm xuống 10%. Các chương trình hỗ trợ cho người mua nhà trả chậm với lãi suất thấp cũng không giải tỏa được cuộc khủng hoảng nhà đất.

Nhiều công ty ngân hàng và địa ốc lâm vào cảnh phá sản do người mua mất khả năng trả tiền nhà. Số liệu của Ủy ban Phát triển kinh tế quốc gia cho biết riêng tại bang California đã có đến 60% số nhà bị tịch biên đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc.

Người Việt mình vẫn thường nói “an cư lạc nghiệp” nhưng xem ra câu thành ngữ đó ở California không được như mong muốn. Những trường hợp như anh Thanh, chị Chung, anh Jonathan Trần hoặc còn rất nhiều người Việt khác nhạy bén với bức tranh u ám của kinh tế Mỹ nên đã sớm di dân đến miền đất mới. Làn sóng di dân nội địa âm thầm này khởi phát từ đầu năm 2005 đến nay và vẫn đang tiếp diễn.

Ngày 29-1, với số phiếu thuận 385/420, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch trọn gói trị giá 150 tỷ USD trong hai năm (146 tỷ trong năm nay và phần còn lại trong năm tới) để ngăn chặn nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái. Theo kế hoạch, 117 triệu gia đình sẽ được hoàn thuế, mỗi cá nhân được giảm thuế 600 USD, mỗi cặp vợ chồng được giảm thuế 1.200 USD cộng thêm 300 USD cho mỗi con. Doanh nghiệp đầu tư vào nhà xưởng và đổi mới trang thiết bị, phát triển kinh doanh cũng được giảm thuế. Kế hoạch kích thích kinh tế sẽ được trình lên Thượng viện.

NG.H (Theo Reuters)


Theo Pháp Luật TP.HCM